Những ý kiến góp ý của Ðại biểu Quốc hội
Hôm qua, QH dành trọn cả ngày thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Hôm qua, QH dành trọn cả ngày thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Bên hành lang QH, phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn một số đại biểu chung quanh những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội mà Chính phủ đã và sẽ thực hiện trong thời gian tới.
ÐỒNG CHÍ VŨ VIẾT NGOẠN
ÐẠI BIỂU QH TỈNH KHÁNH HÒA
Cần có giải pháp để phát triển bền vững
PV: Xin ông cho biết đánh giá của mình về hiệu quả của các giải pháp mà Chính phủ đã và sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội?
Ðồng chí Vũ Viết Ngoạn: Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển và coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong bối cảnh hiện nay. Những giải pháp đó đã mang lại những kết quả tích cực qua những con số. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng thời gian qua có dấu hiệu giảm so những năm trước, chỉ số phát triển công nghiệp đã tăng qua từng tháng, chỉ số về xây dựng tăng trưởng âm qua nhiều tháng nhưng đến nay đã tăng trưởng dương. Ðó là những tín hiệu đáng mừng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định, đúng hướng và cơ bản đạt yêu cầu đề ra.
Một vấn đề “nóng” được đặc biệt quan tâm thời gian qua là nguồn vốn tín dụng. Mặc dù mức tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, nhưng đã tăng trưởng tốt hơn so những tháng trước, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm dần. Tin rằng, với các biện pháp điều hành của Chính phủ cùng với các gói cứu trợ đã và sẽ được thực hiện, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế sẽ có bước phát triển rõ rệt hơn.
PV: Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, Chính phủ quá coi trọng đầu tư cho phát triển kinh tế, trong khi các vấn đề xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ðồng chí Vũ Viết Ngoạn: Tôi cho rằng, thời gian qua, những biện pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội đều được Chính phủ quan tâm và triển khai đồng hộ. Bên cạnh các giải pháp phát triển kinh tế, các chính sách về lao động, việc làm, y tế, giáo dục, giảm nghèo được quan tâm và mang lại kết quả tương đối rõ rệt. Thực tế cho thấy, kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2012, có 11 trong số 15 chỉ tiêu đạt và vượt Kế hoạch cao hơn số báo cáo QH tại kỳ họp thứ tư. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng kinh phí bố trí thực hiện các chính sách an sinh xã hội đạt 35,8% tổng chi NSNN, tăng 33,2% so thực hiện năm 2011. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa, không chỉ để đạt những chỉ tiêu về kinh tế – xã hội đã đề ra cho năm 2013, mà để đạt được mục tiêu quan trọng là phát triển bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ðồng chí Ðào Trọng Thi
đại biểu QH thành phố Hà Nội
Cần chú trọng hơn đến các vấn đề an sinh xã hội
PV: Ðề nghị ông cho biết, có điều gì mâu thuẫn giữa chính sách phát triển kinh tế với các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội mà Chính phủ đã và sẽ thực hiện trong thời gian tới?
Ðồng chí Ðào Trọng Thi: Tôi cho rằng, khó khăn nổi cộm hiện nay là các vấn đề liên quan tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để phát triển kinh tế và đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, chúng ta không thể xem nhẹ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Nếu chúng ta không giải quyết tốt vấn đề xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế vĩ mô.
Thời gian qua, nhiều chỉ tiêu về bảo đảm an sinh xã hội đã đạt và vượt yêu cầu đề ra. Nhưng qua thảo luận, tôi thấy nhiều đại biểu vẫn nghi ngờ về những con số tăng trưởng và tính bền vững của nó, nhất là các chỉ tiêu về tạo việc làm, giảm nghèo bền vững… Thực tế hiện nay, nhiều vấn đề như giáo dục, y tế còn gây bức xúc trong xã hội. Nếu điều hành không khéo, những chính sách về tăng viện phí, tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân, nhất là dân nghèo và ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Do vậy, cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong đầu tư cho phát triển xã hội.
PV: Vậy có hay không việc Chính phủ đang triển khai nhiều gói cứu trợ nhằm giải cứu nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi nhiều công trình phúc lợi chưa được đầu tư đúng mức?
Ðồng chí Ðào Trọng Thi: Thực ra rất khó phân biệt rạch ròi giữa các giải pháp phát triển kinh tế với các giải pháp phát triển xã hội, vì nó có tính hỗ trợ lẫn nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến nhau. Thí dụ, gói giải pháp giải cứu thị trường bất động sản chúng ta đang triển khai, sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, đồng thời giải quyết chính sách về nhà ở cho người dân, nhất là người thu nhập thấp. Tôi cho rằng, đó là giải pháp đồng bộ, giải quyết được cả hai mặt kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta có thực hiện nghiêm túc và trúng mục tiêu hay không. Nếu thực hiện tốt thì một giải pháp sẽ giải quyết được hai mục tiêu rất quan trọng.
PV: Xin cảm ơn ông!
ÐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ KHÁ
ÐẠI BIỂU QH TỈNH TRÀ VINH
Cần tăng cường hỗ trợ tạo việc làm và giảm nghèo bền vững
PV: Xin bà cho biết quan điểm của mình về kết quả phát triển kinh tế – xã hội mà Chính phủ đã đưa ra?
Ðồng chí Nguyễn Thị Khá: Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành và thực hiện những giải pháp phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, tôi chưa thật sự yên tâm với các con số về các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội và tính bền vững của sự phát triển. Thí dụ như chỉ tiêu giảm nghèo. Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ tư, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,76% và đến kỳ họp thứ năm tỷ lệ này là 2,12%. Tôi cho rằng, trong vòng mấy tháng mà đưa ra hai con số chênh lệch quá nhiều như vậy có thể là chưa chính xác. Do vậy, Chính phủ cần có báo cáo cụ thể về vấn đề này. Bên cạnh đó, khi đánh giá tiêu chí giảm nghèo, Chính phủ có xem xét số hộ tái nghèo không, có trừ số đó đi không, nhất là số tái nghèo vì mất việc làm, do thiên tai gây ra.
PV: Thưa bà, hiện nay số lượng người mất việc làm dẫn đến tái nghèo có xu hướng tăng, vậy Chính phủ cần có giải pháp gì để hỗ trợ các đối tượng này?
Ðồng chí Nguyễn Thị Khá: Qua tìm hiểu tôi được biết, hiện nay một bộ phận không nhỏ người lao động mất việc làm do doanh nghiệp giải thể, phải trở về nông thôn. Ðây cũng là nguyên nhân góp phần tăng số hộ tái nghèo và có thể phát sinh những vấn đề xã hội. Khó khăn đối với những người mất việc làm không chỉ ở vấn đề thu nhập mà còn ảnh hưởng đến chính sách BHXH, BHYT và các phúc lợi xã hội khác.
Do vậy, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ những đối tượng này, nhất là tạo điều kiện để họ có thể trở lại làm việc khi nền kinh tế hồi phục. Tôi cho rằng, trong các gói giải pháp đang thực hiện, cần tăng cường hơn nữa công tác dạy nghề, hướng nghiệp để người lao động có việc làm ngay tại địa phương.
PV: Xin cảm ơn bà!
Theo Nhandan
Ý kiến ()