Những “xúc tu bạch tuộc” của Thuận An Group
Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ gần 4 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây, Công ty CP Tập đoàn Thuận An (Thuận An Group) đã lớn nhanh, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần. Trong vai trò là nhà thầu độc lập, hoặc thành viên liên danh, Thuận An đang trong thời gian thi công hàng loạt gói thầu làm cầu đường tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Khi Bộ công an khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, đồng thời yêu cầu các tỉnh thành rà soát lại những gói thầu, các dự án của Thuận An Group, thì dư luận đặt ra nghi vấn, từ đâu Thuận An Group có thể vươn nhiều cánh tay, như những xúc tu bạch tuộc thi công những dự án hàng nghìn tỉ đồng trên nhiều tỉnh thành như thế?
Những số liệu bất minh
Thuận An Group được biết đến là tập đoàn chuyên về lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, kinh doanh và đầu tư bất động sản. Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 8/2004, với vốn điều lệ khiêm tốn 3,9 tỷ đồng do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch HĐQT. Thuận An Group hiện đóng trụ sở tại số 141 đường Trường Chinh, tổ 20, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Giai đoạn 2011-2018, Thuận An Group bắt đầu con đường mở rộng quy mô với đích đến là xây dựng hạ tầng kỹ thuật với 3 lần tăng vốn điều lệ đều tính bằng lần.
Đến năm 2014, vốn đăng ký của doanh nghiệp đã lên 300 tỷ đồng, tức tăng gần 80 lần sau 10 năm. Năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn điều lệ lên gần 3 lần (800 tỷ đồng, gấp hơn 200 lần so với khi mới thành lập). Đến tháng 1/2023, công ty này thay đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An - TAG. Đại diện pháp luật của công ty lúc bấy giờ là ông Trần Anh Quang, giữ chức vụ Tổng Giám đốc, và ông Nguyễn Duy Hưng, đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.
Được giới thiệu là tập đoàn đa ngành (gồm lĩnh vực năng lượng, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng), nhưng hạ tầng giao thông với nhiều công trình cầu đường lớn vẫn là ngành giúp Thuận An Group "nổi danh". Nhiều năm gần đây, Thuận An Group liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp, trong đó có những gói thầu quy mô vài trăm tỷ đồng.
Riêng trong giai đoạn 2019 đến nay, Thuận An Group từng tham gia khoảng 51 gói thầu (hình thức trực tuyến), trong đó trúng 39 gói thầu, trượt 8 gói và 4 gói vẫn chưa có kết quả. Tổng giá trị của các gói trúng thầu là 22.612 tỉ đồng. Trong số này, đáng chú ý có hơn 8.272 tỉ đồng thuộc về các gói chỉ định thầu. Tổng giá trị trúng thầu độc lập chỉ hơn 144 tỉ đồng, còn lại đa phần Thuận An tham gia dưới hình thức liên danh trong tổng giá trị nêu trên.
Dù trúng thầu nhiều dự án nhưng tình hình kết quả kinh doanh của Thuận An khá ảm đạm. Trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu của Thuận An ở mức 250 - 300 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức vài trăm triệu đồng. Cụ thể, năm 2017, doanh thu của Thuận An đạt 301 tỉ đồng, sang đến năm 2018 sụt còn 258 tỉ đồng và mức 287 tỉ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp lần lượt đạt được trong 3 năm là: 17,7 tỉ đồng; 6 tỉ đồng và 14,7 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp không cao, sau khi gánh thêm các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp nên lợi nhuận trước thuế giai đoạn từ 2017-2019 cao nhất chỉ được hơn 200 triệu đồng, còn lại chỉ hơn 100 triệu đồng.
Doanh nghiệp "quen mặt" ngành cầu đường
Với vai trò là nhà thầu độc lập hoặc là thành viên trong liên danh, Thuận An Group hiện cũng đang trong thời gian thi công hàng loạt gói thầu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các địa phương mà Thuận An đã tham gia đấu thầu dự án gồm: Hà Nội, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bắc Giang, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Lạng Sơn… Dữ liệu từ chính doanh nghiệp và trên trang thống kê về đấu thầu cho thấy, những năm gần đây, Tập đoàn Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp. Cụ thể, trên website Thuận An giới thiệu từng tham gia một loạt dự án cầu lớn như: cầu Sông Rút, cầu Cửa Hội, cầu Đồng Việt, cầu Máy Chai, cầu Kỳ Lộ, cầu Rạch Miễu 2; Cầu Vĩnh Tuy 2, sửa chữa cầu Thăng Long…
Liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thuận An mà một số lãnh đạo Thuận An Group và lãnh đạo Bắc Giang bị bắt, do liên quan đến Dự án xây dựng cầu Đồng Việt. Theo đó, liên danh nhà thầu, trong đó có Thuận An Group, trúng thầu gói thầu số 07 thi công xây dựng công trình thuộc Dự án xây dựng cầu Đồng Việt. Dự án cầu Đồng Việt với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng do BQL dự án ĐTXD các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư. Đây cũng là cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, vượt sông Thương nối với tỉnh Hải Dương. Bị can Nguyễn Văn Thạo khi đó với vai trò là giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định phê duyệt trúng thầu gói thầu số 7 này...
