Niềm vui mới của nông dân Cai Lậy
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Cậy vừa nghiên cứu, ứng dụng thành công và chuyển giao cho nông dân canh tác giống lúa mới có tên gọi là lúa Cẩm Cai Lậy. Toàn bộ diện tích gieo cấy giống lúa mới này được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá cao hơn 1,6 lần so với giá thị trường tại thời điểm thu mua.Năm 2002, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cai Lậy (Tiền Giang) nhận của Trường đại học Cần Thơ nhiều bộ giống lúa mới có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) để khảo nghiệm. Qua các thí nghiệm so sánh giống, phòng đã tuyển chọn được một số giống lúa có chất lượng cao, trong đó có giống lúa HB1 có những đặc điểm khác hẳn: thời gian sinh trưởng ngắn 75 - 80 ngày; gạo lức có mầu đen (nên được gọi là lúa than), vị và mùi thơm rất đặc trưng. Qua kết quả phân tích tại Trường đại học Cần Thơ, giống lúa HB1 có hàm lượng prô-tê-in khá cao so với các giống lúa...
Năm 2002, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cai Lậy (Tiền Giang) nhận của Trường đại học Cần Thơ nhiều bộ giống lúa mới có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) để khảo nghiệm. Qua các thí nghiệm so sánh giống, phòng đã tuyển chọn được một số giống lúa có chất lượng cao, trong đó có giống lúa HB1 có những đặc điểm khác hẳn: thời gian sinh trưởng ngắn 75 – 80 ngày; gạo lức có mầu đen (nên được gọi là lúa than), vị và mùi thơm rất đặc trưng. Qua kết quả phân tích tại Trường đại học Cần Thơ, giống lúa HB1 có hàm lượng prô-tê-in khá cao so với các giống lúa đang được trồng phổ biến. Ngoài ra, giống lúa này không cảm ứng quang kỳ như các giống lúa mùa nên có thể thâm canh ba vụ/năm.
Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN và PTNT Cai Lậy cho biết: Đây là một giống lúa có các đặc tính tốt, cần tiếp tục được nghiên cứu và phát triển, vì vậy đề tài 'Chọn lọc làm thuần giống lúa than đặc sản' được triển khai thực hiện từ năm 2005 đến năm 2007 tại huyện Cai Lậy. Qua sáu vụ chọn lọc liên tiếp vẫn chưa chọn lọc làm thuần giống và đặc biệt để giữ được đặc tính của giống lúa này là hàm lượng prô-tê-in cao thì gạo phải ở dạng gạo lức – nên cứng cơm. Điều này làm cho việc đưa giống lúa than đặc sản vào sản xuất đại trà gặp rất nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ không chấp nhận.
Được sự hỗ trợ kinh phí từ Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang, từ năm 2008 đến 2010 đề tài tiếp tục áp dụng phương pháp điện di prô-tê-in SDS – PAGE (thực hiện tại Trường đại học Cần Thơ) và trồng khảo nghiệm nhiều vụ ngoài đồng ruộng, Phòng NN và PTNT Cai Lậy đã tuyển chọn được hai dòng lúa than thích nghi tốt với điều kiện sản xuất thâm canh ba vụ/năm của huyện với những đặc điểm: ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 85 ngày); năng suất đạt khá (4-6 tấn/ha); chống chịu tốt đối với bệnh cháy lá; hàm lượng prô-tê-in cao (9-10%), hàm lượng a-my-lô-se thấp (<15%); hạt gạo thon dài, phẩm chất cơm mềm dẻo, chứa nhiều chất dinh dưỡng: chất khoáng, vi-ta-min, a-xit a-min thiết yếu và đặc biệt có chứa sắc tố an-tho-cy-a-nin với hàm lượng rất cao. Phòng NN và PTNT huyện lập hồ sơ đăng ký với tên là 'lúa cẩm Cai Lậy'.
Để so sánh sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng của gạo than và gạo trắng (giống Jasmine85, gạo thơm và dẻo), phòng NN và PTNT Cai Lậy gửi mẫu phân tích tại Trung tâm dịch vụ và phân tích thí nghiệm thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Thí nghiệm chuyên sâu Trường đại học Cần Thơ. Kết quả phân tích cho thấy tất cả các chỉ tiêu dinh dưỡng của gạo than đều cao hơn so với gạo trắng Jasmine85. Gạo than chứa nhiều chất xơ hòa tan, tỷ lệ tinh bột được hấp thụ chậm hơn so với gạo trắng nên không gây sự biến động đáng kể lượng đường trong máu. Vì vậy, gạo than rất có ích cho người bị bệnh tiểu đường. Qua kết quả phân tích cho thấy, so với gạo trắng, thì gạo than thể hiện tính vượt trội về hàm lượng các chất dinh dưỡng thiết yếu cung cấp cho con người. Tiến sĩ Hải khẳng định.
Từ thành công này, trong vụ hè thu sớm 2011, huyện Cai Lậy đã chính thức triển khai cho nông dân là xã viên HTX Mỹ Thành sản xuất 39 ha theo tiêu chuẩn Global GAP và được Công ty TNHH ADC đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ, với tỷ lệ thu mua là 1 kg lúa cẩm Cai Lậy = 1,6 kg lúa hạt dài. Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành Trương Văn Bảy cho biết, nông dân và xã viên HTX, chủ yếu là hai xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc rất vui mừng, phấn khởi vì so với lúa hạt dài sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP nông dân đã lãi sau khi trừ chi phí sản xuất lên đến 60 triệu đồng/ha/năm, thì sản xuất lúa than nông dân sẽ được hưởng lợi nhân thêm lên gấp 1,6 lần nữa. Nông dân, xã viên HTX Mỹ Thành có đủ trình độ canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP đối với lúa than và sẵn sàng mở rộng diện tích gieo trồng lúa than trong thời gian tới. Phó Giám đốc về nông nghiệp Công ty TNHH ADC Phan Quốc Hùng cho biết: ADC sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và quy mô sản xuất đưa gạo than thành một sản phẩm tốt trên thị trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()