Những "viên gạch nhỏ" trên con đường làm giàu đất nước
Mười năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, xác lập vị trí của đội ngũ doanh nhân, lực lượng chủ công trong công cuộc phát triển kinh tế, chấn hưng đất nước. Mười năm qua, cũng là chặng đường đầy gian nan, không ít doanh nghiệp (DN) buộc phải rời bỏ "cuộc chơi" đầy khốc liệt do thiếu chú ý các yếu tố nền tảng về chiến lược, quản trị,... Số DN còn trụ lại, qua sàng lọc, thử thách đã định vị, điều chỉnh chiến lược kinh doanh bền vững; xây dựng và phát triển thương hiệu; liên kết và nâng cao năng lực cạnh tranh,... Nhân Ngày Doanh nhân 13-10, Báo Nhân Dân trích đăng ý kiến của một số doanh nhân về những cơ hội, hành động cũng như vai trò của mình trong tương lai, góp những "viên gạch nhỏ" trên hành trình làm giàu đất nước.
Chất lượng là yếu tố then chốt tạo nên thương hiệu sản phẩm
Trong xu thế hội nhập và cơ chế thị trường, mối quan tâm hàng đầu đối với hầu hết các DN là làm thế nào để tên gọi cũng như sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng và lựa chọn. Ðiều này đặt ra yêu cầu, mỗi DN không chỉ xây dựng thương hiệu mà phải phát triển thương hiệu một cách bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) luôn ưu tiên xây dựng và phát triển thương hiệu, nhằm tạo dấu ấn riêng trong lòng người tiêu dùng. Năm 1959, Nhà nước quyết định thành lập Khu liên hợp luyện kim Gang thép Thái Nguyên – khu công nghiệp đầu tiên và là khu luyện kim khép kín ở nước ta, từ khai thác quặng sắt – luyện gang – sản xuất phôi thép đến cán thép thành phẩm. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên là “cái nôi” của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Từ những năm 2000, công ty đã chọn thương hiệu thép TISCO để khẳng định uy tín. Ðến nay, TISCO đã là một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, sản lượng thép tiêu thụ hằng năm đạt hơn 550 nghìn tấn, chiếm khoảng 11,5% thị phần cả nước.
Chúng tôi cho rằng, thương hiệu có phát triển bền vững hay không thì chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt. Tất cả sản phẩm của TISCO đều được thử nghiệm, đạt các chỉ tiêu về thông số kỹ thuật mới được cung cấp cho thị trường. Nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng tính cạnh tranh, công ty đang triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 8.100 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ nâng công suất sản xuất phôi thép lên một triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nguồn phôi thép và tạo lợi thế chủ động phục vụ sản xuất cho công ty.
TRẦN VĂN KHÂM Tổng Giám đốc TISCO
Quyền lợi của khách hàng là yếu tố sống còn
Mặc dù thương hiệu xi-măng Vicem Hoàng Thạch đã được khẳng định, nhưng sức ép trên thị trường đã làm giảm thị phần tiêu thụ của công ty. Công ty chỉ bảo đảm được giá đầu nguồn từ nhà máy, còn giá cuối nguồn đã chênh lệch từ 80 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng/tấn xi-măng tùy thuộc địa bàn tiêu thụ. Việc tăng giá bán tại thời điểm này rất khó và nếu giá tiếp tục tăng, khả năng tiêu thụ sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Ðể giữ vững thương hiệu, phát triển bền vững, Vicem Hoàng Thạch đã thành lập Xí nghiệp Tiêu thụ và dịch vụ nhằm chủ động, chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ gia tăng cho khách hàng. Vicem Hoàng Thạch cũng có chính sách khuyến khích tiêu thụ tại một số địa bàn cốt lõi như Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, mở rộng hệ thống bán hàng, coi quyền lợi của khách hàng là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Công ty từng bước sắp xếp, bố trí lao động, thực hiện khoán tiêu hao các loại vật tư, vật liệu đến từng bộ phận, xây dựng ý thức tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm. Ðồng thời, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ trẻ vào các vị trí lãnh đạo nhằm phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa trong sản xuất. Ngoài ra, công ty cũng đặc biệt quan tâm, dành kinh phí đầu tư thích đáng cho công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm; lắp đặt các hệ thống lọc, xử lý bụi và xử lý chất thải, trồng cây xanh,…
NGUYỄN HẢI MINH Phó Giám đốc Xí nghiệp Tiêu thụ và dịch vụ Công ty xi-măng Vicem Hoàng Thạch
Liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp
Trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, DN không thể một mình tồn tại và phát triển, yêu cầu tất yếu và bức thiết phải có sự liên kết, hợp tác giữa các DN; sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và quy trình khép kín, thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa các công đoạn độc lập, tạo ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá thành hợp lý, công nghệ tốt hơn.
Ðể giữ mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các DN phải có nguyên tắc pháp lý cao, bảo đảm sòng phẳng, công bằng trong phân công trách nhiệm và phân bổ quyền lợi đối với từng công đoạn trong chuỗi giá trị. Việc tạo dựng được chuỗi sản xuất, kinh doanh không những giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh và trách nhiệm của DN, mà còn hun đúc tinh thần đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, chính sách vĩ mô là yếu tố tác động quan trọng đối với sự sống còn của DN. Chính sách thuế cần hướng đến sự minh bạch, cụ thể và chi tiết hơn, bảo đảm tính công bằng trong việc áp thuế giữa các thành phần kinh tế. Các bộ, ngành chức năng nên rà soát lại những chính sách ưu đãi lâu nay đã và đang dành cho khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), làm sao để các DN trong nước không bị thiệt thòi, “thất thế” so với DN FDI. Cần thay đổi tư duy, định kiến về các DN bán lẻ, phân phối, đừng xem họ là “con buôn” mà phải coi lực lượng DN này là một mắt xích không thể thiếu để đưa sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
VĂN ÐỨC MƯỜI Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN)
Nâng cao sức cạnh tranh của TKV bằng năng suất lao động, công nghệ
Suốt quá trình 20 năm, từ khi thành lập và phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), luôn xuyên suốt mục tiêu “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”. 20 năm qua cũng ghi nhận sự cống hiến to lớn về trí tuệ, sức lực, thậm chí cả xương máu của lớp lớp thợ mỏ trong tập đoàn. Làm thế nào để TKV luôn xứng đáng là một trong những trụ cột an ninh năng lượng quốc gia và một số cân đối lớn khác của nền kinh tế đất nước là trăn trở ngày đêm của gần 130 nghìn cán bộ, công nhân viên, người lao động và bao thế hệ lãnh đạo tập đoàn.
Việc thống nhất quản lý ngành than bằng việc thành lập Tổng công ty Than Việt Nam ngày 10-10-1994 đã tạo cho TKV sức mạnh tổng hợp để phát triển. TKV cũng thường xuyên hoàn thiện các cơ chế quản lý nội bộ phù hợp mô hình tổ chức và chiến lược phát triển, như khoán, quản trị chi phí giúp tập đoàn điều hành, phối hợp kinh doanh, bảo đảm hoạt động thống nhất, đồng bộ. Thời gian tới, khoa học và công nghệ tiếp tục là hướng ưu tiên của TKV nhằm bảo đảm hiệu quả các mục tiêu đề ra. Việc tạo dựng bản sắc văn hóa TKV trên cơ sở phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, tinh thần tương thân, tương ái của thợ mỏ cũng là một nhân tố có ý nghĩa quyết định để vượt qua khó khăn, thách thức và đi đến thành công của tập đoàn.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()