Những ý tưởng sáng tạo trong dạy học
– Hơn 20 năm tuổi nghề và còn chưa tới năm năm nữa đứng trên bục giảng; nhưng với lòng yêu nghề, hết lòng vì học trò và cùng với đó là nỗi trăn trở “Làm sao cho môn học lôi cuốn được các em?”, hai cô giáo cùng tên Minh ở Đà Nẵng đã có những sáng tạo để mang lại những tiết học thú vị cho học sinh.
N iềm đam mê
Năm học này, các học trò lớp 6 của trường THCS Trần Quý Cáp (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã có những ngạc nhiên lẫn thích thú khi được học bài giảng điện tử Thành Cổ Loa của cô Nguyễn Thị Kim Minh. Bởi, cô đã áp dụng đồ họa game để xây dựng một thành cổ lịch sử sừng sững, có tướng, có quân và cả những trận đánh bảo vệ thành.
Trong quá trình dạy học, cô Minh nhận thấy từ cấp tiểu học lên cấp hai, các bài lịch sử khá khó tiếp thu hơn với các em. Như bài về Thành Cổ Loa, chỉ trong 45 phút, các giáo viên đều gặp khó khăn để diễn giải trọn vẹn về sự tài tình của An Dương Vương trong việc xây thành và đánh thắng quân giặc.
Các tiết học môn lịch sử của cô Kim Minh luôn thu hút học trò.
“Trong một lần tình cờ gặp học sinh của mình đang chơi trò Đế chế III, nhìn thao tác xây thành, dàn binh, bố trận trong game, tôi đã nảy ra ý tưởng sử dụng phần mềm đồ hoạ viết game để xây dựng giáo án giảng dạy cho môn học và cô lựa chọn bài “Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng” trong sách giáo khoa lịch sử lớp 6 để thực hiện ý tưởng” – cô Minh kể.
Từ đó, cô đã dành tất cả thời gian và công sức đầu tư cho ý tưởng, thậm chí cả kỳ nghỉ hè của năm học 2009-2010 cô dành toàn bộ thời gian tập trung nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi nâng cao kiến thức công nghệ thông tin để xây dựng bài giảng điện tử này.
Cô Minh chia sẻ: “Điều tôi hạnh phúc nhất là khi đưa chương trình này vào giảng dạy đã tạo được sự hứng khởi, chăm chú của học sinh. Và hơn hết, các em đã dần dần yêu thích môn lịch sử, môn học sẽ giúp các em hiểu biết được cội nguồn dân tộc, lịch sử dựng nước và giữ nước; từ đó, hun đúc ngọn lửa yêu nước trong các em”.
Cũng tên Minh, nhưng cô Đinh Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Đà Nẵng) lại có cách thể hiện khác trong các bài giảng của mình. Cô nói: “Các em học sinh tiểu học vẫn còn suy nghĩ rất đơn giản, việc dạy truyền thống nhiều lúc không tạo nên sự thích thú cho các em. Nhất là với những công thức rườm rà, các em không nhớ được nên sẽ rất dễ nản chí. Vì vậy, tôi sáng tạo ra các mô hình dạy học thực tế. Qua các mô hình này, các em không chỉ thấy, mà còn có thể chạm vào và thực hành. Điều đó sẽ giúp các em nhớ được bài giảng”. Dụng cụ mà cô nói đến đó là mô hình dạy diện tích hình thang của mình.
Mô hình là bảng nhựa với một hình thang màu xanh cũng được cắt từ nhựa, dán lên một phông màu trắng, trên đó có ghi rõ ràng các con số về chiều cao, chiều dài. Cô Minh giảng giải: Trước khi học về diện tích hình thang, các em được học về diện tích hình tam giác. Hai công thức tính này thực ra không khác nhau, đó là lấy độ dài đáy nhân với chiều cao rồi chia hai. Hình thang chỉ hơn hình tam giác một đáy nhưng nó lại gây khó nhớ hơn cho các em. Cho nên trong mô hình, tôi cắt ở một góc của hình thang để có thể kéo xuống, ghép với đáy dưới thành hình tam giác”.
Không ngừng sáng tạo
“Qua nhiều lần dạy học, tôi vẫn không cảm thấy hài lòng với tiết dạy của mình. Cứ sau một lần như thế tôi lại muốn lần sau dạy tốt hơn, thuyết phục hơn. Nên sau nhiều năm đúc rút tôi mới hoàn thành mô hình này. Lúc đầu nó được làm bằng giấy, nhưng lại rất nhanh hư” – Cô Đinh Thị Minh vui vẻ cho biết.
Không chỉ làm đồ dùng dạy học cho môn toán, cô Minh còn sáng tạo ra các đồ dùng khác như biểu đồ hình cột. Đây là một bảng được làm bằng kim loại, có gắn các thông số, tỉ lệ…, trong mỗi bảng số liệu đều có thể chỉnh độ cao thấp của các cột nhờ vào nam châm ở phía sau bảng. Biểu đồ dùng dạy học cho toán lớp 4 và địa lý lớp 5. Hoặc giá để tranh được cô tái chế từ bìa sổ giáo án cũ. Trong các tiết học, cô Minh cũng lồng ghép các hình ảnh, đồ vật để học trò được tận mắt chứng kiến. Những sáng tạo trong dạy học của cô Đinh Thị Minh đã được ứng dụng rộng rãi trong toàn trường, ở các môn học cần dùng đến.
Trong thời gian tới, cô Minh muốn làm một bộ bản đồ để dạy học môn lịch sử và địa lý. Cô nói: Bản đồ đó sẽ được làm bằng xốp, trong lúc dạy học, tôi sẽ vừa giảng bài, vừa gắn các địa danh, mũi tên trong các trận đánh hoặc thời tiết… lên đó để các em hiểu từ từ. Sau đó, các em vận dụng trí nhớ từ bài học để gắn lại lên bản đồ, vừa thực hiện vừa nói cho các bạn hiểu cũng sẽ khuyến khích các em trong việc học. Vừa học, vừa thực hành sẽ dễ dàng giúp các em nhớ bài.
Năm 2011, ý tưởng ứng dụng công nghệ thông tin vào bài học “Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng” của cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh đã đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Hiện nay, cô Kim Minh đang xây dựng bài giảng điện tử “Nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên sông Bạch Đằng” có sử dụng phim hoạt hình. Trong quá trình học tập, các em sẽ dễ tưởng tượng ra được phương pháp tổ chức đánh giặc, hiểu được nghệ thuật chiến tranh nhân dân mà cha ông ta từ xưa đã tạo được để đánh thắng giặc ngoại xâm với lực lượng và phương tiện lớn hơn ta nhiều lần.
Thầy Ngô Xe, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thấy cô giáo Minh say mê và dành nhiều tâm huyết cho công trình của mình, lãnh đạo nhà trường rất ủng hộ, luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để giúp cả về kinh phí và động viên tinh thần để sáng tạo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng luôn động viên các giáo viên cần học tập tinh thần của cô Minh để phục vụ tốt hơn cho công việc dạy học”.
Ý kiến ()