Những ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri gửi đến Quốc hội khóa XIII Không nên cắt giảm đầu tư công kiểu "dàn hàng ngang"
Theo tôi, trong những tháng gần đây các giải pháp của Chính phủ đề ra để kiềm chế lạm phát đã bắt đầu mang lại hiệu quả, mức lạm phát có giảm hoặc ổn định, kinh tế có chiều hướng phục hồi và đi lên. Muốn kiểm soát được giá cả, trước hết Chính phủ cần cân nhắc khi cho phép tăng giá một số mặt hàng chiến lược như xăng, dầu, điện, phân bón, vật liệu xây dựng... vào thời điểm thích hợp. Không nên cho tăng giá (dù là theo lộ trình), vào đúng thời điểm giá hàng tiêu dùng đang tăng cao. Vì như thế sẽ tác động làm cho giá các mặt hàng khác tăng theo.Đề nghị Chính phủ phải giám sát thật chặt chẽ, minh bạch về chi phí "đầu ra đầu vào", thậm chí có thời điểm cần phải bù lỗ để bảo đảm sự ổn định.Việc thả nổi lãi suất huy động và cho vay vốn trong một thời gian khá dài cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát. Vì vậy, việc giám sát chặt chẽ trần lãi suất huy động và cho vay gần đây đã phần nào mang...
Đề nghị Chính phủ phải giám sát thật chặt chẽ, minh bạch về chi phí “đầu ra đầu vào”, thậm chí có thời điểm cần phải bù lỗ để bảo đảm sự ổn định.
Việc thả nổi lãi suất huy động và cho vay vốn trong một thời gian khá dài cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát. Vì vậy, việc giám sát chặt chẽ trần lãi suất huy động và cho vay gần đây đã phần nào mang lại hiệu quả tức thời. Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ hơn, xử lý mạnh hơn đối với những ngân hàng “xé rào” tăng lãi suất, hoặc sử dụng các hình thức khuyến mãi như một cách tăng lãi suất hợp pháp. Một giải pháp cũng cần được tăng cường là kiểm soát việc chi tiêu tiết kiệm, cắt giảm đầu tư công sao cho hợp lý và hiệu quả. Vì trên thực tế, nhiều tỉnh, thành phố và bộ, ngành cắt giảm theo kiểu “dàn hàng ngang”, cắt đều của mỗi dự án một ít, trong khi yêu cầu của Chính phủ là cắt giảm các công trình chưa thật sự cần thiết, kém hiệu quả và tập trung đầu tư nhanh cho các dự án trọng điểm.
TRẦN NGỌC HẢI
(Tổ 35, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng)
Xuất khẩu nhiều hơn nữa những mặt hàng lợi thế
Là cử tri ở thành phố biển Phan Thiết (Bình Thuận), nghe báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày, tôi cảm thấy yên tâm khi biết được nền kinh tế của nước ta có những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, cử tri chúng tôi vẫn còn nhiều băn khoăn vì nền kinh tế của nước ta vẫn chưa thật sự ổn định, tệ nạn xã hội còn nhiều, tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, tai nạn giao thông tăng đáng lo ngại…
Gần đây, giá cả nhiều mặt hàng ngoài chợ, trong cửa hàng…, ở Phan Thiết đang trở lại cơn “sốt” sau một thời gian ngắn tạm đứng yên. Đơn cử, một bó rau cải, trước giá chỉ 3-4 nghìn đồng, nay tăng là 10 nghìn đồng. Rồi sữa, thuốc tây, chất đốt… thứ nào giá cũng tăng. Các mặt hàng tăng giá hầu hết là những thứ thiết yếu đối với cuộc sống người dân, nhưng thu nhập của mỗi người, mỗi nhà lại không dễ dàng tăng cao.
Tôi tin tưởng những giải pháp trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 và năm năm 2011-2015 của Chính phủ sẽ đưa đất nước ta phát triển mạnh hơn, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tôi cũng tâm đắc về định hướng điều hành xuất, nhập khẩu của Chính phủ: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán. Đẩy mạnh xuất khẩu, tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển sản xuất thay thế có hiệu quả hàng nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích…”. Phan Thiết, Bình Thuận quê tôi có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và có quả thanh long nổi tiếng, nếu tổ chức chế biến, xuất khẩu tốt hơn sẽ đóng góp nhiều hơn với cả nước trong việc tạo ra tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Quan trọng hơn, sẽ giúp một bộ phận bà con ngư dân, nông dân có đời sống ngày càng khấm khá hơn.
