Những vũ khí Nga khiến NATO phải dè chừng
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, Nga đã tiến hành cuộc đại tu quân đội thời bình và tăng đáng kể quy mô cũng như khả năng quân sự.
Gần hai năm sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine, quân đội Nga đang trở lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết kể từ năm 1991. Trong bảng xếp hạng gần đây, US News & World Report liệt kê Nga là cường quốc quân sự số một thế giới – trên cả Mỹ, với điểm số được tổng hợp trên ý kiến của công chúng đến từ 87 quốc gia. Những nhận định về sức mạnh quân sự của Nga chắc chắn ít nhất một phần dựa trên kinh nghiệm chiến đấu – một yếu tố có tầm quan trọng không thể phủ nhận trên chiến trường.
Theo đó, trong cuộc họp báo gần đây với các tướng lĩnh hàng đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết Nga sẽ tiếp tục tăng cường năng lực phòng thủ cho đến năm 2024, nâng cấp khả năng liên lạc, trinh sát, chỉ định mục tiêu, phản pháo, hệ thống phòng không và vệ tinh, khả năng tác chiến bằng máy bay không người lái và sự sẵn sàng của bộ ba hạt nhân. Ước tính, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga vào năm 2024 sẽ lại phải tập trung và ưu tiên vũ khí tối tân cho tiền tuyến.
Pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV
Koalitsiya-SV, một loại pháo tự hành tầm xa có độ chính xác cao, được kỳ vọng sẽ là trọng tâm giúp Nga nâng cao năng lực quân sự. Loại vũ khí này được giao cho Lực lượng vũ trang từ cuối năm 2023, sau gần hai thập kỷ phát triển.
Ban đầu, Koalitsiya-SV được thiết kế như một bản nâng cấp của 2S19 Msta thời Liên Xô. Đến nay, Koalitsiya-SV là pháo tự hành thế hệ mới nhất của Nga, được gắn trên khung gầm xe tăng T-90 và trang bị pháo 155 mm có thể bắn 70 viên đạn với phạm vi 70 km (mặc dù các thử nghiệm cho thấy nó duy trì độ chính xác ở phạm vi lên tới 80 km). Súng của pháo tốc độ bắn 16 phát/phút.
2S35 Koalitsiya-SV là pháo tự hành cỡ nòng 152mm do Viện nghiên cứu trung tâm Burevestnik thiết kế. (Ảnh: twitter.com)
Koalitsiya-SV có tổ lái ba người, giảm so với năm người của pháo Msta, nhờ mô-đun tháp pháo tự động, đánh dấu một khả năng mới của lực lượng Nga.
Bên cạnh Koalitsiya-SV, hệ thống pháo tự hành 2S43 Malva 152 mm cũng được đánh giá là một vũ khí tiềm năng khác của lực lượng Nga. Được trang bị khung gầm xe tải 4 bánh 8×8, Malva là một cải tiến mới đối với nhà thiết kế vũ khí Nga. Malva do Viện nghiên cứu Burevestnik phát triển và được Uraltransmash sản xuất từ năm 2023 trở đi. Loại pháo này có tầm bắn 24,5 km và sử dụng cùng loại súng với Msta. Nhưng nhờ trọng lượng giảm nên súng có thể nhanh chóng được vận chuyển đến các khu vực tiền tuyến trên máy bay vận tải hạng nặng như máy bay vận tải chiến lược Il-76.
Xe tăng
Khi nói đến xe tăng thiết giáp, T-90 và đặc biệt là các biến thể T-90M Proryv mới đã cho thấy khả năng vượt trội của xe tăng Nga, nổi bật hơn hẳn so với các xe tăng Leopard 2, Challenger 2 và Abrams MBT của NATO cung cấp cho Ukraine.
Dù vậy, giới chuyên gia kêu gọi Nga không nên chỉ chú trọng T-90 mà giảm bớt các nỗ lực hiện đại hóa các xe tăng cũ khác, bao gồm T-80 và thậm chí cả T-72 – một thiết kế xe tăng cốt lõi quay trở lại thời kỳ T-90 cuối những năm 1960.
Các phiên bản T-72 và T-80 mới nhất của Nga đã được tân trang lại từ kho vũ khí xe tăng khổng lồ kế thừa từ Liên Xô. Các xe tăng này được hiện đại hóa, với những cải tiến mới nhất trong thiết bị tấn công và phòng thủ, từ hệ thống bảo vệ chủ động Arena, tên lửa chống tăng dẫn đường Refleks-M được phóng từ tháp pháo chính của xe tăng, cho đến thiết bị và màn hình liên lạc kỹ thuật số, máy ảnh và các bộ phận khác. Các yếu tố này giúp xe tăng có thể đáp ứng nhu cầu của chiến trường hiện đại.
Thiết bị vô tuyến điện tử và thông tin liên lạc
Việc lắp đặt các thiết bị điện tử tiên tiến và nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc vào vũ khí và thiết bị truyền thống không chỉ giới hạn ở xe tăng. Khi Ukraine nhận được máy bay không người lái tiên tiến của NATO, các hệ thống thiết bị vô tuyến điện tử và chống điện tửđã tạo động lực, giúp Nga nâng cao năng lực trên các mặt trận này.
