Những vấn đề sau vụ sập giàn giáo khiến 3 người tử vong
LSO - Như thông tin đã đưa, vào khoảng 14 giờ ngày 11/8, tại công trình khách sạn Thiên Trường đang xây dựng (do công ty CP Thương mại và du lịch quốc tế Thiên Trường làm chủ đầu tư) xảy ra vụ sập giàn giáo khiến 3 công nhân tử vong. Sau vụ tai nạn mới thấy công tác quản lý, thanh kiểm tra, giám sát về an toàn lao động, đặc biệt là lao động ngành xây dựng còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Công trình khách sạn Thiên Trường xây dựng sát các hộ dân cư khác
nhưng không có phương án đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư
Tai nạn lao động mất mát lớn
Theo báo cáo vụ việc của Công an thành phố Lạng Sơn, khoảng 14 giờ ngày 11/8/2015, 3 công nhân đứng trên giàn giáo được lắp đặt phía bên ngoài của tầng 13 khách sạn Thiên Trường ( Khu đô thị Phú Lộc IV, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) để trát vữa thì giàn giáo bị gẫy, dẫn đến cả 3 người bị rơi xuống đất và tử vong. Ông Phạm Thanh Nam (sinh năm 1978, đăng ký hộ khẩu thường trú tại, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) làm chủ thầu đã thuê 3 công nhân này (giữa hai bên có hợp đồng lao động).
Trung tá Hoàng Văn Thân, Phó trưởng Công an thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua khám nghiệm ban đầu tại hiện trường, xác định hệ thống giàn giáo không đảm bảo an toàn lao động. Giàn giáo được ghép thủ công, sơ sài, và đây chính là nguyên nhân khiến giàn giáo bị gãy. Cùng đó, ý thức tự bảo đảm an toàn của các công nhân cũng không tốt, khi làm việc trên độ cao như vậy nhưng các công nhân không có hệ thống dây móc an toàn.
Cơ quan chức năng đang khám nghiệm tại hiện trường
Theo Trung tá Thân, Công an thành phố đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Trung tâm pháp y tỉnh Lạng Sơn… tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi…. và thực hiện một số công tác điều tra khác. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Lạng Sơn đang khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ vụ việc nêu trên. Hiện, lực lượng chức năng đã bàn giao 3 nạn nhân cho thân nhân gia đình đưa về mai táng. Đồng thời, chủ thầu xây dựng cũng đã hỗ trợ kinh phí, phương tiện để đưa 3 công nhân tử vong về quê.
Tìm hiểu được biết, căn cứ vào một số điều khoản trong Luật Lao động, trong trường hợp để xảy ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng thì có thể xem xét khởi tố, xử lý những người có trách nhiệm liên quan.
Miếng ván mỏng được sử dụng làm giàn giáo
Đây là vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng gây thiệt hại về người lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Chính vì vậy, ngay trong sáng ngày 12/8, Bộ Lao động – Thương binh&Xã hội và Bộ Xây dựng đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH, Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn khẩn trưởng có báo cáo về vụ việc này.
Quản lý, thanh kiểm tra về an toàn lao động còn bất cập?
Tai nạn xảy ra là điều đáng tiếc, và mất mát lớn nhất chính là những người thân của 3 công nhân thiệt mạng. Qua tìm hiểu mới thấy công tác quản lý, công tác giám sát, công tác thanh kiểm tra về việc thực hiện an toàn lao động tại các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng lớn như công trình khách sạn Thiên Trường còn bị “bỏ ngỏ”.
Việc “bỏ ngỏ” được chứng minh từ chính công trình này. Vào khoảng cuối năm 2014, cũng tại công trình này đã xảy ra một vụ chết người. Mặc dù ngành chức năng không cho đó là tai nạn lao động mà chỉ là do người dân vào trong công trình, bị ngã dẫn đến tử vong. Hồ sơ vụ việc này hiện được thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh giữ và thụ lý. Đến thời điểm tai nạn khiến 3 công nhân tử vong, lực lượng thanh tra lao động vẫn chưa hề tổ chức đợt thanh, kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn lao động của công trình này.
