Niềm tin với hàng Việt
Một loạt các cửa hàng kinh doanh thực phẩm nhập khẩu mọc lên tại các thành phố lớn thời gian qua đã chứng tỏ nhu cầu sử dụng thực phẩm nhập khẩu của người dân tăng cao. Tuy giá thực phẩm nhập khẩu thường cao hơn hẳn thực phẩm trong nước nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận và tiêu thụ tốt. Có phải chỉ đơn thuần tâm lý "sính ngoại" hay còn vì lý do nào khác?
Tươi, ngon, sạch
Chen chân xếp hàng mua cá hồi trong cửa hàng Hifood tại 55B phố Hàng Bài (Hà Nội), chị Nguyễn Thanh Huyền (trú tại phố Kim Ngưu, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên mua cá hồi nhập khẩu ở đây vì tươi, ngon, lại có thể yêu cầu cửa hàng cắt miếng tùy yêu cầu của mình. Trong khi đó, cá hồi bày bán tại các siêu thị, tôi có cảm giác không được mới, lại cố định cân lạng, không theo nhu cầu của gia đình. Cá hồi nhập khẩu từ châu Âu nổi tiếng bảo đảm nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm nên tôi yên tâm về chất lượng. Thà mua đắt một chút nhưng an toàn còn hơn là mua đồ rẻ mà phải lo ngay ngáy”. Không chỉ chị Huyền, nhiều người tiêu dùng hiện đang tìm đến các loại thực phẩm nhập khẩu vì lý do an toàn sức khỏe.
Nhân viên cửa hàng Hifood cho biết, cửa hàng thường xuyên nhập khẩu cá hồi tươi trực tiếp từ Na Uy bằng đường hàng không, mỗi tuần khoảng hai chuyến; nhập khẩu thịt bò, thịt cừu Ô-xtrây-li-a,… cũng qua đường hàng không nên bảo đảm tươi, ngon, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cửa hàng đã mở từ lâu, có uy tín với người tiêu dùng và trong vài năm trở lại đây, lượng khách ngày càng đông. Cửa hàng Andy Fresh tại số 99, ngõ Núi Trúc (Hà Nội) cũng chuyên kinh doanh các sản phẩm cá hồi nhập khẩu từ Na Uy và thịt bò từ Ô-xtrây-li-a.
Chị Diễm, chủ cửa hàng cho rằng, hiện nay, lượng cung trong nước của các mặt hàng thực phẩm như cá hồi, thịt bò còn thiếu, trong khi nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Vì vậy, hàng nhập khẩu tuy giá cao hơn hàng sản xuất trong nước nhưng vẫn được thị trường đón nhận và tiêu thụ tốt. Mặt khác, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng hàng hóa được nhập khẩu chính ngạch, từ những nguồn hàng uy tín hay từ những nước phát triển như Ô-xtrây-li-a, Mỹ, EU do hệ thống kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm của những quốc gia này rất hiệu quả.
Cũng theo chị Diễm, một nguyên nhân khác khiến thực phẩm nhập khẩu tiêu thụ tốt do chất lượng cũng như độ an toàn của thực phẩm trong nước vẫn chưa thật sự đem lại niềm tin đúng nghĩa cho người tiêu dùng.
