Những ý kiến trách nhiệm của cử tri cả nước
Hôm qua, 20-11, tiếp theo Chương trình làm việc của kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII tiếp tục tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình và Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu QH.
Hôm qua, 20-11, tiếp theo Chương trình làm việc của kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII tiếp tục tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình và Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu QH.
Theo dõi nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu QH, các bộ trưởng, nhiều cử tri cả nước tiếp tục gửi đến Báo Nhân Dân những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, cùng những kiến nghị cụ thể đối với QH, các đại biểu QH và các thành viên Chính phủ.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến, đề xuất của cử tri cả nước.
Sử dụng chưa hiệu quả học sinh cử tuyển
Tôi hoàn toàn nhất trí với Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình là phải bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức và bố trí việc làm cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường theo chế độ cử tuyển.
Từ năm 2004 đến 2011, tỉnh Tuyên Quang có 295 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số diện cử tuyển. Đến nay đã có 130 em tốt nghiệp, chiếm 44,07%. Trong đó, 38 em được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tuyển dụng vào làm việc thông qua xét tuyển, thi tuyển; 26 em tự tìm việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp ngoài tỉnh; còn 66 em hiện chưa có việc làm (chiếm 50,76%). Tỷ lệ học sinh cử tuyển tốt nghiệp có việc làm thấp, gây lãng phí, là tình trạng chung ở nhiều địa phương. Do vậy, cần sớm có chính sách cụ thể hơn trong việc sắp xếp, bố trí việc làm cho người học cử tuyển, đáp ứng mục tiêu tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số và chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước.
NGUYỄN HẢI (Thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang)
Tuyển dụng còn lỏng lẻo
Khoảng 30% số cán bộ, công chức, viên chức không làm được việc. Trong nhiều lý do, có nguyên nhân là từ khâu tuyển dụng còn nhiều lỏng lẻo.
Việc tuyển dụng không công khai, thiếu khách quan, tuyển không đúng người, đúng chức danh, ưu tiên con em lãnh đạo hoặc có quan hệ thân quen với cấp trên, tuyển dụng người chưa qua đào tạo hoặc có chuyên môn trái nhu cầu cần tuyển dẫn đến không ít người vào cơ quan không làm được việc, phải cho đi đào tạo lại. Trong khi đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ra trường không có cơ hội làm việc. Ngoài ra, quá trình tuyển dụng còn đánh đồng giữa các loại bằng cấp mà chưa phân biệt trình độ và hình thức đào tạo. Theo tôi, người có trình độ đào tạo cao hơn (trên chuẩn) phải được xem xét tuyển dụng trước; người được đào tạo hệ chính quy được xem xét ưu tiên tuyển dụng, rồi mới đến những người qua hệ đào tạo khác…
Đề nghị Chính phủ và Bộ Nội vụ có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
NGUYỄN XUÂN THÀNH (109 đường Nguyễn Huệ, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)
Phát triển quá nhanh in-tơ-nét, quản lý không theo kịp
Qua thực tế, tôi có một vài ý kiến với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son. Thứ nhất,việc tăng giá dịch vụ 3G gây “sốc” cho khách hàng. Trong khi giá các thiết bị viễn thông, thông tin liên lạc ngày càng giảm thì ngược lại mức phí dịch vụ lại tăng. Việc tăng giá này tôi thấy nhà mạng cũng như ngành chủ quản trả lời chưa thấu đáo. Do công việc buộc tôi vẫn phải sử dụng dịch vụ này nhưng một số người bạn đã hủy dịch vụ chuyển sang các mạng nhỏ khác. Tôi cũng băn khoăn, tăng giá cước 3G nhưng không thấy nhà mạng cam kết nâng cao chất lượng. Vì vậy, đây là vấn đề Bộ TT-TT cần đặc biệt quan tâm để bảo đảm chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Thứ hai,việc quản lý thông tin trên mạng in-tơ-nét còn hạn chế. Bây giờ có quá nhiều báo điện tử, thậm chí nhiều trang tin tổng hợp cũng hoạt động như một báo điện tử đưa tin theo kiểu giật gân, câu khách.
Các trang mạng đồi trụy, phản động, thông tin bịa đặt nói xấu chế độ, cán bộ lãnh đạo cao cấp… xuất hiện với tần suất dày đặc ảnh hưởng không tốt đến tâm tư, tình cảm và tư tưởng của người dân, chưa được ngăn chặn triệt để.
