Dân khổ vì dự án "treo"Đã sáu năm nay, người dân ở tổ 39, KV 7, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn, Bình Định) phải sống trong cảnh nhà xuống cấp không được sửa chữa, thiếu điện, nước sạch sinh hoạt, môi trường bị ô nhiễm chỉ vì một dự án "treo".Năm 2006, UBND tỉnh Bình Định có quyết định giải tỏa, thu hồi đất của các hộ dân ở tổ 39, KV 7, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) để mở rộng nút giao thông Đống Đa - Hoa Lư, thuộc dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án đã tiến hành áp giá đền bù, hỗ trợ một số hộ dân ở khu vực giải tỏa. Nhưng từ đó đến nay, người dân vẫn phải sống trên đất quy hoạch vì chưa được cấp đất tái định cư, còn dự án nút giao thông Đống Đa - Hoa Lư thì "giậm chân tại chỗ".Nhiều hộ dân ở tổ 39 sống trong thấp thỏm, lo lắng vì nhà ngày càng xuống cấp nhưng không được phép sửa chữa, xây mới. Điển hình như nhà của gia đình...
Dân khổ vì dự án “treo”
Đã sáu năm nay, người dân ở tổ 39, KV 7, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn, Bình Định) phải sống trong cảnh nhà xuống cấp không được sửa chữa, thiếu điện, nước sạch sinh hoạt, môi trường bị ô nhiễm chỉ vì một dự án “treo”.
Năm 2006, UBND tỉnh Bình Định có quyết định giải tỏa, thu hồi đất của các hộ dân ở tổ 39, KV 7, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) để mở rộng nút giao thông Đống Đa – Hoa Lư, thuộc dự án cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội. Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án đã tiến hành áp giá đền bù, hỗ trợ một số hộ dân ở khu vực giải tỏa. Nhưng từ đó đến nay, người dân vẫn phải sống trên đất quy hoạch vì chưa được cấp đất tái định cư, còn dự án nút giao thông Đống Đa – Hoa Lư thì “giậm chân tại chỗ”.
Nhiều hộ dân ở tổ 39 sống trong thấp thỏm, lo lắng vì nhà ngày càng xuống cấp nhưng không được phép sửa chữa, xây mới. Điển hình như nhà của gia đình bà Trương Thị Khả, hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, tường nhiều vết nứt ngang, dọc, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Hộ gia đình ông Trương Anh Kiệt gồm bốn cặp vợ chồng với 12 nhân khẩu vẫn phải ở chung trong một căn nhà chật chội, dột nát, thiếu điện, nước sạch sinh hoạt.
Cũng từ năm 2006 đến nay, hệ thống cống, rãnh thoát nước của các gia đình ở tổ 39 đều bị tắc vì mặt đường nhựa cao hơn khu vực này. Về mùa mưa, nước ngập kéo dài hàng tuần, làm phát sinh ruồi muỗi, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm nặng nề.
Trước thực trạng trên, các hộ dân tổ 39, KV 7, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bình Định, mong dự án sớm được thực hiện, các hộ dân được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, nhưng cho đến nay câu trả lời vẫn là: “Chưa có kinh phí”.
Bất cập việc trả tiền lương qua thẻ ATM
Thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, đến nay việc trả lương qua tài khoản đã được áp dụng tại nhiều địa phương. Thế nhưng thực tế, việc rút tiền lương qua thẻ ATM vẫn còn nhiều điều bất cập.
Tại các xã xa trung tâm của huyện Thanh Miện (Hải Dương), chưa có máy ATM thì việc chi trả này là chưa phù hợp. Trong khi đó, bắt đầu từ tháng 7-2011, tất cả các trường mầm non, tiểu học và THCS của huyện Thanh Miện đều tiến hành chi trả lương cho cán bộ, giáo viên qua thẻ ATM của ngân hàng. Việc trả lương theo cách này khiến nhiều giáo viên lo lắng, ái ngại, bởi vì hiện nay chỉ riêng ở thị trấn Thanh Miện mới có máy ATM, trong khi địa bàn huyện rộng, mà phần lớn các trường học nằm cách xa thị trấn. Thậm chí có trường cách thị trấn 15 km, gây khó khăn cho các cán bộ, giáo viên khi muốn rút tiền. Còn muốn lĩnh tiền ở phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng tại các xã thì lại phải mang thẻ ATM, chứng minh nhân dân và phải làm một số thủ tục bắt buộc, mất thời gian. Trong khi chi nhánh tại các xã lại không làm việc thứ bảy, chủ nhật. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với các địa phương khác, nhất là vùng nông thôn miền núi. Do đó những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đang làm việc tại những nơi này phải đi rất xa mới có máy rút tiền, gây khó khăn và tốn kém thời gian đi lại. Đó còn chưa kể tình trạng máy báo lỗi, hoặc không đủ tiền để phục vụ nhu cầu khách hàng.
Đề nghị các ngân hàng cung ứng dịch vụ thẻ ATM tại Hải Dương nói riêng và các tỉnh khác nói chung, cần mở rộng mạng lưới hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ xem xét việc lắp đặt thêm các máy ATM, tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng các dịch vụ này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()