Bằng tình cảm và trách nhiệm, tình nguyện viên Câu lạc bộ B93 phường Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) đã giúp người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng. Nhiều người trong số đó đã trở thành công dân tốt.Các hội viên Câu lạc bộ B93 phường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) học nghề sữa chữa xe máy. Ảnh : Hải Trần Nằm ở cửa ngõ phía tây Thủ đô, phường Kim Mã (quận Ba Đình) là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Nơi đây có bến xe Kim Mã, trước là bến xe khách liên tỉnh, sau đó chuyển thành điểm trung chuyển xe buýt. Mỗi ngày, có hàng chục nghìn lượt người từ các địa phương đi và đến; có tuyến mương Kẻ Khế, hàng trăm ngõ ngách thông từ đường Kim Mã sang các phố Giảng Võ, Đội Cấn, Ngọc Hà, nhiều công trình xây dựng hoang phế... trở thành vị trí thuận lợi cho các đối tượng tụ tập, mua bán, sử dụng ma túy. Thời kỳ cao điểm, năm 1995, trên địa bàn phường có 138 đối tượng nghiện ma túy.Vận động những đối tượng nghiện...
Bằng tình cảm và trách nhiệm, tình nguyện viên Câu lạc bộ B93 phường Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) đã giúp người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng. Nhiều người trong số đó đã trở thành công dân tốt.
Các hội viên Câu lạc bộ B93 phường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) học nghề sữa chữa xe máy. Ảnh : Hải Trần
Nằm ở cửa ngõ phía tây Thủ đô, phường Kim Mã (quận Ba Đình) là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Nơi đây có bến xe Kim Mã, trước là bến xe khách liên tỉnh, sau đó chuyển thành điểm trung chuyển xe buýt. Mỗi ngày, có hàng chục nghìn lượt người từ các địa phương đi và đến; có tuyến mương Kẻ Khế, hàng trăm ngõ ngách thông từ đường Kim Mã sang các phố Giảng Võ, Đội Cấn, Ngọc Hà, nhiều công trình xây dựng hoang phế… trở thành vị trí thuận lợi cho các đối tượng tụ tập, mua bán, sử dụng ma túy. Thời kỳ cao điểm, năm 1995, trên địa bàn phường có 138 đối tượng nghiện ma túy.
Vận động những đối tượng nghiện ma túy đi cai đã khó, nhưng quản lý những đối tượng sau cai, để họ không tái nghiện còn khó khăn, phức tạp hơn. Tháng 12-2001, Câu lạc bộ B93 (quản lý, giúp đỡ những người sau cai nghiện ma túy) phường Kim Mã được thành lập do cựu chiến binh Nguyễn Viết Vân có 28 năm quân ngũ, bị nhiễm chất độc đi-ô-xin làm chủ nhiệm. Bác Vân cho biết: Thấy những thanh niên bị lầm đường lạc lối, chúng tôi rất thương, và thấy mình có trách nhiệm cùng gia đình chúng đánh thức những gì tốt đẹp trong mỗi con người, giúp các em hòa nhập cuộc sống, đoạn tuyệt ma túy.