MAI KIM
(510, Trần Hưng Đạo, Phan Thiết, Bình Thuận)
Hợp tác, liên kết phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong bảy vùng kinh tế trọng điểm của cả nước; hằng năm đóng góp hơn 20% GDP cả nước; là vùng sản xuất lúa gạo và sản lượng thủy sản lớn nhất cả nước. Đến nay, toàn vùng đã có gần 44 nghìn doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký hơn 365 nghìn tỷ đồng. Dù đã có nhiều tiến bộ, song nhìn chung doanh nghiệp ở ĐBSCL hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu. Đáng lưu ý nhất là cây lúa, hạt gạo và hàng thủy sản của vùng ĐBSCL có trữ lượng lớn, nhưng cách thức kinh doanh chưa thật sự đạt hiệu quả cao, do mạnh ai nấy làm. Điều này cho thấy sự hợp tác, liên kết để phát huy tiềm năng, lợi thế trong toàn vùng chưa thật sự gắn kết chặt chẽ; chưa tìm ra tiếng nói chung, chưa tạo được sự đồng thuận cao.
Sự phát triển của vùng kinh tế ĐBSCL đang trong xu thế kém bền vững. Sự phát triển “quá nóng” về nuôi trồng thủy sản, cùng với sự tăng trưởng nhanh với hơn 31 khu công nghiệp, 200 khu liên hợp công nghiệp… đã tác động đến môi trường của toàn vùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một bộ phận người sản xuất phải gánh chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi. Có nhiều ý kiến cho rằng: Nguyên nhân của thực trạng này là ĐBSCL chưa thật sự có được mối liên kết vùng và giữa vùng với các bộ, ngành T.Ư để tạo ra động lực mạnh mẽ, đồng bộ cho sự phát triển.
Để giải quyết tình trạng này, theo chúng tôi, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phải nâng cao hiệu quả trong hợp tác, liên kết. Trong đó, liên kết thực hiện chính sách về phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả; phát triển sản xuất, tiêu thụ thủy sản; hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân và tranh thủ tối đa nguồn lực là rất cần thiết.
PHẠM THẾ SƠN
(Phường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau)
Chăm lo đời sống người dân ở miền núi, biên giới Tây Bắc
Nơi tôi công tác và sinh sống là địa bàn miền núi, biên giới, được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo Chương trình 30a. Gần ba năm qua, ngoài nguồn vốn thường xuyên, ba huyện nghèo Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai được Nhà nước cấp bổ sung vài chục tỷ đồng mỗi năm để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nhân lực… Hiệu quả rõ rệt nhất của Chương trình 30a ở Lào Cai là đã có hơn 1.600 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu đang sinh sống ở các xã vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới được hỗ trợ từ 15 đến 20 triệu đồng/hộ để xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp đồng bào định canh, định cư, hạn chế phá rừng, bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa. Đồng bào nghèo còn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy cơ giới nhỏ như cày đất, tách hạt, sấy khô nông sản… giúp nâng cao năng suất. Ở xã đặc biệt khó khăn như Tả Gia Khâu chúng tôi, nhờ chính sách khoán chăm sóc, bảo vệ rừng nên hàng trăm hộ nghèo đã có nguồn thu ổn định, yên tâm sản xuất, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chảy.
Tuy nhiên, đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở miền núi tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Bắc nói chung còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, đời sống của giáo viên, nhất là giáo viên diện hợp đồng (chưa có biên chế Nhà nước) và người nghèo càng khó khăn hơn. Trong năm học 2011- 2012, ở hai huyện nghèo Mường Khương và Si Ma Cai đã có hàng trăm giáo viên xin chuyển vùng, chuyển nghề, hoặc bỏ dạy học vì lương thấp, đời sống khó khăn. Đối với hộ nghèo, có nơi chỉ hỗ trợ giải quyết ngay những nhu cầu bức xúc trước mắt mà chưa chú ý đến việc giúp họ kiến thức và phương pháp để xóa nghèo bền vững, nên nhiều trường hợp lại tái nghèo. Ở miền núi, có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, như trâu, bò, ngựa… nhưng chu kỳ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội ngắn, chưa kích thích mạnh để chăn nuôi hàng hóa phát triển, tạo ra hướng xóa nghèo hiệu quả, bền vững cho đồng bào.
