Những vướng mắc trong giải quyết chế độ với người có công ở Thái Bình
Thái Bình có khoảng 34 nghìn người bị phơi nhiễm và mang di chứng của chất độc da cam/đi-ô-xin (CĐDC). "Xoa dịu nỗi đau da cam" là việc làm không của riêng ai.Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, hàng nghìn người nhiễm CĐDC ở Thái Bình vẫn chưa được giải quyết các chế độ chính sách, vì theo quy định mới họ cần có đầy đủ các giấy tờ gốc.Theo thống kê ở huyện Hưng Hà - nơi đang có nhiều nạn nhân CĐDC chưa được hưởng các chế độ chính sách, mặc dù các hồ sơ đã được thẩm định và duyệt qua các cấp xã, huyện, nhưng đến cấp tỉnh thì bị "tắc" lại. Qua khảo sát, hiện nay bình quân mỗi xã của huyện Hưng Hà có khoảng 20 đến 30 hồ sơ vẫn "nằm chờ" ở xã vì phần lớn hồ sơ không có giấy tờ gốc các loại, cho nên chưa đủ điều kiện qua các vòng thẩm đinh: xã, huyện và tỉnh. Trên cấp tỉnh, Hưng Hà có 253 hồ sơ đang bị tắc ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB và XH). Ông Hoàng Văn Chất, cán bộ...
Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, hàng nghìn người nhiễm CĐDC ở Thái Bình vẫn chưa được giải quyết các chế độ chính sách, vì theo quy định mới họ cần có đầy đủ các giấy tờ gốc.
Theo thống kê ở huyện Hưng Hà – nơi đang có nhiều nạn nhân CĐDC chưa được hưởng các chế độ chính sách, mặc dù các hồ sơ đã được thẩm định và duyệt qua các cấp xã, huyện, nhưng đến cấp tỉnh thì bị “tắc” lại. Qua khảo sát, hiện nay bình quân mỗi xã của huyện Hưng Hà có khoảng 20 đến 30 hồ sơ vẫn “nằm chờ” ở xã vì phần lớn hồ sơ không có giấy tờ gốc các loại, cho nên chưa đủ điều kiện qua các vòng thẩm đinh: xã, huyện và tỉnh. Trên cấp tỉnh, Hưng Hà có 253 hồ sơ đang bị tắc ở Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ,TB và XH). Ông Hoàng Văn Chất, cán bộ Phòng LĐ,TB và XH xã Hòa Bình khẳng định: Tại xã hiện có 32 hồ sơ chưa được giải quyết, trong đó 12 hồ sơ là của các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để minh chứng, ông Chất đưa chúng tôi tới thăm một số gia đình nạn nhân CĐDC.
Gia đình bác Phạm Đình Trướng (SN 1944, trú ở thôn Tân Dân, xã Hòa Bình), có con trai là Phạm Đình Tới (SN 1968), đang bị bệnh tâm thần phân liệt bẩm sinh. Đây là trường hợp đặc biệt vì con được hưởng mà bố không được hưởng chế độ CĐDC. Ông nhập ngũ tháng 9-1965 tại Đông Hà (Quảng Trị) phục viên năm 1972. Mặc dù gia đình đã ba lần làm hồ sơ hưởng chế độ đối với người nhiễm CĐDC nhưng đều không được, lần gần đây vào năm 2010. Trong căn nhà cấp bốn tình thương mà xã mới xây tặng, Bí thư Chi bộ thôn Tân Dân Trần Đăng Hà chia sẻ: Ông Trướng lúc nào cũng khó khăn, thuộc diện nghèo của xã. Qua tìm hiểu, được biết ông Trướng có đầy đủ các giấy tờ gốc cần thiết, nhưng theo quyết định mới mà Bộ Y tế ban hành năm 2009 về một số điều bổ sung các nhóm bệnh thì ông không đủ điều kiện hưởng chế độ. Ông Hà cho biết, gần nhà ông Trướng là nhà ông Phạm Đình Quế (là bạn đi cùng đợt ở Quảng Trị với ông Trướng), có con trai là Phạm Đình Dưỡng (SN 1988), bị bại liệt bẩm sinh nhưng ông Quế được hưởng chế độ CĐDC nhờ làm hồ sơ trước thời điểm năm 2009.
