BIẾN ƯỚC MƠ THÀNH HIỆN THỰC
Với trăn trở xây dựng ngành công nghiệp Cơ khí hàng hải lớn mạnh, đủ sức đóng các loại tàu, giàn khai thác dầu khí, để lại dấu ấn thương hiệu Việt Nam trên biển lớn, Công ty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) được thành lập vào ngày 9-7-2007 bởi các cổ đông chiến lược là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Công nghiệp, tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Thời gian qua, công ty đã làm tốt nhiệm vụ chính là thiết kế, chế tạo, đóng mới, sửa chữa các loại giàn khoan, phương tiện nổi dầu khí phục vụ việc thăm dò khai thác dầu khí, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Tập thể cán bộ, công nhân viên công ty luôn thi đua lao động trên mọi mặt công tác và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong năm 2015, tổng doanh thu của PV Shipyard đạt hơn 1.980 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 49,9 tỷ đồng; nộp ngân sách 48,1 tỷ đồng.
Có thể điểm lại những mốc son của hành trình chế tạo giàn khoan lớn nhất Việt Nam như sau: Ngày 10-12-2013, giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 chính thức khởi công; ngày 25-10-2014, đặt ky (Keelaying); ngày 14-8-2015 lắp đặt máy phát chính; và ngày 5-12-2015 tiến hành hạ thủy, đánh dấu những cột mốc lớn trong quá trình thực hiện dự án. Có thể nói, khoảng thời gian thực hiện công tác hạ thủy trong vòng sáu ngày từ 3-12-2015 đến 9 giờ tối 8-12-2015 thật sự là khoảng thời gian căng thẳng nhất đối với toàn bộ đội ngũ PV Shipyard. Khoảng thời gian này có đến gần 600 kỹ sư, công nhân phải túc trực, làm việc hết công suất tại căn cứ chế tạo giàn khoan, phục vụ công tác hạ thủy khối sắt thép khổng lồ. Ngày 6-8-2016, cán bộ công nhân viên của PV Shipyard ai nấy đều vui mừng phấn khởi bắt tay vào chạy thử hệ thống nâng hạ giàn khoan Tam Đảo 05 – một trong những chức năng quan trọng của giàn khoan tự nâng. Đúng 11 giờ, toàn bộ tải trọng của thân giàn khoan Tam Đảo 05 nặng hơn 15.000 tấn đã được nâng lên ở độ cao 140 m bằng hệ thống tự nâng. Quá trình tự nâng thử kéo dài sáu tiếng, kết quả thành công với độ ổn định tuyệt đối. Mục đích chính của việc nâng thử là nhằm kiểm tra tính năng, mức độ chịu đựng của chân giàn khoan trong quá trình thi công có chính xác, đạt yêu cầu hay không. Việc nâng hạ thử thành công giàn khoan Tam Đảo 05 là dấu mốc tiến độ quan trọng, giúp PV Shipyard bàn giao giàn khoan cho Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đúng kế hoạch để đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Trước đó, ngày 2-8-2016, PV Shipyard đã hoàn thành công tác cân dầm chìa (Cantilever Weighing), các công tác kiểm tra tải trọng giàn khoan (Lightship Weight Survey) và thử cân bằng (Inclining Test) cũng đã được tiến hành các test thử nghiệm đã cho kết quả tốt. Đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư.
SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ VIỆT NAM
Do tính chất đặc thù của một chuyên ngành kỹ thuật, đòi hỏi công nghệ vận hành cao, cho nên các thiết kế của ngành dầu khí đều mua từ nước ngoài. Hiện nay, PV Shipyard vẫn mua thiết kế cơ sở của nước ngoài nhưng việc thiết kế chi tiết hoàn toàn do các kỹ sư của đơn vị thực hiện. Có thể hình dung, thiết kế cơ sở là khung sườn, còn thiết kế chi tiết là bố trí trang thiết bị chuyên dùng, hệ thống đường ống, hệ thống điện…, với hàng nghìn chi tiết chằng chịt, đan xen lẫn nhau. Đối với giàn khoan Tam Đảo 05, đội ngũ kỹ sư của PV Shipyard phải thiết kế 805 bộ bản vẽ chi tiết (bố trí thiết bị, chạy hệ thống đường ống, phân bổ không gian…). Mặc dù về giá trị chỉ chiếm 6% của dự án nhưng thành công của dự án thiết kế chi tiết chiếm vai trò quan trọng, bởi một sai sót trong thiết kế chi tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Với đội ngũ hơn 70 kỹ sư thiết kế có tuổi đời bình quân khoảng 31, PV Shipyard đảm nhận hoàn toàn các khâu thiết kế chi tiết, đầu bài mua sắm, bản vẽ chế tạo, phương án thi công và quy trình chạy thử.
Nói về tỷ lệ nội địa hóa, nếu như giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 đạt tỷ lệ nội địa hóa 34,6% thì giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đã đạt đến 46%. Công trình có quy mô đặc biệt về khối lượng và kích thước cho nên một trong những thách thức lớn khi chế tạo là phải chống và sửa biến dạng trong quá trình lắp đặt. Điều này đòi hỏi độ chính xác từ khâu thiết kế khối chân đế cho đến phần thân giàn. Nhiều cấu kiện kỹ thuật phức tạp đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối cũng đã được đội ngũ kỹ sư, công nhân của PV Shipyard đảm đương. Điển hình là bộ phận hộp số của hệ thống nâng hạ giàn khoan. Trước đây, hệ thống này phải nhập nguyên chiếc, nay PV Shipyard mua cấu kiện, vật tư rời về tự chế tạo, lắp ráp, căn chỉnh tại bãi chế tạo. Đây là bộ phận đặc biệt quan trọng của giàn tự nâng, với độ dung sai cho phép chỉ 0,053 mm.
Khi tiếp nhận dự án Tam Đảo 05, PV Shipyard đã làm chủ được thiết kế chi tiết do kế thừa từ thành quả của giàn khoan Tam Đảo 03. Đây là niềm tự hào của công ty vì thiết kế chi tiết là khâu then chốt quyết định sự thành công của dự án. Nếu như dự án Tam Đảo 03 phải thuê 13 chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thiết kế chi tiết thì tại dự án Tam Đảo 05, PV Shipyard chỉ phải thuê ba chuyên gia nước ngoài cho những giai đoạn thật sự cần thiết, qua đó đã tiết kiệm được nhiều triệu USD phải trả cho chuyên gia nước ngoài. Tổng Giám đốc PV Shipyard Phan Tử Giang cho biết: “Với sự quan tâm hỗ trợ to lớn về chủ trương, chính sách của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV Shipyard đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật cơ sở vật chất, vừa nghiên cứu khoa học, vừa tổ chức sản xuất thi công đối với dự án Tam Đảo 05. Cách đây 10 năm, khi nói Việt Nam có thể chế tạo thành công giàn khoan tự nâng theo tiêu chuẩn thế giới dường như là điều không thể. Không chỉ bởi giá trị của công trình lên tới hàng trăm triệu USD, mà bởi tính phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao với những quy chuẩn khắt khe của đăng kiểm quốc tế. Nhưng thực tế đã chứng minh, lao động Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được những kỹ thuật, công nghệ hiện đại và tiên tiến này”.
Tận mắt chứng kiến những người thợ đã miệt mài trên công trường đổ lửa, mới thấy hết được những gì mà người lao động đang hết mình cống hiến cho đất nước. Những công nhân kỹ thuật nơi đây, tuy không nói ra nhưng có thể cảm nhận được ngọn lửa đam mê sáng tạo đang cháy bừng lên trong họ. Những căng thẳng, lo âu bỗng chốc tan biến và từng gương mặt sáng bừng mỗi khi giải quyết xong một “nút thắt” khó khăn, khiến chúng tôi không khỏi cảm phục ý chí, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những con người dầu khí.
