Những vấn đề đặt ra trong tái cấu trúc Tập đoàn Dệt may
Việc tái cấu trúc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong tình hình hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề mới, theo đó cần có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, phù hợp nhằm bảo đảm tăng trưởng ổn định, phát triển bền vững, tiếp tục giữ vai trò hạt nhân trong sự phát triển của toàn ngành.Tái cấu trúc Tập đoàn là đòi hỏi khách quanVinatex là doanh nghiệp (DN) lớn nhất trong ngành công nghiệp dệt may nước ta, được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại Tổng công ty Dệt may Việt Nam, hoạt động đa ngành nghề, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may.Vinatex hiện có hơn 110 đơn vị thành viên, đơn vị liên kết và gần 120 nghìn lao động (trong đó lao động nữ chiếm hơn 70%), bao gồm 33 DN trong lĩnh vực sợi, dệt; 30 DN trong lĩnh vực may; ba DN trong lĩnh vực cơ khí; ba DN hoạt động trong lĩnh vực trồng bông và tài chính, 12 DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, cung ứng vật tư; chín đơn vị làm công tác nghiên cứu, đào tạo, khám, chữa bệnh; 20...
Tái cấu trúc Tập đoàn là đòi hỏi khách quan
Vinatex là doanh nghiệp (DN) lớn nhất trong ngành công nghiệp dệt may nước ta, được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại Tổng công ty Dệt may Việt Nam, hoạt động đa ngành nghề, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may.
Vinatex hiện có hơn 110 đơn vị thành viên, đơn vị liên kết và gần 120 nghìn lao động (trong đó lao động nữ chiếm hơn 70%), bao gồm 33 DN trong lĩnh vực sợi, dệt; 30 DN trong lĩnh vực may; ba DN trong lĩnh vực cơ khí; ba DN hoạt động trong lĩnh vực trồng bông và tài chính, 12 DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, cung ứng vật tư; chín đơn vị làm công tác nghiên cứu, đào tạo, khám, chữa bệnh; 20 đơn vị kinh doanh các ngành nghề khác. Vinatex chiếm tỷ trọng 95,5% về sản xuất bông, hơn 42,3% về sản xuất sợi, 25,7% về sản xuất vải và 20% về may của cả nước. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Vinatex đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân trong sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam.
Thực hiện cổ phần hóa từ năm 1999, đến nay, Vinatex đã cổ phần hóa 80 đơn vị. Trong 49 đơn vị cổ phần hóa toàn bộ, có tám công ty đã thực hiện bán hết phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần; trong 31 đơn vị cổ phần hóa bộ phận, có bảy công ty thực hiện bán hết phần vốn nhà nước.
Theo Phó Tổng giám đốc Vinatex Phạm Nguyên Hạnh, việc tái cấu trúc Tập đoàn hiện nay là đòi hỏi khách quan, hướng đi đầu tiên là tiếp tục thực hiện cổ phần hóa Vinatex. Từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các đơn vị thuộc Vinatex sau khi cổ phần hóa tăng trưởng và đạt hiệu quả, phần lớn các đơn vị sau cổ phần hóa có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng hơn 20% và đã thực hiện chia cổ tức bình quân là 12%. Cá biệt, có một số DN chia cổ tức từ 30 đến 40%. Đáng chú ý, một số DN sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, lỗ triền miên nhiều năm, nhưng sau khi cổ phần hóa đã giảm thiểu được lỗ phát sinh và hoạt động SXKD bước đầu có hiệu quả, như các Công ty cổ phần dệt Vĩnh Phú, Dệt may Huế, Sợi Trà Lý, Dệt lụa Nam Định. Đến nay, sau bốn, năm năm thực hiện cổ phần hóa, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của Dệt may Huế đạt hơn 30%, Dệt lụa Nam Định hơn 20%, Dệt Vĩnh Phú hơn 10%. Nhiều DN có tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt từ 40% đến 90%, như các Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè, cổ phần Phong Phú, cổ phần may Việt Tiến, các Công ty cổ phần May Hưng Yên, May Hưng Long, v.v.
Một số DN sau cổ phần hóa đã có bước phát triển bền vững. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Bình Minh Ngô Kim Quy chia sẻ, là DN thí điểm cổ phần hóa đầu tiên từ năm 1999, vốn cổ đông nước ngoài chiếm 20%, đến nay, hoạt động SXKD của DN đạt hiệu quả, năng lực điều hành quản lý, thị trường, chất lượng sản phẩm được nâng cao, vốn điều lệ tăng hai lần, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ đạt 85% so khi bắt đầu cổ phần hóa, kim ngạch xuất khẩu tăng. Trong chiến lược SXKD, Tổng công ty cổ phần Phong Phú, May Nhà Bè, Dệt May Hòa Thọ… ưu tiên đầu tư tương xứng theo chuyên môn hóa, hiện đại hóa và công nghệ tiên tiến, nhằm tạo ra những sản phẩm mới, sản phẩm khác biệt có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Đầu tư gắn với thị trường để đầu tư đến đâu khai thác đến đó. Đáng chú ý, công tác nâng cao năng suất lao động, triệt để tiết kiệm hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ thiết yếu, cốt tử để những DN này đạt mục tiêu mà cổ đông kỳ vọng từ HĐQT và ban điều hành DN. Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến chính thức đi vào hoạt động theo mô hình Công ty mẹ-công ty con từ năm 2008. Với những bước đột phá trong hoạt động SXKD, năm 2011, giá trị tổng sản lượng của Tổng công ty này tăng 2,7 lần, lợi nhuận tăng 3,5 lần; tổng doanh thu tăng 2,4 lần so với năm 2006.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc Phạm Nguyên Hạnh, việc tái cấu trúc lại Vinatex gặp khó khăn, cơ cấu chưa thật sự phù hợp, chất lượng chuỗi liên kết sợi-dệt-nhuộm hoàn tất-may còn yếu. Tỷ trọng xuất nhập, khẩu cũng chưa cân đối, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, giảm giá trị gia tăng của hàng dệt may Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng dệt may, xuất khẩu xơ sợi chỉ chiếm chưa đến 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việc tăng trưởng chậm ở các thị trường dệt may lớn và xu hướng tăng giá nguyên vật liệu dệt may khiến một số DN gặp khó khăn do phải chấp nhận giảm giá để thu hút khách hàng. Sự phân bố nguồn nhân lực không đồng đều giữa các vùng, miền khiến cho công tác tuyển dụng lao động gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ trọng vốn điều lệ của Tập đoàn quá thấp so với nhu cầu thực tế, trong khi DN tiếp cận vốn vay khó khăn.
