Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, đại biểu QH tỉnh Sóc Trăng: Điều mà cử tri cả nước mong chờ là hành động cụ thể
Phóng viên : Thưa đồng chí, báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày đã phản ánh đúng thực tế của nền kinh tế, nhất là nhiệm vụ của năm 2013, khi đây được coi là năm bản lề của kế hoạch năm năm 2011 – 2015 ?
Đồng chí Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi, những số liệu trong báo cáo do Thủ tướng trình bày và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) năm 2012, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) đã “vẽ” một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, có một số vấn đề quan trọng lại không được báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra nói rõ. Như vấn đề lạm phát, báo cáo Thẩm tra đưa ra được lạm phát của chúng ta cao nhưng phương hướng khắc phục như thế nào trong năm 2013 lại chưa rõ nét. Mục tiêu tổng quát của năm 2013, chúng ta vẫn đưa ra là tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn so với năm 2012, nhưng chúng ta quên mất một điều là năm 2013, năm bản lề của kế hoạch 5 năm, vậy nếu đặt nó vào trong kế hoạch 5 năm thì đến hết năm 2015 liệu chúng ta có thể trở lại thời kỳ ổn định của năm 2006, tức là tốc độ tăng trưởng GDP phải cao hơn lạm phát hay không. Và đến bao giờ thì mức độ lạm phát ở nước ta đạt tiêu chuẩn của tổ chức tài chính quốc tế quy định, đó là lạm phát ở dưới mức 3%.
Điều đó cho thấy, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra tuy phản ánh đầy đủ nhưng nó mới chỉ là bức tranh của năm 2013, với định hướng ngắn hạn chứ không phải là bức tranh toàn cảnh với những định hướng trung hạn và dài hạn. Đó là vấn đề cần đặt ra. Vì vậy, tôi cho rằng, trong nội dung thảo luận sắp tới của QH về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, nhiệm vụ năm 2013, QH cần thảo luận về hoạch định chính sách trung hạn và dài hạn, bởi vì một quyết sách của QH thể hiện bằng luật và nghị quyết phải có độ trễ, từ sáu tháng đến hai năm, có những chính sách tiền tệ phải hai năm mới phản hồi lại được, cho nên chúng ta cần bình tĩnh khi đưa ra các chính sách trung hạn và dài hạn.
Phóng viên: Theo đồng chí, cử tri cả nước có thể kỳ vọng gì trong thời gian tới, khi lần đầu người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn nhận khuyết điểm trong việc điều hành của Chính phủ thời gian qua ?
Đồng chí Nguyễn Đức Kiên: Lần đầu trên diễn đàn QH và trong một buổi truyền hình trực tiếp, người đứng đầu Chính phủ đã nhận lỗi, điều này so với các khóa Quốc hội trước là một sự đột phá. Và không phải tự nhiên lại có động tác này, đó là kết quả của những ngày Bộ Chính trị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) và thể hiện rõ ở báo cáo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị T.Ư 6 (khóa XI) vừa rồi. Chúng ta thấy rằng, Chính phủ đã nhận khuyết điểm, nhìn ra yếu kém nhưng điều mà nhân dân, đảng viên, cử tri cả nước mong chờ là hành động cụ thể. Như vậy, lời hứa phải đi kèm theo kế hoạch hành động nhất định và có chỉ tiêu, số liệu cụ thể để cử tri, đảng viên và nhân dân giám sát lại. Tôi nghĩ, ngay trong kỳ họp này, chúng ta không thể đòi hỏi Thủ tướng đứng ra hành động một mình được mà phải là toàn bộ hệ thống chính trị bắt tay vào cùng làm như kết luận của Tổng Bí thư. QH là đại diện cho quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Vậy hơn ai hết, QH phải phản ánh được mong mỏi của người dân trong kỳ họp này, đối với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cần có trách nhiệm trong việc tiếp thu những mong mỏi của người dân để xây dựng chính sách.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
VŨ LAN
(Thực hiện)
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu QH thành phố Hà Nội: Cần chỉ ra những giải pháp khắc phục khuyết điểm trong quản lý, điều hành kinh tế – xã hội
Phóng viên: Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII, đồng chí đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 ?
