Niềm vui, niềm tin tưởng và những điều còn băn khoăn
Ông Nguyễn Hữu Mỹ ở phường Tân Ðịnh, quận 1, TP Hồ Chí Minh năm nay hơn 80 tuổi nói trong Hội nghị tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Theo dõi truyền hình trực tiếp phiên bế mạc kỳ họp thứ sáu QH khóa XIII, tôi mừng lắm, vui lắm vì Hiến pháp (sửa đổi) được thông qua với sự nhất trí của tuyệt đại đa số đại biểu QH. Tôi cũng cảm thấy tự hào khi được biết đã có 26 triệu ý kiến đóng góp vào dự thảo Hiến pháp (sửa đổi). Nước ta có 90 triệu dân. Tính bình quân cứ ba người dân có một người góp ý kiến xây dựng Hiến pháp. Thật là quý hóa. Tôi còn thấy trong các phiên họp của QH được truyền hình trực tiếp, các đại biểu QH đã thảo luận rất dân chủ và đầy tinh thần trách nhiệm với những ý kiến thẳng thắn.
Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân
Ông Nguyễn Hữu Mỹ ở phường Tân Ðịnh, quận 1, TP Hồ Chí Minh năm nay hơn 80 tuổi nói trong Hội nghị tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Theo dõi truyền hình trực tiếp phiên bế mạc kỳ họp thứ sáu QH khóa XIII, tôi mừng lắm, vui lắm vì Hiến pháp (sửa đổi) được thông qua với sự nhất trí của tuyệt đại đa số đại biểu QH. Tôi cũng cảm thấy tự hào khi được biết đã có 26 triệu ý kiến đóng góp vào dự thảo Hiến pháp (sửa đổi). Nước ta có 90 triệu dân. Tính bình quân cứ ba người dân có một người góp ý kiến xây dựng Hiến pháp. Thật là quý hóa. Tôi còn thấy trong các phiên họp của QH được truyền hình trực tiếp, các đại biểu QH đã thảo luận rất dân chủ và đầy tinh thần trách nhiệm với những ý kiến thẳng thắn.
Cùng chung cảm nhận đó là ý kiến phát biểu của cử tri Trần Quang Tuấn (phường Bến Nghé), Lê Văn Minh (phường Cô Giang), Lê Ðình Cây (phường Nguyễn Thái Bình) ở quận 1 và các cử tri Hồ Quang Chính (phường 9), Nguyễn Hữu Châu (phường 7) ở quận 3. Cử tri Phạm Ðức Phùng phát biểu ý kiến như một lời tâm sự rằng: Chỉ đến khi về hưu, có điều kiện tiếp xúc gần gũi với bạn bè, bà con ở khu dân cư thì ông mới cảm nhận được tình cảm và ý thức trách nhiệm của người dân hướng về kỳ họp quan trọng này. Thời gian qua, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ai cũng quan tâm đến Ðiều 4 của Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Ðảng, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta đối với Ðảng nhưng cũng yêu cầu mọi tổ chức đảng và đảng viên phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình và luôn hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Ðiều 4 của Hiến pháp (sửa đổi) đã thể hiện được tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. Nhìn vào sự bất ổn định về chính trị, xã hội đã và đang diễn ra ở nhiều nước, chúng ta càng thấm thía rằng, với dân tộc ta, chỉ có Ðảng ta, Ðảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất có thể lãnh đạo đất nước phát triển.