NGUYỄN VĂN ĐẠT
Giáo viên Trường tiểu học
Tả Gia Khâu,
huyện Mường Khương,
tỉnh Lào Cai
Rà soát lại quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp
Cử tri chúng tôi đều đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của nền kinh tế. Đã có những chính sách tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có nhiều sản phẩm xuất khẩu…
Tôi xin mạnh dạn nêu vấn đề: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thường kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn. Việc di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị thời gian qua mang tính tự phát, thời vụ. Lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh, dẫn đến tình trạng dư thừa lao động, thiếu việc làm nghiêm trọng. Trong khi đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, thị trường lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ kém phát triển, cho nên chưa thu hút được nhiều lao động. Bên cạnh đó, trình độ kỹ thuật của lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp, không đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp, dịch vụ. Thế nên, vẫn còn tình trạng vừa thừa, lại vừa thiếu lao động.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải làm sao để phát huy lợi thế của từng vùng, góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Thời gian qua, hầu hết các tỉnh đều thành lập các khu kinh tế, khu công nghiệp và xúc tiến kêu gọi thu hút đầu tư. Đó là việc làm cần thiết để tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều tỉnh thu hút được đầu tư và phát huy tốt hiệu quả giúp địa phương tăng trưởng nhanh về kinh tế nhưng cũng còn nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp không phát huy được hiệu quả như yêu cầu đặt ra, gây lãng phí lớn về đất đai, tài nguyên… Do vậy, thời gian tới cần rà soát lại quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.
TRẦN TRUNG CẤP
(Khối Tân Quang, phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An)
Cần quyết liệt bình ổn thị trường
Năm 2011, chúng ta gặp nhiều khó khăn về kinh tế hơn so với dự báo. Nền kinh tế nước ta phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài như giá cả tăng, nợ công lớn, kinh tế tăng trưởng chậm…, trong đó có vấn đề lạm phát tăng cao, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Nhờ Chính phủ xác định đúng nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế lạm phát và nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường… nên mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần. Có thể thấy, những cố gắng rất lớn không chỉ của Chính phủ mà của cả hệ thống chính trị, trong việc kiềm chế tăng giá đã đem lại hiệu quả thiết thực. Trước mắt, chúng ta nên tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp, áp dụng các biện pháp đang làm nhằm kiềm chế lạm phát hiệu quả. Có vậy, kinh tế mới có thể từng bước ổn định, tạo đà cho phát triển những năm sau.
Theo tôi, bình ổn thị trường giá cả là công việc rất quan trọng, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, làm mạnh hơn nữa công việc này với các giải pháp mạnh như tăng cường quản lý nhà nước về giá; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý…
Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, lâu dài trong việc kiềm chế lạm phát vẫn là phải tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ và thu hút đầu tư. Trước mắt, Chính phủ cần kịp thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế một cách hợp lý, thỏa đáng để có thể đưa đất nước vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.
LÊ BẢO
(Cam Hải Tây, Cam Lâm, Khánh Hòa)
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh
Các doanh nghiệp muốn phát triển cần phải có vốn, lao động và công nghệ. Khó khăn chung của các doanh nghiệp hiện nay và “nóng” nhất là vốn, nhất là về lãi suất. Vừa qua, chủ trương kiềm chế lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước đã có tác động hỗ trợ tích cực đến các doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Do đó, Nhà nước cần kiên trì thực hiện chủ trương này lâu dài và luôn rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp cũng cần biết điều hòa nguồn vốn, sao cho có hiệu quả. Các ngân hàng thương mại cần minh bạch về chính sách cho vay cả về lãi suất, tăng hạn mức và thời hạn cho vay. Qua đó giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có điều kiện để hoàn vốn.
Để giải quyết khó khăn về nguồn lao động, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch đào tạo lao động có chuyên môn cao và kỹ năng quản lý hiện đại, phù hợp yêu cầu riêng của từng đơn vị và xu hướng phát triển chung. Hiện các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, cải tiến đổi mới công nghệ chưa thật sự hấp dẫn, chưa có đủ cơ sở pháp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có đủ năng lực tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả công nghệ mới. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng các thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu dẫn đến tình trạng lãng phí, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng mục tiêu phát triển kinh tế và ổn định xã hội, sản phẩm còn đơn điệu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Cử tri mong Chính phủ cần tiếp tục có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các công nghệ hiện đại đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao.
