Những việc làm nghĩa tình
LSO- Những năm qua, ngành chức năng tỉnh chú trọng thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; bày tỏ lòng tri ân của thế hệ sau với những người đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc.
Tổ chức quy tập hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang thành phố Lạng Sơn
Toàn tỉnh hiện có trên 33.500 NCC với cách mạng. Trong đó, có gần 5.000 người được hưởng trợ cấp hằng tháng. Với trách nhiệm của mình, ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTB&XH) đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình NCC với cách mạng. Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi với NCC, các tổ chức còn quan tâm, thăm hỏi, động viên NCC trong các dịp lễ, tết. Bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Chăm sóc, giúp đỡ NCC với cách mạng là đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm của toàn xã hội. Sở LĐTB&XH tỉnh là cơ quan chuyên môn thực hiện các chính sách ưu đãi, vì vậy, chúng tôi luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu với phương châm thực hiện chính sách ưu đãi đúng, đủ, kịp thời đến NCC.
Theo đó, từ đầu năm 2016 đến nay, ngành chức năng đã thực hiện trợ cấp mai táng phí và trợ cấp 1 lần cho hơn 100 thân nhân NCC, trợ cấp tuất vợ liệt sĩ tái giá cho 4 người; làm thủ tục di chuyển và tiếp nhận 8 hồ sơ NCC với cách mạng chuyển nơi cư trú; ban hành 15 quyết định hưởng trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; đề nghị cấp thẻ BHYT cho 22 cựu chiến binh; quyết định trợ cấp 1 lần cho 8 thân nhân cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng. Đồng thời chuyển quà tặng của Chủ tịch nước, UBND tỉnh cho 100% đối tượng chính sách, NCC với kinh phí trên 4 tỷ đồng; quà tặng cho 5 thương binh nặng đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương, bệnh binh. Nhân dịp 30/4 năm nay, tỉnh tổ chức cho 660 NCC đi điều dưỡng tại Đồ Sơn. Bên cạnh đó, từ nguồn xã hội hóa và đóng góp của các đơn vị huyện, đã chuyển hàng nghìn suất quà, trị giá trên 946 triệu đồng đến các đối tượng chính sách, NCC; 3 đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng 3 Mẹ Việt Nam anh hùng đến cuối đời…
Cán bộ, thanh niên, nhân dân xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình làm đường cho gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng
Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hun ở bản Nhuần, xã Văn An, huyện Văn Quan chia sẻ: Mẹ có chồng và con đều hy sinh trong chiến tranh, tưởng như mất mát này không gì bù đắp nổi. Nhưng nhiều năm qua, mẹ được hưởng chế độ, chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mẹ cảm thấy rất tự hào và vui mừng.
Đáng chú ý, năm 2016 là năm đầu tiên triển khai điều tra thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Sở LĐTB&XH đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, chuyên viên 11 huyện, thành phố và cán bộ phụ trách lĩnh vực NCC của 226 xã, phường. Kết quả của các phiếu điều tra sẽ được Sở LĐTB&XH tập hợp, chuyển về Bộ LĐTB&XH để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Bên cạnh đó, đây cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến hoạt động trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi ngành chức năng xét, duyệt xong hồ sơ, chuyển sang Sở LĐTB&XH để chi trả theo quy định, hiện đã có 7 Mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng danh hiệu và 124 mẹ được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Nói về công tác chăm sóc NCC, bà Hoàng Bích Loan, Trưởng phòng NCC, Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: hiện nay, 99,8% NCC với cách mạng trên địa bàn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú. Đây là mức cao so với trung bình của cả nước. Đồng thời là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Ý kiến ()