Chúng tôi đã dự một buổi sinh hoạt CLB vào tối thứ năm hằng tuần. Không khí rất ấm áp, chân tình. Những vướng mắc về công việc, tình cảm, sức khỏe đều được mọi người cùng thảo luận, tìm cách tháo gỡ. Những hội viên đi làm xa, vẫn giữ mối liên hệ, có báo cáo đều đặn cho chủ nhiệm CLB. Anh Phạm Duy Thủy, hội viên sinh hoạt lâu năm nhất của CLB, hiện là đội viên đội tự quản trật tự đô thị phường Kim Mã, tâm sự: CLB như ngôi nhà thứ hai của chúng tôi. Tối thứ năm hằng tuần, dù bận tôi vẫn sắp xếp công việc đến CLB trò chuyện với anh em. Những hội viên ốm đau được CLB thăm hỏi, động viên, được khám bệnh miễn phí tại trạm y tế phường. Mỗi khi gia đình hoặc bản thân hội viên có chuyện vui, buồn đều được quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ…
Tuy nhiên, cách tốt nhất để giúp những người đã từng mắc nghiện đoạn tuyệt ma túy là hướng nghiệp, tạo việc làm, giúp họ có thu nhập ổn định cuộc sống. Chủ nhiệm CLB cho biết: Xin việc cho các hội viên CLB rất khó, bởi người sau cai nghiện có sức khỏe yếu, nhân thân phức tạp. Vì vậy, những tình nguyện viên phải lấy uy tín của bản thân để tín chấp xin việc cho hội viên; động viên, kèm cặp hội viên, sớm đưa họ bắt nhịp với hoạt động của doanh nghiệp.
CLB đã đề xuất với UBND phường mở điểm sửa chữa, rửa xe máy tại số nhà 28 phố Thanh Báo, mời ông Phạm Văn Thọ, thợ sửa chữa xe lành nghề trong phường truyền nghề cho hội viên. Từ năm 2004 đến nay, cửa hàng giải quyết việc làm thường xuyên ổn định cho mười lượt hội viên, với mức lương từ 1,5 triệu đến 1,7 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp tư nhân Long Đức nhận ba hội viên làm công nhân sản xuất phụ tùng xe máy. Bà con tổ dân phố 64, cụm dân cư số 12 tạo điều kiện cho anh Nguyễn Ngọc Ly, ở số nhà 11 phố Thanh Báo mở cửa hàng cắt tóc trên khu đất công cộng của xóm. Bốn hội viên được bố trí làm nhân viên đội tự quản trật tự đô thị phường. Tám gia đình có con em nghiện ma túy và nhiễm HIV được chính quyền phường phối hợp tổ chức nhân đạo CARE dạy nghề quản trị kinh doanh, sau đó được cấp phát từ 700 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng để mở cửa hàng kinh doanh nhỏ… Ba hội viên Trần Thượng Chung, Lê Văn Hùng, Đào Trần Hoàn có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong phường hỗ trợ 34 triệu đồng để sửa chữa nhà.
Riêng chủ nhiệm Nguyễn Viết Vân đã tín chấp, xin việc cho 36 lượt hội viên. Có thời điểm chưa bố trí việc làm cho các hội viên, sợ các hội viên nhàn rỗi dễ tái nghiện, bác Vân bàn với vợ quyết định bán xe máy lấy tiền mua máy ép nước mía, tạo việc làm cho ba hội viên. Không phụ lòng tin của bác Vân, các hội viên chăm chỉ lao động, sau một thời gian, trích tiền lãi hoàn trả đủ vốn gửi bác.
Có việc làm, có thu nhập, được sự quan tâm, chăm sóc, động viên thường xuyên về sức khỏe, tinh thần, phần lớn các hội viên CLB đều tự giác phấn đấu, đoạn tuyệt với ma túy, tỷ lệ hội viên CLB tái nghiện thấp (chiếm 5%). Hội viên Trần Thượng Chung cho biết, nhờ sự bảo lãnh của Ban Chủ nhiệm CLB và Hội Cựu chiến binh, anh được bố trí vào Đội tự quản, nay là Đội phó tự quản. Năm 2008 và 2009, chung tham gia truy bắt bọn buôn bán ma túy ở bến xe Kim Mã và đối tượng cướp giật túi xách trên phố Núi Trúc, được Công an phường và UBND phường Kim Mã tặng giấy khen.
Sau mười năm hoạt động, CLB đã có chín hội viên mười năm nay không tái nghiện, nhiều người trở thành công dân tốt, được CLB làm lễ trưởng thành. Hoạt động của CLB đã góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường, được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Hà Nội tặng bằng khen là đơn vị hoạt động hiệu quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()