Thanh tra Bộ Xây dựng từng phát hiện nhiều vi phạm tại dự án này, cụ thể, công tác ký kết hợp đồng thi công xây dựng của Ban Quản lý Dự án với liên danh trên có nhiều vi phạm. Hợp đồng thi công gói thầu số 7 đã được ký kết mà không có thông tin về giấy đăng ký kinh doanh của các bên liên quan và cũng không chỉ rõ ai là thành viên đứng đầu trong liên danh. Đối với hợp đồng thi công xây dựng tại gói thầu số 7 và 13, không có sự thống nhất về việc thu hồi vốn cho mỗi lần thanh toán, không có thỏa thuận cụ thể về số lần thanh toán, các giai đoạn, thời gian, cũng như điều kiện thanh toán theo đúng luật định.
Ngoài Thuận An Group, trước khi bị bắt, ông Nguyễn Duy Hưng cũng đang làm lãnh đạo và người đại diện theo pháp luật của một loạt doanh nghiệp khác, trong đó, có Công ty cổ phần đầu tư Haru (sau đổi tên thành Công ty Cổ phần XNKXD vận tải dịch vụ Thành Đạt), Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ điện lực, Công ty Cổ phần phát triển công nghệ tài nguyên xanh, Công ty TNHH MTV GMC Hà Nội.
|
Hiện nay, trong vai trò là nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, Tập đoàn Thuận An cũng đang trong thời gian thi công hàng loạt gói thầu thi công đường tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, có gói thầu xây lắp số 02 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, gói thầu tại dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), gói thầu XL10 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, gói thầu số 01EC thuộc dự án nút giao thông khác mức đường số 2 khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh (tỉnh Phú Yên), mở rộng Quốc lộ 15A tỉnh Nghệ An, công trình xây dựng nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương thuộc dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng. Thuận An Group còn tham gia với vai trò liên danh ở nhiều dự án khác, trong đó như gói thầu XL5: xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh; dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam…
Nhiều tỉnh, thành rà soát các gói thầu của Thuận An Group
Mới đây, C03 Bộ Công an đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin và toàn bộ hồ sơ liên quan đến gói thầu số 3 thi công xây dựng dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh đông TP Buôn Ma Thuột. Hồ sơ đề nghị bao gồm quá trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, thiết kế thi công, dự toán xây dựng, hồ sơ mời thầu, quá trình đấu thầu, dự thầu, chấm thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, quá trình triển khai dự án và gói thầu số 3. Ngoài ra C03 cũng đề nghị cung cấp hồ sơ về ký kết, thực hiện hợp đồng thi công xây dựng, tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng dự án và gói thầu số 3.
Dự án đường tránh đông có chiều dài hơn 39,6km, qua địa bàn ba huyện Cư M'gar, Cư Kuin, Krông Pắk và TP Buôn Ma Thuột, tổng vốn phê duyệt ban đầu hơn 1.500 tỉ đồng. Dự án này chậm tiến độ, đội vốn, chủ đầu tư nhận kiểm điểm. Hiện tổng vốn sau điều chỉnh hơn 1.841 tỉ đồng, tăng 332 tỉ đồng. Trong đó, gói thầu số 3, dài hơn 20km, giá trị hợp đồng hơn 490 tỉ đồng, do liên danh Công ty TNHH xây dựng An Nguyên - Công ty TNHH xây dựng và thương mại Sài Gòn - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Tập đoàn Thuận An thi công.
Còn tại tỉnh Quảng Nam, sau khi ông Nguyễn Duy Hưng bị bắt, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản số 2647/UBND-KTN ngày 16/4/2024 gửi các sở, ban ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố về phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An. Văn bản nêu rõ, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo các phòng, đơn vị, địa phương liên quan rà soát các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn có liên quan đến Thuận An Group. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam để tổng hợp, báo cáo các cơ quan chức năng theo yêu cầu.
Tại Phú Yên, ngày 16/4, ông Nguyễn Minh Hòa, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên ký văn bản số 2163/UBND-ĐTXD, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn, giao cho các cơ quan chức trách kiểm tra báo cáo các dự án liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Thuận An và các đơn vị thành viên thực hiện tại tỉnh Phú Yên. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát báo cáo các dự án, gói thầu do doanh nghiệp nêu trên và các đơn vị thành viên thực hiện tại Phú Yên.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản. Các địa phương cũng đang khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra các dự án, gói thầu có liên quan tới Tập đoàn Thuận An.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 6 bị can. Trong đó có ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Hai cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang gồm Nguyễn Văn Thạo, giám đốc ban; Đàm Văn Cường, phó giám đốc ban, cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Nhận hối lộ". |
Ý kiến ()