Trao đổi về vấn đề này, bà Lăng Thị Phìn, Chánh Thanh tra – Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, mỗi năm thanh tra Sở tổ chức 3 đợt kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó có 2 đợt kiểm tra về lĩnh vực pháp luật lao động, 1 đợt về lĩnh bảo hiểm. Hơn 7 tháng đầu năm 2015, ngành mới tổ chức được 1 đợt kiểm tra về việc thực hiện pháp luật lao động (trong đó có công tác an toàn lao động) tại 14 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã xử phạt 2 doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực an toàn lao động. Bà Phìn khẳng định, mỗi năm có 3 đợt kiểm tra là quá ít, nhưng do lực lượng thanh tra lao động hiện quá mỏng, trong khi lĩnh vực thanh tra lao động lại quá lớn.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh, sản xuất, trong đó có vài trăm doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Mỗi năm chỉ tổ chức 3 đợt kiểm tra, mỗi đợt chỉ kiểm tra hơn 10 doanh nghiệp. Vậy hỏi bao giờ mới kiểm tra hết số doanh nghiệp đang hoạt động. Và một điều “bất cập” khác, khi tổ chức thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, thông thường không kiểm tra lại doanh nghiệp đã kiểm tra trước đó. Như vậy, nếu như một doanh nghiệp được kiểm tra năm trước đạt yêu cầu, nhưng đến năm sau không đạt thì ngành chức năng sao có thể phát hiện để chấn chỉnh.
Ông Nguyễn Hoàng, trưởng phòng LĐ-TB&XH thành phố Lạng Sơn cho biết, trung bình mỗi năm phòng tổ chức khoảng 2 đợt kiểm tra về công tác xây dựng, với trách nhiệm của phòng thì cũng chỉ kiểm tra một số công trình xây dựng dân dụng. Đối với công trình lớn thì chức năng thuộc cấp sở. Trao đổi về vụ việc tại nạn lao động tại công trình xây dựng khách sạn Thiên Trường, ông Hoàng cho biết thêm, ngay sau khi tai nạn xảy ra, phòng đã đến ngay hiện trường, qua xem xét, về mặt an toàn trong lao động thì công trình đã không đảm bảo, không tuân thủ các quy định về an toàn trong lao động (không chỉ đảm bảo an toàn cho người lao động, mà còn phải đảm bảo an toàn cho cả khu vực xung quanh, vấn đề này công trình cũng chưa đảm bảo). Trong hợp đồng xây dựng, theo quy định là phải có đầy đủ phương án về công tác đảm bảo an toàn lao động. Tuy nhiên, thực tế tại những công trình xây dựng lớn thường được chia ra làm nhiều khâu, do vậy sẽ có nhiều đơn vị thầu, điều này khiến việc xây dựng phương án đảm bảo an toàn trong khi thi công sẽ khó khăn.
Nhằm tìm hiểu về việc quản lý các công trình xây dựng lớn trên địa bàn, trong đó có công trình khách sạn Thiên Trường, nhóm phóng viên chúng tôi đã gặp ông Triệu Hoàng Trung, Trưởng phòng Quản lý nhà và bất động sản – Sở Xây dựng, tuy nhiên, ông Trung cho biết rằng, hiện Sở Xây dựng đang kiểm tra vụ việc nên chưa thể cung cấp những số liệu liên quan đến công trình khách sạn Thiên Trường cho báo chí biết.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Sau vụ việc, sáng ngày 12/8, trao đổi với một số ngành liên quan, được biết, các ngành đang chuẩn bị ban hành Quyết định thành lập đoàn điều tra tai nạn. Cụ thể, như phòng Việc làm lao động – Sở LĐ-TB&XH, được biết, thời gian tới phòng sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở tổ chức thanh, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Việc tổ chức đoàn điều tra tất yếu là phải làm, nhưng, thiết nghĩ, các ngành chức năng, đặc biệt là Sở LĐ – TB&XH, Sở Xây dựng… cần nhanh chóng xây dựng phương án tổng rà soát công tác an toàn tại các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng lớn trên địa bàn.
Bài, ảnh: Lưu Vũ - Hà My
Ý kiến ()