Tại xã Tân Hòa, anh Đỗ Mạnh Đức, cán bộ Phòng LĐ,TB và XH xã cho biết: Trong xã nhiều nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh thương tâm, điển hình bác Nguyễn Tự Nghị đang có hồ sơ bị “tắc” ở Sở. Lý do bác Nghị chưa được hưởng chế độ là theo Thông tư 08 (Bộ LĐ,TB và XH), không giải quyết giấy tờ xác nhận đi B (đây là giấy chứng nhận được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình cấp) mà phải là giấy tờ gốc. Còn với Thông tư 07 cách đó một năm, những người có giấy đi B đều được giải quyết chế độ. Ông Đức quả quyết: Trường hợp như bác Nghị ở xã có hơn 10 người. Do ảnh hưởng của CĐDC, bác Nghị hiện bị tâm thần phân liệt, đang điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Thái Bình.
Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà Vũ Đức Hạnh bộc bạch: Hưng Hà là huyện có nhiều nạn nhân nhiễm CĐDC. Tôi thấy quy định hưởng trợ cấp mà liên bộ: Y tế, LĐ,TB và XH quy định và áp dụng như hiện nay là không hợp lý. Thử hỏi, mỗi chúng ta, nếu đặt vào hoàn cảnh địa vị của những nạn nhân CĐDC sẽ cảm thấy thế nào. Thiết nghĩ, trách nhiệm của chúng ta bây giờ là phải tự tìm đến và sẻ chia với nỗi đau của họ và gia đình, sao lại để những người có công với đất nước lại phải đi đòi chế độ cho mình và con cái họ. Sở LĐ, TB và XH Thái Bình cho biết: Theo Quyết định số 09/QĐ-BYT (Bộ Y tế) và một số quyết định, thông tư liên ngành, những giấy tờ chứng minh tham gia kháng chiến như: lý lịch, quyết định phục viên, xuất ngũ được xác nhận ở chiến trường; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; Huân huy chương chiến sĩ giải phóng… phải là giấy tờ gốc đủ căn cứ pháp lý chứ không thừa nhận giấy tờ mới xác nhận… Sau các Quyết định, Thông tư nói trên, từ năm 2009 đến nay, Sở LĐ, TB và XH mới giải quyết được 54 hồ sơ gián tiếp (giải quyết cho con) theo Thông tư 08.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ, TB và XH thừa nhận: Việc giải quyết các chế độ chính sách với những nạn nhân CĐDC hiện nay ở tỉnh gặp không ít khó khăn, vướng mắc; nhất là những người không còn giấy tờ gốc hoặc có nhưng rách nát, bị cơ quan công an nghi vấn… Bởi, ngày 23-5-2011, Bộ LĐ, TB và XH đã có Công văn số 1609 quy định: Bây giờ chỉ giải quyết đối với những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư và trường hợp có bệnh án trước khi ban hành Thông tư 08 ngày 7-4-2009 của Bộ LĐ,TB và XH. Tiếp đó, ngày 9-4-2012, Bộ LĐ, TB và XH có Công văn 1040, tuy nhiên không ghi rõ đến khi nào mới có quy trình xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC do các Bộ: LĐ,TB và XH, Quốc phòng và Y tế ban hành. Do đó, Sở đề nghị Bộ LĐ, TB và XH và các bộ liên ngành, những giấy tờ ra viện hoặc bệnh án điều trị tại Bệnh viện đa khoa cấp tỉnh trở lên của đối tượng sẽ làm căn cứ xét duyệt, chứ yêu cầu điều trị trước ngày 7-4-2009 theo Công văn 1069/LĐTBXH-NCC thì hàng nghìn hồ sơ đang “nằm chờ” ở cấp xã, huyện và cả ở cấp tỉnh sẽ khó có thể giải quyết được, dẫn tới thiệt thòi cho những người có công với cách mạng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()