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà:Tại phiên khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo cụ thể về tình hình kinh tế – xã hội (KT – XH) năm 2012 và đề ra nhiệm vụ năm 2013. Tôi cơ bản tán thành với phần báo cáo này và cử tri cũng ghi nhận nhiều cố gắng và nhiều việc Chính phủ đã làm được trong thời gian vừa qua, nhất là về kiềm chế lạm phát và giữ ổn định tỷ giá… Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, năm chỉ tiêu KT – XH dự kiến không đạt được: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP; tạo việc làm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ che phủ rừng đều là các chỉ tiêu rất quan trọng trong quốc kế dân sinh.
Tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII này, tôi cũng đã phát biểu ý kiến, trong đó nhấn mạnh đề nghị Chính phủ cần quan tâm và sớm có giải pháp chủ động đối với vấn đề tạo việc làm trong hoàn cảnh cắt giảm đầu tư, suy thoái kinh tế. Đến nay, sự cảnh báo đã được chứng minh với tỷ lệ thất nghiệp tăng và chỉ tiêu tạo việc làm không đạt. Theo tôi, báo cáo của Chính phủ nên chỉ rõ hơn nữa các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nên phân tích cụ thể hơn nguyên nhân chủ quan trong quản lý, điều hành KT – XH, nhất là vấn đề lãi suất và cơ cấu tín dụng, để từ đó mới có giải pháp đúng và trúng trong thời gian tới. Những chỉ tiêu cho năm 2013 về cơ bản là hợp lý và đáp ứng thực tế tình hình đất nước trong năm tới.
Phóng viên: Trong báo cáo, Thủ tướng đã nhận trách nhiệm trước QH, toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước… Đồng chí bình luận gì về điều này ?
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà: Ngay trong báo cáo này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tự nhận xét, tôi cho rằng, Chính phủ đã nhận ra những khuyết điểm của mình… Tuy nhiên, điều quan trọng là Chính phủ cần chỉ ra những giải pháp khắc phục cụ thể, chủ yếu và đột phá trong thời gian tới như thế nào? Đồng thời, cũng cần có lộ trình và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cá nhân người đứng đầu để cử tri biết và giám sát.
Tôi tin tưởng vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 của Đảng và hy vọng vào những chuyển biến tích cực sắp tới của Chính phủ với quyết tâm thực hiện hết trách nhiệm, nghiêm khắc theo đúng tinh thần của Nghị quyết này.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
NGUYÊN KHANG
(Thực hiện)
Trung tướng Phùng Khắc Đăng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La: Tinh thần tự phê cao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành pháp
Phóng viên: Thưa đồng chí, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII sáng 22-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”, đồng chí có nhận xét gì về báo cáo nói trên ?
Trung tướng Phùng Khắc Đăng:Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội và nhân dân cả nước sáng 22-10 đã nêu ra một loạt con số khá ấn tượng như: về kinh tế, xuất nhập khẩu tương đối cân bằng, hướng cả năm xuất khẩu có thể tăng 16,6%, trong lúc nhập khẩu dự báo chỉ tăng 6,8%, rồi dự trữ ngoại hối đã tăng. Sản lượng lúa ước đạt 43 triệu tấn, tăng một triệu tấn so với năm 2011. Xuất khẩu gạo đạt bảy triệu tấn, là mức cao nhất so với các năm trước… Các nhiệm vụ khác như: tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; về phát triển văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, bảo đảm môi trường; về cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm; vấn đề đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị – xã hội đều đưa ra những con số cụ thể và có những đánh giá có ý nghĩa tích cực. Nhất là, phần cuối của Báo cáo, Thủ tướng đã nêu rõ: “Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành…”, đã nói lên tinh thần tự phê cao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành pháp. Tôi cho rằng, đây là một bước tiến về nhận thức. Song cũng cần gắn chuyển biến về nhận thức với chuyển biến về hành động, kết hợp với xử lý nghiêm túc thì hiệu quả và tác động tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng thật sự băn khoăn về nhiều góc độ. Ví như: chỉ số về tăng trưởng kinh tế cả năm so với chỉ tiêu đề ra chắc chắn sẽ rất khó khăn đạt được; chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 5,2% – một chỉ tiêu thấp nhất kể từ 13 năm trở lại đây. Vì thời gian chỉ còn hai tháng nữa là hết năm. Các chỉ tiêu nêu trong Báo cáo có 10 chỉ tiêu vượt, năm chỉ tiêu không đạt, nhưng lại không chứng minh làm rõ những chỉ tiêu không đạt nằm ở nhóm quan trọng, đặc biệt quan trọng hay bình thường. Báo cáo lý giải rõ điều này thì lòng tin của dân và chất lượng báo cáo sẽ tốt hơn.