Cùng chung quan điểm này, chị Nguyễn Tuyết Nga, chủ một cửa hàng bán bánh kẹo và sữa ngoại nhập trên phố Hàng Đường (Hà Nội) chia sẻ, tuy chất lượng hàng hóa trong nước đang dần được cải thiện, nhưng thực tế, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn luôn là mối lo ngại, gây nhức nhối trong dư luận. Nhất là khi hệ thống kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm của nước ta hoạt động chưa hiệu quả, cùng với tần suất các vụ ngộ độc thực phẩm, dùng nguyên liệu hết hạn sử dụng, ngâm tẩm chất bảo quản,… xảy ra “như cơm bữa” làm niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm trong nước bị xói mòn. Vì thế, cũng không quá khó hiểu khi hàng ngoại vẫn đang hút khách. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định một thực tế đáng mừng là thời gian gần đây, một số sản phẩm trong nước có thương hiệu và uy tín, đã bằng mọi cách nâng cao chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giành lại được lợi thế “sân nhà” như sữa Mộc Châu, Vinamilk, TH Truemilk,…
Lấy lại niềm tin người tiêu dùng
Sức tiêu thụ mạnh mẽ thực phẩm nhập khẩu trong những năm gần đây đã cho thấy sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nước đối với mặt hàng này. Thực phẩm chỉ là một trong nhiều hàng hóa nhập khẩu đang cạnh tranh từng ngày, từng giờ với hàng sản xuất trong nước. Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) Vương Ngọc Tuấn nhìn nhận, phần lớn người tiêu dùng quan tâm và lựa chọn hàng hóa có chất lượng, phù hợp nhu cầu, giá cả hợp lý, không phân biệt đó là hàng ngoại nhập hay hàng sản xuất trong nước. Dù rằng cũng còn một bộ phận người tiêu dùng mang tâm lý “sính hàng ngoại” nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, nhiều hàng ngoại có chất lượng tốt hơn, giá cả lại phù hợp nên người tiêu dùng vẫn lựa chọn hàng ngoại. Cùng với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chất lượng nhiều mặt hàng Việt Nam được nâng lên không thua kém hàng ngoại nhập, được người tiêu dùng trong nước tin dùng. Mặc dù vậy, những vụ việc liên quan đến chất lượng, an toàn của hàng hóa trong nước đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý và làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, niềm tin của người tiêu dùng là vấn đề quan trọng nhất bởi mất niềm tin là mất tất cả. Niềm tin đó nằm ở chất lượng, giá cả sản phẩm và thái độ phục vụ với khách hàng. Một khi chất lượng hàng trong nước thua kém, giá cả đắt hơn, phục vụ không tốt thì người tiêu dùng có quyền không lựa chọn. Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt, cần sự tham gia của cả ba phía là các doanh nghiệp (DN) sản xuất và phân phối; cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng. Trước hết, cần lấy lại niềm tin người tiêu dùng từ những mặt hàng thiết yếu, gắn liền với đời sống người dân như thịt, cá, thuốc chữa bệnh,… sau đó mở rộng tới những mặt hàng khác.
Niềm tin của người tiêu dùng với hàng hóa sản xuất trong nước cũng chính là niềm tin vào DN trong nước. Phó Tổng Thư ký Vinastas Vương Ngọc Tuấn khẳng định, điều quan trọng nhất là DN phải cung ứng hàng hóa và dịch vụ bảo đảm an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và yêu cầu kỹ thuật khác liên quan sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng. Điều này phụ thuộc vào chính sách kinh doanh của DN, vào việc thực hiện cam kết và trách nhiệm xã hội của DN đối với người tiêu dùng.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, việc tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng với nhà sản xuất và phân phối là điều hết sức quan trọng. DN Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn về năng lực cạnh tranh, việc mở cửa thị trường và hội nhập ngày càng sâu rộng đòi hỏi DN trong nước cần phải đổi mới chiến lược kinh doanh để chiếm lĩnh thị trường trong nước. Vì vậy, muốn tạo dựng và duy trì niềm tin của người tiêu dùng, trước hết DN phải có ý thức về trách nhiệm xã hội của mình. ĐINH THỊ MỸ LOAN Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam |
Cải thiện niềm tin với người tiêu dùng Để lấy lại niềm tin với người tiêu dùng và giúp họ chọn lựa được những sản phẩm có chất lượng, chúng ta cần phát triển thị trường trong nước một cách bền vững, nhằm thúc đẩy các DN sản xuất nhiều hơn các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho cộng đồng. Hiện nay, Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) đang nỗ lực hỗ trợ DN Việt Nam cải thiện niềm tin với người tiêu dùng và tạo dựng một thị trường trong nước vững mạnh ở nhiều lĩnh vực thông qua những giải pháp về tiêu chuẩn hóa. Trong đó, có một số dự án hợp tác với Bộ Công thương về năng lực đo lường, an toàn thực phẩm, hệ thống tìm kiếm nguồn gốc thực phẩm, đồng thời phối hợp Bộ Y tế và WHO khuyến khích sản xuất dược phẩm tại Việt Nam. |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()