Tái cấu trúc để phát triển bền vững
Để ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng đạt được mục tiêu phát triển bền vững, theo mục tiêu đến năm 2015, toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD, trong đó Vinatex đạt 3,6 tỷ USD; đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 25 tỷ USD, trong đó Vinatex đạt hơn năm tỷ USD, trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu; thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới, thì việc tái cấu trúc là hết sức cần thiết.
Chủ tịch HĐTV Vinatex kiêm Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, nhận định: Hơn 10 năm thực hiện cổ phần hóa, các DN của Vinatex là quá trình sắp xếp, tái cấu trúc để quy mô DN phù hợp điều kiện cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiệu quả của DN dệt may cũng tăng lên rõ rệt. Năm 2010, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của chủ sở hữu tăng gấp bốn lần so năm 2001. Trong khi vốn nhà nước trong tổng thể các DN của Vinatex chỉ còn giữ 40%, tức là đã huy động được thêm hơn 60%. Vốn tăng trưởng thêm 2,5 lần từ các nguồn lực nước ngoài, tư nhân và các nguồn kinh tế khác, làm cho quy mô ngày càng lớn mà không dùng đến nguồn lực Nhà nước.
Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến năm 2013, Vinatex phải thực hiện xong cổ phần hóa công ty mẹ, bốn công ty TNHH một thành viên gồm Dệt 8-3, Dệt kim Đông Xuân, Dệt kim Đông Phương, Thương mại thời trang Việt Nam và Trung tâm xử lý nước thải khu công nghiệp Phố Nối B tỉnh Hưng Yên, Chi nhánh Vinatex – xí nghiệp Veston Hải Phòng. Vinatex đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn, kiểm toán để xác định giá trị của Công ty mẹ – Vinatex từ ngày 1-1-2012, Nhà nước giữ chi phối hơn 65% vốn điều lệ, để tiến hành cổ phần hóa. Đến đầu năm 2013, Công ty mẹ – Vinatex công bố giá trị DN, bán IPO và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Lộ trình tiếp theo từ năm 2013-2015, Vinatex thực hiện bán tiếp vốn nhà nước, giảm tỷ lệ vốn này tại Công ty mẹ – Vinatex và bán bớt vốn nhà nước tại một số công ty con mà hiện nay Vinatex đang nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ hoạt động hiệu quả không cao là ba Công ty cổ phần là Len Việt Nam, Hợp tác lao động và Thương mại, Đầu tư và Phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối; giải thể Liên doanh may Thành Đông và Dự án chai PET. Vinatex thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các Ngân hàng ACB, Eximbank, Techcombank và chỉ giữ lại khoản đầu tư tại Ngân hàng Hàng Hải. Do cam kết với nhà đầu tư, cho nên đến năm 2013, Vinatex mới thực hiện việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Chứng khoán Gia Quyền.
Cổ phần hóa một số đơn vị cốt lõi mà Vinatex giữ 100% vốn, một số đơn vị sáp nhập lại để mạnh về quản lý, công nghệ, thị trường, sản phẩm. Đồng thời, sắp xếp các đơn vị cốt lõi làm nòng cốt theo nhóm sản phẩm, theo địa lý, tạo thành những nhóm để từng đơn vị không dẫm chân lên nhau, tạo lợi thế về giá khi cùng chung nhập nguyên phụ liệu. Nguyên tắc chính trong quá trình tái cơ cấu của Vinatex là phải hình thành được những chuỗi cung ứng – đó chính là sự mua bán, kết hợp các DN tại các bước khác nhau trong chuỗi giá trị dệt may thành một công ty, nhóm công ty. Đó cũng chính là sự đan xen giữa các khâu từ cung cấp nguyên liệu, sản xuất, cho đến phân phối. Sự kết hợp này sẽ giúp nhà sản xuất tiết kiệm chi phí, chủ động trong sản xuất và rút ngắn tối đa khoảng cách tới người tiêu dùng.
Chủ tịch Vũ Đức Giang khẳng định, để tái cấu trúc thành công, Vinatex sẽ nghiêm túc thực hiện kế hoạch theo lộ trình Thủ tướng chỉ đạo, đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị DN theo hướng tiên tiến, hiện đại, minh bạch, xác định rõ các loại DN để ưu tiên phát triển hoặc thu hẹp, chuyển đổi hoặc xóa bỏ. Vinatex đã xây dựng “Định hướng phát triển đến năm 2020 và phương án sắp xếp Công ty TNHH một thành viên – Tập đoàn Dệt may Việt Nam”, đồng thời có kế hoạch, tiến độ, biện pháp triển khai cụ thể từng năm theo định hướng đó.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()