Trong khi bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả, đặc biệt có cử tri gọi đó là những quyết định mang tính lịch sử mà QH khóa XIII đã thông qua tại kỳ họp thứ sáu, ý kiến phát biểu của cử tri các quận 1, 3, 4 cũng thẳng thắn nêu lên những băn khoăn, trăn trở và các kiến nghị trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng tôi rất tâm đắc khi ông Lê Văn Minh (phường Cô Giang, quận 1) nêu ý kiến: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội năm 2014, nêu rõ về bội chi ngân sách, về phát hành trái phiếu Chính phủ. Ông Minh kiến nghị QH cần đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giám sát. Triển khai công tác giám sát của QH đối với bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu Chính phủ định kỳ sáu tháng một lần. Công tác giám sát phải cụ thể, quyết liệt đối với từng lĩnh vực; đi tới tận cùng những nội dung mà QH thực hiện chức năng giám sát. Giám sát việc Chính phủ làm và làm thế nào đối với nguồn vốn được huy động từ trái phiếu Chính phủ để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Giám sát bội chi ngân sách phải ngăn chặn lãng phí trầm trọng như hiện nay. Ở quận 3, ông Hồ Quang Chính (phường 9) và ông Lâm Ngọc Mạnh (phường 12) đều cho rằng, thành công của kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII mang tính lịch sử, là thắng lợi to lớn khi thông qua Hiến pháp (sửa đổi), thông qua tám dự án luật, trong đó có Luật Ðất đai (sửa đổi); tình hình kinh tế – xã hội đã có chuyển biến tích cực và đúng hướng trên tất cả các lĩnh vực. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có chuyển biến bước đầu, thể hiện qua mức án tuyên phạt tử hình đối với tội tham nhũng, phản ánh tính nghiêm minh của pháp luật. Lãnh đạo các cấp, nhất là cấp thứ trưởng, bộ trưởng ngày càng sâu sát thực tiễn, gần dân hơn. Ðây là dấu hiệu đáng mừng cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, cử tri đang có ba băn khoăn lo ngại trước những yếu kém, khuyết điểm: (1) Bộ máy hành chính với biên chế lớn, cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, cán bộ quan liêu. (2) Chi tiêu tài chính, ngân sách của các bộ, ngành còn lãng phí lớn cho việc hội họp, khánh thành các công trình, tiếp khách, mua sắm, xây cất công sở. (3) Tính tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trước nhân dân, kể cả một số lãnh đạo cấp cao chưa được thể hiện rõ nét. Cần có sự đánh giá đúng đắn khách quan việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, nhiều cử tri kiến nghị cần triển khai mạnh mẽ trên thực tế việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị. Chỉ có người đứng đầu với trách nhiệm cao cùng với việc sâu sát thực tiễn, gắn bó với nhân dân mới giải quyết được những vấn đề đã nêu trên. Trích dẫn lại ý kiến phát biểu của đại biểu QH tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, ông Trần Quang Tuấn (phường Bến Nghé, quận 1) băn khoăn: Vì sao có những ý kiến trái chiều trong đánh giá thực trạng tình hình kinh tế – xã hội. Báo cáo của Chính phủ về lĩnh vực này thì mầu hồng. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế xã hội thì mầu xám. Nhân dân nhìn nhận tình hình kinh tế – xã hội của đất nước thì thấy nhiều điều đáng lo ngại. Vậy QH đã thực hiện chức năng giám sát tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước như thế nào? Giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc của cử tri Trần Quang Tuấn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta gặp những khó khăn thách thức rất lớn. Ðà tăng trưởng bị suy giảm dần đã tác động đến đời sống xã hội, làm nảy sinh tư tưởng bi quan, lo lắng trong các tầng lớp nhân dân. Ðó là một thực tế đã phản ánh đến kỳ họp thông qua ý kiến phát biểu của đại biểu QH. Ở kỳ họp này, QH đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận dân chủ, đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế – xã hội từ đầu nhiệm kỳ QH đến nay, qua đó thông qua Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014. Nhiều cử tri băn khoăn lo lắng đến bức xúc trước tình trạng làm ăn thua lỗ dẫn đến đình đốn, phá sản của một số doanh nghiệp nhà nước và mong muốn làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với việc quản lý nhà nước của những doanh nghiệp này. Ông Nguyễn Hữu Châu (phường 7, quận 3) kiến nghị cần tổ chức tổng kết đúc rút kinh nghiệm, quy trách nhiệm của tổ chức và cá nhân đối với việc thành lập các mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước nhưng không kịp thời tổ chức tổng kết mô hình, buông lỏng quản lý, dẫn đến làm ăn thua lỗ, tham nhũng trầm trọng để lại cho Nhà nước gánh nợ hàng trăm nghìn tỷ như ở Vinashin.