Minh chứng cho niềm tự hào trí tuệ dầu khí đó là ngày 29-4-2016, giàn khoan Tự nâng Tam Đảo 05 đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bình chọn và vinh danh đứng đầu Top 10 sản phẩm “Tự hào trí tuệ Lao động Việt Nam” năm 2016.
ĐƯA TAM ĐẢO 05 VÀO VẬN HÀNH KHAI THÁC
Sau 32 tháng nỗ lực làm việc với công sức và trí tuệ của tập thể lãnh đạo cán bộ, công nhân viên PV Shipyard và các nhà thầu, trải qua nhiều công đoạn phức tạp như đặt ky, nối chân giàn, lắp đặt máy phát chính, hạ thủy… cho đến ngày 12-8-2016, PV Shipyard đã triển khai thi công chế tạo thành công và tổ chức lễ bàn giao giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05.
Đại diện chủ đầu tư Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, Tổng Giám đốc Từ Thành Nghĩa cho biết: Việc bàn giao đúng tiến độ giàn khoan Tam Đảo 05 sẽ giúp Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro có thể đưa giàn khoan vào hoạt động từ tháng 10, trước mùa biển động năm 2016, qua đó tăng cường sự chủ động, tự chủ về phương tiện, phục vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở mực nước sâu hơn (hơn 120 m nước), góp phần cùng ngành dầu khí mở rộng tầm khai thác ra xa hơn, khoan sâu hơn, có trữ lượng lớn hơn, giữ vững chủ quyền biển đảo, củng cố an ninh, quốc phòng của Tổ quốc.
Phát biểu ý kiến tại lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhiệt liệt biểu dương thành tích vượt bậc của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên PV Shipyard và kêu gọi PV Shipyard tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trí sáng tạo, phấn đấu vượt qua khó khăn để tiếp tục tìm kiếm các dự án cơ khí mới và triển khai thành công để tiếp tục khẳng định vị thế ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam nói chung và ngành dầu khí nói riêng.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ: “Với việc khánh thành và bàn giao giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05, PV Shipyard đã khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí chế tạo giàn khoan tự nâng nói riêng và ngành cơ khí cả nước nói chung. Qua dự án, bên cạnh việc xây dựng được một đội ngũ người lao động có trình độ, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn cao tương đương tầm khu vực và thế giới, PV Shipyard đã thành công trong việc tạo tiền đề để phát triển một lực lượng lao động mới có tay nghề cao cho đất nước – yếu tố được nhiều quốc gia coi là chìa khóa thành công trong phát triển ngành dầu khí nói riêng và phát triển kinh tế đất nước nói chung”.
Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu JU-2000 E của Friede and Goldman (Mỹ) với tổng khối lượng là 18.000 tấn; có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9.000 m. Kích thước thân giàn 70,4 x 76 x 9,5 m; chiều dài thân giàn 167m; khả năng chất tải 2.995 tấn. Giàn khoan Tam Đảo 05 có giá trị 230 triệu USD. Tam Đảo 05 được thiết kế có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện bão cực hạn trên cấp 12. Giàn được đăng kiểm bởi đơn vị ABS (Mỹ). Đây là giàn khoan tự nâng thứ hai do PV Shipyard thực hiện sau giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 đã được bàn giao cho VSP đưa vào sử dụng thành công trong hơn bốn năm qua. Với khối thép khổng lồ nặng xấp xỉ 13.699 tấn cùng hàng tấn các thiết bị điện, điện tự động, kiến trúc nội thất, giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 có quy mô lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay (nặng gấp 1,5 lần so với giàn khoan Tam Đảo 03) đã được PV Shipyard chế tạo thành công, bàn giao cho chủ đầu tư là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. |
Ý kiến ()