Niềm vui mới ở thôn bản Lào Cai
Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương đã có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, Lào Cai luôn nỗ lực đưa nước sạch về những vùng khó khăn và xử lý chất thải ở nông thôn vùng sâu. Việc đưa nước sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường sống không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe người dân mà còn từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo.Chúng tôi về xã vùng sâu Khánh Yên Hạ của huyện vùng cao Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chứng kiến niềm vui của đồng bào dân tộc Tày ở bảy thôn nơi đây được dùng nước sạch. Chị Ma Thị Lan, ở thôn Tắc Xung, địu đứa con nhỏ trên lưng, tay vặn vòi lấy nước nấu cơm trưa, miệng cười tươi: "Hơn hai tháng nay, có nước sạch đến tận nhà, dùng thoải mái, không phải đi xa địu nước suối nên vừa đỡ...
Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương đã có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. |
Chúng tôi về xã vùng sâu Khánh Yên Hạ của huyện vùng cao Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chứng kiến niềm vui của đồng bào dân tộc Tày ở bảy thôn nơi đây được dùng nước sạch. Chị Ma Thị Lan, ở thôn Tắc Xung, địu đứa con nhỏ trên lưng, tay vặn vòi lấy nước nấu cơm trưa, miệng cười tươi: “Hơn hai tháng nay, có nước sạch đến tận nhà, dùng thoải mái, không phải đi xa địu nước suối nên vừa đỡ mệt nhọc, vừa có thời gian làm việc khác, mình và bà con ở đây vui lắm”. Sau gần một năm xây dựng, công trình cấp nước sạch số 2 xã Khánh Yên Hạ, có tổng vốn đầu tư 6,2 tỷ đồng, được đưa vào hoạt động từ tháng 8-2011. Đây là công trình sử dụng công nghệ lọc áp lực, gồm hệ thống đường ống chính dài hơn bảy km dẫn nước từ trên núi Gia Lan, qua bể lọc thô, dòng nước được lọc qua hai cột lọc áp lực, dẫn tới bể chứa, từ đó chia theo ba tuyến ống dẫn đến hơn 800 hộ gia đình. Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ Ma Ngọc Hưng cho biết: Trước đây, nhân dân trong xã phải dùng nước mương, một số gia đình đào giếng nhưng do bị nhiễm sắt nặng nên nước sinh hoạt hằng ngày nổi váng đỏ quạch, có mùi tanh, không bảo đảm vệ sinh nên nhiều người bị mắc các bệnh tiêu hóa, da liễu, đau mắt đỏ… Công nghệ lọc áp lực dẫn nước tự nhiên qua nhiều tầng lọc có hoạt tính khác nhau nên đạt chất lượng cao, đồng thời có thể đặt cột lọc ở vị trí cuối nguồn, gần với khu dân cư, giúp cho việc quản lý, vận hành thuận tiện hơn, giảm công sức và chi phí. Cùng với công trình cấp nước sạch số 1 đang được cải tạo, nâng cấp, đến nay xã Khánh Yên Hạ có hơn 85% số hộ gia đình được dùng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Xã vùng cao Bản Sen, thuộc huyện nghèo Mường Khương (theo chương trình 30a của Chính phủ), nằm trên nền dãy núi đá vôi phong hóa nên rất khó khăn về nước sinh hoạt. Bằng nguồn vốn trung ương cấp, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Lào Cai (NS và VSMTNT) đã chọn giải pháp khoan sâu 80 m qua tầng đá phong hóa để lấy nước ngầm bơm lên bể chứa, lắp ống dẫn nước sạch đến từng cụm dân cư. Nhờ vậy, từ năm 2004, ba trường học, một trạm y tế, trụ sở UBND xã và hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Nùng và Kinh ở ba thôn Na Lin, Củm Hoa và Thẳng Tao có nước sạch dùng hằng ngày, không phải dùng nước suối bị ô nhiễm.