Mặt khác, cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Không chỉ các bộ, ngành mà các địa phương cần chú trọng hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư, coi đây là những biện pháp quan trọng để thu hút đầu tư.
TRẦN HÀNH
Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, tỉnh Đồng Nai Quan tâm nhiều hơn đến giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn
Tôi là giáo viên tiểu học, đã có gần 40 năm bám trường, bám lớp dạy học ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Trà Vinh. Nay đã về hưu, nhưng tôi rất quan tâm sự nghiệp “trồng người”. Chứng kiến những thành quả, những đổi mới trong giáo dục hằng ngày, tôi thật sự xúc động khi thấy Đảng, Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong phát triển nền giáo dục nước nhà.
Trong Báo cáo của Chính phủ lần này, ở phần thứ hai về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011- 2015 và năm 2012, có một câu tôi rất tâm đắc: “Chú trọng phát triển giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”. Theo tôi hiểu: Đảng, Nhà nước đã thấy trong những thành tựu về phát triển giáo dục nói chung, hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn, mà nơi chịu hạn chế và thiệt thòi nhất là ở những vùng kể trên.
Tuy nhiên, trên thực tế, để con em ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện học hành như trẻ em ở vùng đô thị, theo chúng tôi, Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển kinh tế ở các vùng khó khăn nhiều hơn, vì khi đồng bào còn phải lo “chạy ăn từng bữa” thì khó có thể cho con đi học. Ngoài việc đầu tư như làm đường giao thông, cung cấp điện chiếu sáng đến các phum, sóc, Nhà nước cần đầu tư xây dựng thêm trường lớp, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học hiện đại để thầy và trò vùng sâu, vùng xa có cơ hội “bứt phá”. Một yếu tố khá quan trọng mà lâu nay chúng ta chưa thật sự quan tâm đúng mức đó là sự hạn chế về ngôn ngữ. Học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số bước vào học bậc tiểu học nhưng không biết tiếng Việt sẽ rất khó cho việc tiếp thu, tạo những “lỗ hổng” kiến thức rất lớn, trở thành lực cản khi các em học tập ở các bậc học cao hơn. Ở nhiều nơi, giáo viên không biết tiếng địa phương, học sinh không biết tiếng phổ thông, nên mới có tình trạng “thầy dạy trò, trò dạy thầy”, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục.
LÊ MINH TUẤN
(Xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, Trà Vinh)
Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Hiện nay, lực lượng thanh niên ở đồng bằng sông Cửu Long không thiếu, thời gian nông nhàn nhiều, số đông chưa qua đào tạo nghề nên các khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp chỉ tuyển dụng họ vào làm những công việc giản đơn, theo thời vụ, luôn đứng trước nguy cơ bị sa thải. Chúng tôi được biết Chính phủ có Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, nhưng trên thực tế hiện nay, việc triển khai đang có biểu hiện “hình thức”, chưa sát thực tế và hiệu quả.
Để việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nên có sự khảo sát, đánh giá nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau, đồng thời dự báo nhu cầu trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm. Có như vậy mới hạn chế tình trạng, người được đào tạo nghề không tìm được việc làm hoặc là có việc làm nhưng không đúng theo chuyên môn được đào tạo. Việc mỗi huyện thành lập một trung tâm đào tạo nghề, và mỗi huyện lại có vài lớp dạy nghề, theo chúng tôi là chưa hợp lý. Nên có sự liên kết vùng trong đào tạo dạy nghề, đầu tư cho các trung tâm đào tạo nghề chuyên nghiệp cấp vùng có chất lượng. Thí dụ đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp thì nên có trung tâm đào tạo nghề trồng lúa, đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản, trung tâm đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, trung tâm đào tạo nghề làm vườn… ở những tỉnh, thành phố có thế mạnh về sản phẩm đó. Để các trung tâm đào tạo nghề mang lại hiệu quả thiết thực, cần đầu tư trang bị cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề, đầu tư đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên sâu. Ngoài ra, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tạo việc làm phải coi là chỉ tiêu bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()