Những ý kiến tâm huyết của cử tri cả nước gửi tới Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII
Trước Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII, Báo Nhân Dân nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, sớm đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được no ấm, hạnh phúc.Các chuyến thăm và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến nhiều nước đã nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên thế giới.Bạn đọc Đức Vân (Cần Thơ) cho rằng, Kỳ họp này của QH có nhiệm vụ rất quan trọng, thảo luận và cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2011, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, Kế hoạch 2011-2015 và thảo luận, thông qua một số luật quan trọng khác. Từ đó đòi hỏi từng đại biểu QH tập trung trí tuệ phân tích, đánh giá đúng tình hình quốc tế và trong nước để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Các chuyến thăm và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến nhiều nước đã nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên thế giới.
Bạn đọc Đức Vân (Cần Thơ) cho rằng, Kỳ họp này của QH có nhiệm vụ rất quan trọng, thảo luận và cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2011, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, Kế hoạch 2011-2015 và thảo luận, thông qua một số luật quan trọng khác. Từ đó đòi hỏi từng đại biểu QH tập trung trí tuệ phân tích, đánh giá đúng tình hình quốc tế và trong nước để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc và nâng cao đời sống của nhân dân.
Bạn đọc Ngọc Quang (An Giang) phản ánh: Những tháng vừa qua, các cơn bão số 4, 5, 6 đã tàn phá nặng nề tại hàng chục tỉnh ở miền trung, vùng đông bắc; lũ lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp đã chỉ đạo giải quyết ứng phó kịp thời với các cơn bão, lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và của nhân dân; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, trách nhiệm của Nhà nước, truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc đối với nhân dân vùng bị bão, lũ và gia đình người bị nạn. Thời gian qua, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong công việc, thể hiện trách nhiệm trước dân, trước Đảng, được cử tri và nhân dân quan tâm, hoan nghênh.
Tuy nhiên, cử tri bày tỏ những lo lắng trước những yếu kém của công tác quản lý, điều hành, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Bạn đọc Kiều Thu (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Kinh tế đất nước có tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới, nhưng ở nơi này, nơi khác vẫn còn bộc lộ những yếu tố chưa bền vững. Nhiều nguyên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất và hàng tiêu dùng vẫn là nhập khẩu; giá cả những vật tư thiết yếu cung cấp cho sản xuất và hàng tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân vẫn tăng. Nhu cầu việc làm và giải quyết việc làm cho thanh niên, nông dân và người lao động ngày càng gay gắt; đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn. Công tác xóa đói, giảm nghèo đã đạt nhiều tiến bộ, nhưng hiện còn gần 10% số hộ dân đang phải ở nhà tranh tre dột nát. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương sớm có biện pháp giải quyết các vấn đề này.
Bạn đọc Hoài Cương (Hà Nội) phản ánh: Việc huy động và sử dụng vốn đầu tư trong nước, nước ngoài hiệu quả còn chưa cao; nhiều công trình xây dựng tiến độ chậm, chất lượng còn kém, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân. Việc cắt giảm đầu tư công bước đầu đã có hiệu quả, nhưng ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có sự chỉ đạo quyết liệt.
Bạn đọc Quang Hòa (Vĩnh Phúc) cho rằng: Vấn đề giáo dục – đào tạo, y tế và môi trường trong những năm qua đã có sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Một số phụ huynh phàn nàn về các khoản thu học phí, lệ phí còn nhiều, gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi… Các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh chưa được tập trung đầu tư trang thiết bị, cho nên chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhiều người dân khi bị ốm đau phải lên bệnh viện tuyến trung ương điều trị rất tốn kém, hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương đều quá tải.
Bạn đọc Hoàng Lan (Đồng Nai) nêu: Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nghiêm trọng ở cả thành thị và nông thôn. Cần có các giải pháp đủ mạnh để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh ở người, dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đề nghị cần chỉ đạo làm rõ chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục; hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước góp phần đầu tư, phát triển y tế, giáo dục. Cần đầu tư xây dựng thêm các bệnh viện và nâng cấp bệnh viện, trường học, kể cả trường mầm non; có chính sách bảo hiểm y tế, học phí hợp lý để mọi người dân đều được khám, chữa bệnh và học tập.
Bạn đọc Minh Tiến (Lạng Sơn) kiến nghị: Chính phủ cần sớm chỉ đạo sơ kết, đánh giá tình hình giải quyết vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn, phát triển đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cần có các giải pháp, và chính sách sát thực tế, vừa phát triển kinh tế vừa giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tăng cường đầu tư đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên và người lao động; chăm lo nơi ở, đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, nhất là ở những khu công nghiệp tập trung; có chính sách đồng bộ và hiệu quả trong việc bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu để phục vụ sản xuất và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()