Niềm tin từ một nghị quyết
LSO-Để phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết 22/NQ-TU ngày 3/4/2009. Sau 5 năm được triển khai Nghị quyết 22 không những làm thay đổi diện mạo khu kinh tế cửa khẩu mà còn tạo niềm tin cho nhân dân vững tin khai thác thế mạnh của vùng đất Xứ Lạng.
Sản xuất thước cuộn tại Công ty TNHH Tuấn Anh thuộc Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn |
VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN
Nhớ lại những ngày đầu khi thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, ông Hoàng Văn Quyết, Phó ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn thẳng thắn cho biết: “Khi ấy, Trung ương mới phê duyệt xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, thế nhưng lấy đâu ra kinh phí để đầu tư, khai thác thế mạnh cửa khẩu thì còn vướng rất nhiều thứ. Cũng không ít luồng suy nghĩ ngại khó, ngại vướng”. Với quyết tâm xây dựng thành công khu kinh tế, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết 22. Đây là nghị quyết mang tính vạch đường để xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn bằng chính nội lực.
Để xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, tất cả các chính sách phải phù hợp, thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp địa phương, tận dụng nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ. Đồng thuận về nhận thức và hành động, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 15/12/2010 về phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn. Thời điểm đó các tỉnh biên giới rất hạn hẹp về nguồn vốn vay, bảo lãnh tín dụng, mỗi tỉnh chỉ có khoảng 60 tỷ một năm. Với đầu tư vào biên giới rất khó khăn bởi cơ bản địa điểm đầu tư là những địa bàn xa xôi, chi phí lớn. Nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến cơ hội đầu tư nhưng phải bỏ lửng, đánh trống ghi tên, để lại nhiều dự án “treo”. Giải bài toán thu hút, xây dựng, đầu tư khu kinh tế toàn tỉnh đã dồn lực phát huy sức mạnh nội lực.
PHÁT HUY NỘI LỰC
Trong khi toàn tỉnh trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư có tiềm năng đến Lạng Sơn không nhiều. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn mạnh như RASS, IDICO… đến rồi đi không hẹn ngày trở lại. Xác định phải đầu tư bằng chính nội lực, phát huy lợi thế, tâm huyết của doanh nghiệp địa phương, tỉnh đã thực hiện hàng loạt chính sách thông thoáng có ý nghĩa quyết định đến thành công của Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn. Tăng phục vụ, giảm phiền hà cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bằng bỏ hàng loạt đội, trạm do cấp huyện lập. Cùng với đó, thực hiện thu phí theo Quyết định 26 tạo điều kiện cho doanh nghiệp chứng minh chi phí đầu vào. Tăng cường đối thoại giải đáp thắc mắc doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu, các cửa khẩu Cốc Nam, Tân Thanh, Chi Ma, Na Hình, Nà Nưa, Ba Sơn… đã được đấu nối cùng mức với cửa khẩu nước bạn. Từ đó thu hút một lượng xe hàng xuất nhập khẩu lớn đến với Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Sài Gòn FOCOCEV khẳng định: “Hiện nay, xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn rất thuận lợi, các cơ quan hữu quan đối với doanh nghiệp đúng tính chất phục vụ. Điều đó khiến cho kim ngạch xuất nhập khẩu luôn tăng cao”. Đến nay, đã có trên 2.000 doanh nghiệp thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Bình quân tăng trưởng trong khu kinh tế đạt 18,46%/ năm. Chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, tăng thương mại dịch vụ, giảm trồng trọt. Cho đến nay, đã thu hút trên 21 ngàn lao động, trong đó trên 6 nghìn lao động tại khu vực cửa khẩu. Ông Trần Tiến Minh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn nhận xét: 5 năm trở lại đây, phát triển toàn diện ở Khu vực kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn theo tinh thần Nghị quyết 22 rất rõ nét về tất cả các mặt; nông, lâm nghiệp, y tế, giáo dục, đặc biệt là thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu có những thay đổi tích cực. Riêng trong năm 2014, toàn tỉnh thu ngân sách đạt trên 6 nghìn tỷ đồng thì thu tại khu vực Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn đã chiếm tới trên 90%. Tổng số phí theo Quyết định 26 đạt trên 500 tỷ đồng. Việc làm, đời sống của người lao động tại khu vực biên giới ổn định với mức thu nhập đạt 3.318 USD/năm. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế cửa khẩu cũng được nâng lên rõ rệt. Tính từ năm 2009 đến nay, đã có 57 giấy phép đầu tư được cấp với tổng vốn 9.182 tỷ đồng, trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn 2.498 tỷ đồng. Đặc biệt là đầu tư vào bến bãi, kho tàng, trung chuyển hàng hóa tại cửa khẩu đã tạo điều kiện khai thác đúng thế mạnh, tăng cường xuất nhập khẩu.
Ông Vũ Văn Cư, khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng bộc bạch: Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Lạng Sơn đã tạo sự đồng thuận cao trong dân. Từ nghị quyết người dân nhìn thấy rất rõ tiềm năng của kinh tế cửa khẩu, khai thác đúng, có hướng đi phù hợp thì Lạng Sơn có thể xây dựng thành công Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn bằng chính nội lực của mình. Đây cũng là bước chủ động để khẳng định sự thành công của nghị quyết hợp lòng dân, theo xu thế phát triển.
Hàng hóa chờ xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh |
Dù mới, giai đoạn đầu trong quá trình xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn theo Nghị quyết 22, thế nhưng điều dễ nhận thấy nhất là sự đổi thay toàn diện nơi biên giới. Khu vực cửa khẩu ngày càng khang trang, sạch đẹp, điều đó đã khẳng định hướng đi đúng của một nghị quyết, tạo niềm tin vào tương lai Lạng Sơn sẽ có một khu kinh tế năng động, xứng tầm, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()