Bộ trưởng nói các máy chủ các trang mạng này đặt ở nước ngoài nên khó xử lý, chẳng lẽ chúng ta bất lực? Tôi nghĩ, chúng ta phát triển mạng in-tơ-nét khá nhanh, hàng chục triệu người dùng mạng nhưng việc quản lý nhà nước ở lĩnh vực này còn chưa theo kịp yêu cầu, còn nhiều hạn chế. Không chỉ ở Trung ương mà việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này ở địa phương cũng chưa tốt. Có những sự việc xảy ra ở Quảng Bình bị một số báo điện tử thông tin sai, ngành chức năng cũng xử lý không ổn.
NGUYỄN THỊ HIỀN (Xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình)
Quản lý chặt chẽ cước viễn thông
Về vấn đề tăng giá cước 3G, Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông đã lý giải không thuyết phục, mất nhiều thời gian, nhưng hoàn toàn không đi sâu vào nội dung tháo gỡ nút mắc của việc tăng giá.
Bộ trưởng đã không lý giải được liệu các nhà mạng có liên kết với nhau hay không để đồng loạt tăng giá cước và trong khi giá cước tăng thì chất lượng lại giảm sút, ảnh hưởng đến đông đảo người sử dụng trên cả nước, trong đó có hoạt động vận tải. Bộ trưởng có nói về tăng giá cước của các nhà mạng là hợp lý và so với các nước trong khu vực vẫn còn thấp. Nhưng tôi cho rằng, so sánh như thế có phần khập khiễng, bởi thu nhập của đại bộ phận người dân Việt Nam, nhất là ở nông thôn còn thấp.
Nội dung này cần được Bộ trưởng giải trình cặn kẽ, nhưng thật đáng tiếc Bộ trưởng đã không đáp ứng được sự mong đợi của mọi người.
TRẦN NGỌC TUẤN (Khu phố 10, phường 4, TP Mỹ Tho, Tiền Giang)
Còn coi nhẹ vai trò công nghệ thông tin
Cử tri rất quan tâm vấn đề nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, ảnh hưởng công tác quản lý hành chính nhà nước, nhất là giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân.
Phần lớn công chức phụ trách CNTT tại các sở, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện, xã chỉ là kiêm nhiệm. Chính vì vậy, việc triển khai ứng dụng CNTT gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ đãi ngộ còn thấp; nhận thức về vai trò công chức phụ trách CNTT chưa đầy đủ; việc sử dụng công chức có trình độ CNTT chưa phù hợp chuyên môn đào tạo. Từ đó, một số công chức phụ trách CNTT chưa nhiệt tình công tác, bỏ việc hoặc chuyển công tác khác. Công chức phụ trách CNTT đòi hỏi phải có trình độ cao mới quản lý, vận hành được hệ thống thiết bị; đồng thời phải có đủ năng lực tham mưu việc ứng dụng CNTT.
Việc thiếu nguồn nhân lực CNTT đã tạo ra nhiều bất cập như: Trang thiết bị đầu tư không phát huy hiệu quả; ứng dụng CNTT vào quản lý hành chính nhà nước gặp nhiều trở ngại. Do vậy, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân chưa theo kịp yêu cầu thực tế, ảnh hưởng đáng kể sự phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương.
NGUYỄN TIẾN LỘC (Phường 2, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)
Tạo thuận lợi cho nhà báo tiếp cận thông tin
Hiện nay, nhiều bài báo, tờ báo đưa tin không chính xác do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do người phát ngôn, người có trách nhiệm chưa làm hết vai trò của mình.
Tình trạng từ chối hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ cho báo chí còn xảy ra ở nhiều địa phương, đơn vị. Bộ Thông tin – Truyền thông cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế phát ngôn ở các đơn vị, địa phương; qua đó, nâng cao trách nhiệm của người phát ngôn, tạo điều kiện cho các nhà báo tiếp cận thông tin, hoạt động nghiệp vụ để họ đưa thông tin chuẩn xác… Mặt khác, Bộ cần quản lý chặt chẽ công tác xuất bản, báo chí; không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo, nhất là đối với cán bộ quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm những nhà báo, cơ quan báo chí đưa tin không đúng sự thật ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đảng, lợi ích quốc gia…
HUỲNH XUÂN (Phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam)
Hiệu lực quản lý nhà nước về thông tin mạng chưa cao
Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son, tôi thấy chưa thỏa đáng về các giải pháp quản lý báo mạng và các trang thông tin điện tử. Nhiều báo mạng và nhất là trang thông tin điện tử hiện nay xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; tin bài, hình ảnh thông tin thiếu chính xác, không khách quan, có xu hướng thương mại hóa, chạy theo thị hiếu tầm thường câu khách…
Mấy năm gần đây, các xã vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai đã có in-tơ-nét. Ngoài việc đem đến cho đồng bào dân tộc thiểu số các thông tin hữu ích phục vụ sản xuất, nâng cao dân trí, mặt trái của thông tin mạng đã tác động tiêu cực đến lớp trẻ, học sinh.