Có thể nói vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí đã thu hút sự quan tâm đặc biệt ở tất cả các hội nghị tiếp xúc cử tri ở quận 1, quận 3 và quận 4. Ông Vũ Văn Bình (cựu chiến binh phường 7, quận 3), ông Nguyễn Minh Ngọc (phường 14, quận 3) và nhiều đại biểu khác nêu lên những bức xúc, rằng, từ các đồng chí cán bộ đứng đầu các cấp cần tập trung trả lời câu hỏi vì sao cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra. Tệ nạn tham nhũng chẳng những không được ngăn chặn, đẩy lùi mà vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Cùng với tệ nạn xã hội khác nhất là nạn trộm cướp hoành hành cả ở thành thị lẫn nông thôn có chiều hướng gia tăng đang gây tâm lý bất an, bất ổn cho người dân… Hôm trước, trong cuộc tiếp xúc cử tri quận 1, ông Trần Quang Tuấn (phường Bến Nghé) trình bày thẳng thắn: Hiến pháp (sửa đổi) đã được thông qua, tôi đề nghị QH khẩn trương sửa đổi Bộ luật Hình sự để bổ sung tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong quản lý nhà nước để tạo hành lang pháp lý xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng.
Phát biểu ý kiến kết thúc các cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời, giải thích, giải tỏa hầu như tất cả các ý kiến và mọi tâm tư nguyện vọng của cử tri. Trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đang phát triển nhanh chóng về quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa, quy mô phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì xuất hiện những xung đột về lợi ích. Ðồng chí đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống địa phương làm tốt công tác giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại của công dân để giải quyết ngày càng tốt hơn mọi khiếu kiện tố cáo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân thành phố. Ðề cập tình hình và kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Ðảng ta đã xác định tệ nạn tham nhũng đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ, đã ban hành nhiều chủ trương, Nghị quyết của Trung ương Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng. Nhưng kết quả triển khai cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra như ý kiến phát biểu của các cử tri đã nêu. Từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XI của Ðảng, nhất là sau khi ban hành Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng, công tác phòng chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được kiện toàn hoạt động có hiệu quả bước đầu. Các vụ án tham nhũng điển hình, trọng điểm đã và đang được phát hiện, điều tra xét xử một cách tích cực. Thông qua việc thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, chúng ta đã phát hiện thêm khoảng 60 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng cần được xem xét, xử lý bằng pháp luật. Ðã ban hành văn bản chỉ đạo việc rà soát, xử lý những vụ án phạm tội tham nhũng nhưng được hưởng án treo. Các vụ án tham nhũng đã và sẽ tiếp tục được xét xử nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Tại kỳ họp thứ sáu vừa qua, có nhiều đại biểu chất vấn các cơ quan tư pháp để xảy ra vụ án oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Nhưng cũng có nhiều đại biểu biểu dương tinh thần dũng cảm, nhìn thẳng vào sự thật của các cơ quan tư pháp Trung ương để phanh phui vụ việc để bảo vệ công dân. Tương tự như vậy, vừa qua, dư luận chủ yếu hoan nghênh thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động phát hiện và xử lý kịp thời giám đốc các doanh nghiệp công ích hưởng lương “khủng”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ mong muốn từng tổ chức đảng và đảng viên cần phải tiếp tục kiên quyết và kiên trì thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng. Tiếp tục làm tốt yêu cầu công khai, minh bạch, nói thẳng, nói thật về những thiếu sót, khuyết điểm để có giải pháp sửa chữa, khắc phục. Ðó là cách phòng chống tham nhũng từ gốc.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()