Về môi trường, do tập quán thả rông gia súc rất mất vệ sinh ở địa bàn nông thôn vùng cao nên Lào Cai tập trung mạnh vào việc xử lý phân thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học bi-ô-ga. Cách làm này vừa xử lý vệ sinh môi trường, vừa tạo nguồn năng lượng thay thế chất đốt gỗ, nứa, góp phần bảo vệ rừng và nguồn nước. Từ nguồn vốn của Trung ương và Chính phủ Hà Lan hỗ trợ không hoàn lại, Lào Cai xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn, làm gần 2.000 hầm khí bi-ô-ga ở chín huyện, thành phố. Đồng thời, xây dựng hố tiêu hủy chất thải rắn thông thường theo quy cách, hợp vệ sinh ở các trường học, cụm dân cư ở địa bàn nông thôn vùng sâu, vùng xa.
Tỉnh Lào Cai có diện tích tự nhiên 6.357 km2 trong đó 70% là đất dốc từ 25 độ trở lên, dân số hơn 600 nghìn người, trong đó 81% sống ở nông thôn, 64% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống phân tán ở các địa bàn núi cao. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Đinh Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm NS và VSMTNT Lào Cai cho biết, kinh nghiệm của Lào Cai là phối hợp lồng ghép tốt các nguồn vốn của nhiều chương trình khác nhau, khảo sát kỹ lưỡng, đầu tư có trọng điểm, phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư để vừa huy động được sự đóng góp của nhân dân sở tại, vừa gắn trách nhiệm quản lý, khai thác sử dụng công trình sau này. Ở những nơi không thể xây dựng công trình cấp nước tự chảy tập trung do không có nguồn nước hoặc khó khăn về địa hình, không thể khoan giếng ngầm, thì hỗ trợ xây bể xi-măng hoặc cấp lu chứa nước bằng nhựa cho đồng bào tích trữ nước mưa, nước mạch ngầm nhỏ. Nhờ cách làm đó, bốn huyện vùng cao biên giới khó khăn nhất về nước sinh hoạt là Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát đã cơ bản được giải quyết. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có hơn 75 nghìn gia đình đã được cấp nước bằng công trình hợp vệ sinh, chiếm 79%; số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt hơn 70% và 71% số hộ dân nông thôn có chuồng trại và công trình xử lý chất thải chăn nuôi hợp vệ sinh; 47% số trường học, điểm trường có nhà vệ sinh xây kiên cố; 100% số trạm y tế đã có công trình cấp nước và vệ sinh kiên cố. Trong năm năm qua (2006-2010), tỉnh Lào Cai đã lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư 273 tỷ đồng, trong đó có 19 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, để xây dựng 719 công trình cấp nước và hàng trăm công trình xử lý chất thải nông thôn hợp vệ sinh. Lào Cai được đánh giá là tỉnh thực hiện Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt kết quả cao, khá nhất trong cả nước.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với Lào Cai hiện nay là bảo đảm chất lượng nước và công tác quản lý, khai thác các công trình nước sinh hoạt nông thôn sao cho bền vững, hiệu quả. Thực tế, hai mặt này còn những “trục trặc” cần được khắc phục ngay từ đầu, không nên để phát sinh gây phức tạp, lãng phí. Trước hết, do các công trình cấp nước tự chảy phần lớn đều có suất đầu tư thấp nên chất lượng nước chưa cao, cần được Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh thường xuyên theo dõi để bảo đảm chất lượng nước hợp vệ sinh. Thứ hai là, cần thiết lập các mô hình tổ chức tự quản phù hợp theo thôn bản, cụm dân cư hoặc cấp xã; xây dựng quy chế thu phí hợp lý để quản lý, duy tu bảo dưỡng nhằm khai thác bền vững, hiệu quả các công trình cấp nước sạch nông thôn. Cần tập huấn, đào tạo một số kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cơ bản cho mỗi xã từ một đến hai cán bộ để có thể kịp thời xử lý sự cố thông thường đối với hệ thống cấp nước tự chảy tại địa phương, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()