Những hạn chế, yếu kém báo cáo nêu chưa đến hai trang nhưng nó chứa nhiều vấn đề quá lớn và khả năng khắc phục một sớm một chiều là không thể.
Điều hành và xử lý những vấn đề kinh tế – xã hội là rất khó, nhất là việc giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội lại càng khó hơn. Chúng ta đã trải qua vài chục năm xây dựng chủ nghĩa xã hội và 26 năm đổi mới, mở cửa, hội nhập, cho nên ít nhiều các lớp cán bộ của ta đều tích lũy được kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Hơn bao giờ hết, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ của Đảng ta.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !
TRẦN QUYẾT
(Thực hiện)
Tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân nghèo
Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII, theo tôi, đã nhìn nhận rất thẳng thắn, cụ thể về những hạn chế, yếu kém. Báo cáo đề cập tình hình lạm phát có nguy cơ quay trở lại; nợ xấu gia tăng; yếu kém trong giáo dục, đào tạo; bất cập trong quản lý tài nguyên; tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp… Tôi và cử tri nơi tôi đang sinh sống quan tâm nhiều vấn đề đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; do nguồn lực hạn chế nên việc mở rộng diện và nâng mức hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, cải cách tiền lương chưa đáp ứng yêu cầu… Đây là những vấn đề “nóng” đang được dư luận xã hội rất quan tâm.
Hiện nay, nhiều người dân miền núi quanh năm lao động vất vả, cuộc sống vật chất và tinh thần còn nghèo nàn. Ở nhiều vùng quê, chỉ sau một trận lũ lụt, sau một cơn bão là nhiều nông dân mất trắng ruộng lúa, hoa màu, nhà cửa và rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”… Tại một số nơi, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới dù đã được phát động nhưng chưa nhìn thấy hiệu quả, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong lao động, sản xuất do chưa được hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, còn những người dân bị mất đất sản xuất nhưng không có nghề phụ, không có việc làm mới… nên đời sống không ổn định, tạm bợ. Mặc dù Đảng, Chính phủ đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án hướng về người nghèo, nhưng tại một số địa phương, các dự án này chưa phát huy hiệu quả thiết thực do tình trạng tham nhũng, lãng phí, làm chiếu lệ… Vì vậy, việc quan tâm đời sống người dân nghèo bằng những hoạt động hỗ trợ trực tiếp, thiết thực, phù hợp và đúng địa chỉ cần tiếp tục được chú trọng.
Cử tri chúng tôi hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ, với trọng trách của Ủy viên Bộ Chính trị, đã nghiêm túc “nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý”. Tôi cho rằng, người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn, công khai nhìn nhận trách nhiệm của mình trước nhân dân đã thể hiện sự thành công bước đầu quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng hiện nay, làm tiền đề cho việc khắc phục quyết liệt những thiếu sót, hạn chế trong công tác điều hành, quản lý của lãnh đạo Đảng, Chính phủ nói chung và Thủ tướng nói riêng trong thời gian tới. Hy vọng rằng, từ sự nhìn nhận thẳng thắn này, Chính phủ sẽ có những hành động cụ thể, khắc phục triệt để những yếu kém, tập trung điều hành nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, đáp ứng lòng tin của các tầng lớp nhân dân.
HỒ HÀ
(Khu chung cư 86 Lê Trọng Tấn, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội)
Chú trọng các giải pháp xây dựng nông thôn mới
Qua theo dõi truyền hình trực tiếp trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sáng 22-10, được nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế, xã hội 2012 và nhiệm vụ năm 2013”, là một cựu chiến binh, tôi nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đánh giá rất sát với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức, lãi suất tín dụng tăng cao, sản xuất đình trệ, hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi… Trước thực tế trên, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, từng bước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng kinh tế của nước ta chín tháng qua đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, lạm phát được kiềm chế, kinh tế ổn định hơn. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội, trọng tâm là tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cả năm ước giảm 1,76%… Đây là cố gắng lớn của Chính phủ, của các cấp, ngành, các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như báo cáo đã nêu.
Do vậy, để góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, chúng tôi đề nghị Đảng, Nhà nước cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012… Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tăng vốn nhà nước và thu hút nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, nhất là vốn tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức thị trường để phát triển mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu, sản xuất có hiệu quả cao. Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án; nhất là thi công các công trình theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới: Trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, xây dựng đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương nội đồng…, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm xây dựng các công trình sao cho thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí tiền của Nhà nước, gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Ý kiến ()