Những VĐV thu nhập cao nhất làng thể thao Việt Nam
Ánh Viên giành nhiều HC vàng quốc tế nhất nhưng tiền thưởng cả năm không bằng một giải của Tiến Minh hay Quang Liêm. Ảnh: Đức Đồng. |
Xét về số lượng HC vàng quốc tế trong năm 2013 thì không ai giành được nhiều như Ánh Viên. Cô gái Cần Thơ tham dự 5 đấu trường lớn nhỏ khác nhau và giành được tổng cộng 15 HC vàng, 3 HC bạc và một HC đồng. Chỉ riêng chiến tích giành 3 HC vàng, 2 HC bạc, một HC đồng và phá 2 kỷ lục SEA Games, Ánh Viên nhận số tiền thưởng lên tới 263 triệu đồng. Ngoài ra, cô còn được 2 nhà tài trợ thưởng thêm tổng cộng 100 triệu đồng nhờ được bầu là VĐV xuất sắc của Việt Nam tại SEA Games.
Trong năm 2013, Ánh Viên còn nhận 108 triệu đồng thưởng cho 8 HC vàng ở Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á, 50 triệu đồng cho HC vàng ở Đại hội thể thao trong nhà châu Á và 98 triệu đồng nhờ giành 3 HC vàng cùng một HC bạc ở Á vận hội trẻ. Tổng cộng, Ánh Viên giành được 619 triệu đồng tiền thưởng chưa kể đến các khoản tiền lương, thưởng lớn nhỏ khác.
Tiến Minh được nhận lương cứng 65 triệu đồng mỗi tháng gồm 50 triệu đồng từ Becamex và 15 triệu đồng từ TP HCM. Ảnh: TN. |
Tuy nhiên, con số này chưa bằng khoản thu nhập qua một giải đấu của VĐV cầu lông Tiến Minh hay nhà vô địch cờ chớp thế giới Lê Quang Liêm. Chẳng hạn, Tiến Minh từng được đấu giá ở mức 44.000 USD ở giải cầu lông Ấn Độ. Thành tích giành HC đồng thế giới cũng mang về cho anh khoản tiền thưởng gần nửa tỷ đồng. Cụ thể, con số này bao gồm: 200 triệu đồng từ đơn vị Becamex, 10 triệu đồng từ Liên đoàn cầu lông Việt Nam, 15 triệu đồng từ Liên đoàn cầu lông TP HCM, 20 triệu đồng từ một doanh nghiệp, 35 triệu đồng theo quy định của Tổng cục Thể dục thể thao, 41 triệu đồng theo quy định của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP HCM, khoảng 180 triệu đồng truy lĩnh lương theo năm từ đơn vị chủ quản TP HCM…
Tiến Minh còn là một trong những VĐV có mức thu nhập cứng cao nhất khi được Becamex trả 50 triệu đồng mỗi tháng nhờ việc đứng trong top 10 thế giới. Đó là chưa kể số tiền thưởng qua cả chục giải Super Series, Grand Prix mỗi năm. Chỉ riêng việc giành ngôi á quân giải Đài Loan mở rộng, Tiến Minh đã được thưởng 160 triệu đồng. Trong năm qua, anh còn vô địch giải Mỹ mở rộng, vào bán kết giải Nhật Bản, Singapore mở rộng… Tính ra, Tiến Minh thu về không dưới 2 tỷ đồng trong năm qua.
Nếu không tính các cầu thủ bóng đá thì Quang Liêm là quán quân về thu nhập của làng thể thao Việt Nam. Ảnh: Chessworld. |
Quang Liêm cũng là “cao thủ” về khả năng kiếm tiền. Anh giành được 40.000 USD cho chức vô địch cờ chớp thế giới và 22.500 USD ở giải cờ nhanh thế giới. Đến cuối năm, đại kiện tướng quốc tế này còn giành được 25.000 USD nhờ thành tích vào vòng 4 World Cup cờ vua. Liêm cũng được Đại học Webster (Mỹ) tài trợ học bổng toàn phần trị giá 35.000 USD để theo học tại đây. Anh còn được đơn vị chủ quản đầu tư tiền tỷ để theo đuổi mục tiêu lên nhóm đầu thế giới. Chưa tính đến tiền thưởng ở các giải nhỏ khác, Quang Liêm chắc chắn là VĐV Việt Nam có thu nhập cao nhất nếu không tính các cầu thủ bóng đá.
Đồng đội của Liêm là Nguyễn Ngọc Trường Sơn cũng nằm trong nhóm thu nhập cao. Anh được thưởng 18.000 USD nhờ đứng thứ năm ở giải cờ chớp thế giới, 110 triệu đồng cho 2 tấm HC vàng và một HC đồng SEA Games. Bên cạnh đó, Sơn còn được thưởng hàng trăm triệu đồng với thành tích không tồi ở World Cup cờ vua, giải cờ nhanh thế giới cùng hàng loạt giải đấu quốc tế khác.
Các vận động viên cũng kiếm được hàng trăm triệu đồng tiền thưởng còn có Thạch Kim Tuấn (105 triệu đồng cho 3 HC đồng thế giới, 90 triệu đồng cho 3 HC bạc châu Á, 75 triệu đồng cho HC vàng và phá 2 kỷ lục SEA Games), Hoàng Xuân Vinh (85 triệu đồng cho HC vàng Cúp thế giới, 90 triệu đồng cho một HC vàng cá nhân và 2 HC đồng đội SEA Games cùng các giải lớn nhỏ khác), Nguyễn Hà Thanh, Phan Thị Hà Thanh (HC vàng cúp thể dục dụng cụ thế giới cùng nhiều giải quốc tế khác)… Ở môn bóng chuyền, các VĐV Đỗ Thị Minh, Kim Liên, Ngọc Hoa cũng được nhận 8-10 nghìn USD nhờ 3 tháng đánh thuê ở Thái Lan.
Tuy nhiên, nếu so với các cầu thủ bóng đá thì mức thu nhập của các VĐV trên vẫn chưa thấm vào đâu. Chẳng hạn, cầu thủ Trọng Hoàng chuyển từ SLNA về Bình Dương được nhận lót tay tối thiểu 7 tỷ đồng. Lê Công Vinh cũng được nhận mức lương 7.000 USD từ một CLB Nhật Bản. Hàng chục cầu thủ V-League khác thay đổi CLB trong năm qua cũng được nhận những khoản tiền tỷ.
Ý kiến ()