“Điều này bao gồm sự nhấn mạnh vào việc cải thiện hơn nữa các hệ thống phòng không, đặc biệt là về việc chống lại các loại máy bay không người lái khác nhau. Điều này bao gồm việc cải tiến các hệ thống tác chiến điện tử. Ví dụ, trước đây, các hệ thống tác chiến điện tử riêng lẻ chỉ có trong hàng không và là một phần của các tổ hợp phòng không trên không. Giờ đây, những hệ thống như vậy cũng xuất hiện để bảo vệ các phương tiện bọc thép”, ông Alexey Leonkov, nhà phân tích quân sự hàng đầu của Nga, chia sẻ.
Tên lửa chiến thuật và hải quân
Ông Leonkov kỳ vọng Nga sẽ tiếp tục tăng cường sản xuất và triển khai tên lửa chính xác để tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương và chống lại các mục tiêu hải quân ở tầm xa. Ông đã chỉ ra thành công của Nga khi triển khai tên lửa siêu thanh Kinzhal, tên lửa chống hạm Zircon, tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa chống hạm Onyx.
Tuy nhiên, kinh nghiệm ở Ukraine đã chỉ ra rằng không cần phải có những tên lửa mới nhất và lớn nhất để đánh bại hệ thống phòng không của NATO. Hồi cuối tháng 12/2023, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine Yury Ignat thừa nhận lực lượng của ông chưa từng bắn hạ dù chỉ một trong số khoảng 300 tên lửa được sản xuất những năm 1960 của Nga. Tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-22 cũng đã được Nga sử dụng trong nhiều cuộc tấn công.
Vũ khí nhằm ổn định chiến lược
Trong bài phát biểu với các quan chức quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu xác nhận sứ mệnh của quân đội Nga vào năm 2024 sẽ bao gồm việc củng cố bộ ba hạt nhân của Nga.
Ông nói: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng là duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ ba hạt nhân ở mức cao nhất, đảm bảo sự cân bằng chiến lược trên thế giới”.
Nga đưa ra quyết tâm hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí chiến lược của mình vào đầu những năm 2000, ngay sau quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo. Sau đó, các nhà khoa học tên lửa Nga đã thực hiện các kế hoạch từ thời Liên Xô về một loạt siêu vũ khí, bao gồm tên lửa siêu thanh, ngư lôi và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân, cũng như vũ khí laser. Chính phủ cũng tăng cường đầu tư vào tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm truyền thống.
Tên lửa đạn đạo trên mặt đất
“Chúng ta đã nâng cấp lá chắn hạt nhân của mình lên gần 95% và chỉ còn một số thành phần nữa để đạt mức 100%. Việc đạt mức 100% bao gồm việc tiếp tục triển khai ICBM RS-28 Sarmat mới trong nhiệm vụ chiến đấu, cũng như hoàn thành thay thế các tên lửa cũ bằng ICBM Yars”, ông Leonkov chia sẻ,
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 được khai hỏa trong lần phóng thử từ Sân bay vũ trụ Plesetsk. (Ảnh: Sputnik)
Cả hai tên lửa mới đều có thể được trang bị nhiều đầu đạn hồi quyển độc lập, mồi nhử để áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa. Đặc biệt là phương tiện lướt siêu thanh Avangard, có thể tăng tốc lên tốc độ tới Mach-27 và không thể bị chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ hiện tại hoặc tương lai nào.
Hiện đại hoá máy bay ném bom chiến lược Tu-160
Vào năm 2024, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga dự kiến sẽ nhận hai máy bay ném bom chiến lược Tu-160M White Swan được nâng cấp, nâng tổng số máy bay Tu-160 được lưu trữ lên 18 chiếc.
Dù được nâng cấp ra sao, nhiệm vụ cốt lõi của Tu-160 cũng không thay đổi, đó là tấn công các mục tiêu của kẻ thù như nhóm tàu sân bay, ở khoảng cách xa và trốn thoát ở tốc độ cao (lên tới Mach 2,01) trước khi chúng có thể bị đánh chặn và tiêu diệt.
Tàu ngầm chiến lược thế hệ mới
Kế hoạch trang bị vũ khí cho lực lượng trên biển của Nga năm 2024 bao gồm trang bị Knyaz Pozharskiy, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borei A mới. Tàu ngầm này dự kiến sẽ được hạ thủy vào cuối tháng 1 và được đưa vào hoạt động trong Hạm đội phương Bắc trước cuối năm 2024.
Nga dự kiến sẽ tiếp nhận tổng cộng 12 tàu ngầm Borei vào năm 2031. Các tàu này sẽ đóng vai trò quan trọng trong khả năng răn đe hạt nhân trên biển của nước này.
Nguồn:https://vtc.vn/nhung-vu-khi-nga-khien-nato-phai-de-chung-ar848109.html
Theo vtc.vn
Ý kiến ()