Trong khi đó, Bộ TT-TT thiếu kiên quyết trong quản lý nhà nước đối với báo mạng và trang thông tin điện tử.
Tôi đề nghị Bộ TT-TT cần nhanh chóng hoàn thiện, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cho phép kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi sử dụng trang thông tin điện tử, báo điện tử để đăng tải nội dung không lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục… Giấy phép cấp cho các đơn vị này cần ghi rõ chế tài xử lý và cam kết nếu các trang thông tin tổng hợp, mạng xã hội vi phạm pháp luật.
PHẠM VĂN HẬU (Xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai)
Siết chặt thi tuyển vì chất lượng công chức
Thực tế tại thành phố Hà Nội cho thấy, mặc dù thời gian gần đây, công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sách nhiễu, “vô cảm” với người dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai vẫn diễn ra. Thậm chí một số cán bộ, công chức, viên chức cố tình gây khó khăn, phức tạp để “vòi vĩnh” dân.
Đó là do kỷ cương, kỷ luật, ý thức trách nhiệm và năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức còn hạn chế. Tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng, “chạy” công chức vẫn ngầm diễn ra. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tuyên chiến với “nạn” chạy công chức, gần đây, Hà Nội đã thí điểm thi tuyển công chức theo hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính và có ca-mê-ra giám sát toàn bộ quá trình thi bảo đảm công khai, minh bạch. Tôi đề nghị Bộ Nội vụ cần mở rộng hình thức thi tuyển mới này, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính.
NGUYỄN NGỌC THÀNH (Phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội)
Năng lực cán bộ dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu
Mấy năm trở lại đây, Thanh Hóa rà soát nhu cầu ở các huyện, xã miền núi, tự bỏ kinh phí đào tạo, giao chỉ tiêu cử tuyển cho Trường đại học Hồng Đức tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo địa chỉ, nhằm gắn đào tạo với bố trí, sử dụng. Cũng từ nhiệm kỳ này, Thanh Hóa ban hành Nghị quyết 04 về xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Theo đó, cùng với việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ, tỉnh đẩy mạnh điều động, luân chuyển cán bộ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh nhất thiết phải có cán bộ là người dân tộc thiểu số; cán bộ lãnh đạo, quản lý các huyện miền núi phải có cán bộ là người dân tộc Kinh.
Nhưng thực tế, chất lượng, năng lực của cán bộ huyện, xã miền núi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và việc này chưa thể giải quyết triệt để một sớm, một chiều. Cùng với giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc, miền núi, cần tăng điểm tuyển sinh đầu vào, nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển; gắn đào tạo với bố trí, sử dụng, bồi dưỡng phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số.
TRỊNH HÙNG (264 Thành Thái, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa)
Quản lý biên chế chưa hiệu quả
Dư luận cho rằng trên thực tế có đến 30% số cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) nhà nước không làm được việc, không hoàn thành nhiệm vụ cho nên hoài nghi về tỷ lệ chính thức 1% số CB, CC, VC không hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình công bố. Mặc dù Bộ trưởng dẫn ra rất nhiều căn cứ, nghị định, quy định về đánh giá, tuyển dụng, quản lý nhưng không thể làm hài lòng cử tri về sự chênh lệch tỷ lệ quá lớn giữa dư luận và thực tế. Việc tiến hành kiểm tra để có một số liệu chính xác, đúng với thực trạng đang diễn ra là rất cần thiết, nhưng không phải dễ, nếu như không đổi mới phương pháp và có quyết tâm cao.
Chúng ta đang thực hiện chính sách tinh giản biên chế, nhưng trên thực tế số lượng giảm lại thấp hơn nhiều so với số tuyển dụng mới. Việc này, Bộ trưởng có giải thích nhưng chưa thật sự thỏa đáng. Việc chia tách, thành lập mới cơ quan, là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế thời gian qua không hiệu quả.
Ở một số cơ quan, đơn vị, mặc dù kêu công việc nhiều, ít biên chế, nhưng người ta vẫn thấy CC, VC nơi ấy tán gẫu, chơi game, la cà ở các quán trong giờ hành chính.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()