Những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế ở Vĩnh Phúc
Công nhân sản xuất mũ bảo hiểm xe máy ở Khu công nghiệp Khai Quang - Vĩnh Phúc. ( Ảnh: THU HIỀN )Công nghiệp được xác định là nền tảng nhằm tạo sự tăng trưởng cao cho kinh tế Vĩnh Phúc. Hơn mười năm trở lại đây, đầu tư vào lĩnh vực này được Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm và ngày càng khẳng định hướng đi đúng đắn. Thế nhưng, những bất hợp lý trong phát triển công nghiệp và việc phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dẫn đến nguy cơ phát triển không bền vững.Lợi thế phát triển công nghiệpVĩnh Phúc đã từng được cả nước biết đến như là một điển hình về nông nghiệp với các phong trào Hợp tác hóa, đổi mới cơ chế quản lý với phương thức "khoán hộ trong nông nghiệp"... và giờ đây, tỉnh tiếp tục có những thành tích tăng trưởng rất ấn tượng với dấu ấn trong phát triển công nghiệp.Một lợi thế lớn của Vĩnh Phúc là gần Thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài, một hệ thống giao thông thuận lợi cả về...
![]() Công nhân sản xuất mũ bảo hiểm xe máy ở Khu công nghiệp Khai Quang – Vĩnh Phúc. ( Ảnh: THU HIỀN ) |
Lợi thế phát triển công nghiệp
Vĩnh Phúc đã từng được cả nước biết đến như là một điển hình về nông nghiệp với các phong trào Hợp tác hóa, đổi mới cơ chế quản lý với phương thức “khoán hộ trong nông nghiệp”… và giờ đây, tỉnh tiếp tục có những thành tích tăng trưởng rất ấn tượng với dấu ấn trong phát triển công nghiệp.
Một lợi thế lớn của Vĩnh Phúc là gần Thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài, một hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường sông và đường hàng không. Từ đó, Vĩnh Phúc xác định ngành công nghiệp cơ khí chế tạo và lắp ráp các phương tiện vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng là mũi nhọn cho công nghiệp của tỉnh. Thành công có tính đột phá chính là việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các nhà máy sản xuất ô-tô như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam… tại Vĩnh Phúc. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của những doanh nghiệp (DN) này đã làm cho kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 84,5%; nông nghiệp, thủy sản chỉ còn 15,5%. Thu ngân sách tăng từ 100 tỷ đồng (năm 1997) lên 10.000 tỷ đồng (năm 2009); năm 2011, thu ngân sách tỉnh đạt 16.484 tỷ đồng. Từ năm 2004, tỉnh đã tự cân đối được ngân sách và là một trong 13 tỉnh, thành phố có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương.
Đó thật sự là những con số ấn tượng về giá trị kinh tế. Thế nhưng, sau 15 năm tái lập tỉnh với nền kinh tế liên tục vượt chỉ tiêu, năm 2012 là năm đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc đạt thấp, chỉ tăng 2,52% (Nghị quyết HĐND tăng 11,5-12%). Thu ngân sách đạt 12.696 tỷ đồng, giảm 24,1%, hụt thu so với dự toán 5.529 tỷ đồng. Ngoài những nguyên nhân khó khăn chung, thì hơn 80% tăng trưởng thu ngân sách của Vĩnh Phúc dựa vào hai công ty có vốn đầu tư nước ngoài là Toyota và Honda Việt Nam trong khi doanh thu của hai công ty này trong năm 2012 đều sụt giảm, khiến số nộp ngân sách giảm. Năm 2011, Công ty Toyota Việt Nam sắp xếp lại kế hoạch sản xuất và cắt giảm sản lượng do ảnh hưởng của trận động đất, sóng thần tại Nhật Bản, thêm vào đó, lũ lụt ở Thái-lan đã ảnh hưởng tới việc cung cấp các linh kiện điện tử cho các nhà sản xuất ô-tô. Đây chính là nguyên nhân khiến doanh thu của công ty giảm, tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách của tỉnh. Bên cạnh đó, các chính sách tăng phí trước bạ đối với xe ô-tô, tăng phí cấp biển số, quỹ bảo trì đường bộ cũng góp phần làm giảm số thu ngân sách của tỉnh. Hiện nay, sản lượng tồn kho xe ô-tô của Công ty Toyota Việt Nam gần 2.100 xe, Honda Việt Nam là gần 120 xe; xe máy Honda khoảng 13.000 chiếc, Piaggio gần 15.000 chiếc… Theo tính toán, bình quân mỗi xe ô-tô Toyota Việt Nam nộp ngân sách tỉnh khoảng 260 triệu đồng. Trong khi đó, chính sách phát triển ngành công nghiệp ô-tô, công nghiệp hỗ trợ chưa cụ thể, đặc biệt chưa có chính sách dòng xe ô-tô chiến lược; thuế nhập khẩu sẽ giảm theo lộ trình khi Việt Nam gia nhập WTO và khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô-tô sẽ giảm xuống còn 0%, vì vậy chắc chắn chiến lược phát triển sản xuất của hai công ty Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam sẽ có những thay đổi, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách tỉnh, từ đó tác động tới tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc.
Tăng trưởng bền vững và ổn định
Thu hút các DN FDI là cần thiết, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế có điểm xuất phát thấp như Vĩnh Phúc, nhưng quá phụ thuộc vào các DN này đã khiến thu ngân sách của Vĩnh Phúc thiếu bền vững. Có cán bộ địa phương trao đổi rằng, tỉnh chỉ cần tập trung vào mấy nhà đầu tư mạnh, có đóng góp nhiều cho địa phương là ổn. Có lẽ chính do quan điểm này mà hiện nay diễn ra nghịch cảnh: Khu công nghiệp cho dù đã giải phóng mặt bằng nhưng vẫn đang chờ… DN. Năm 2007, Dự án Compal của Tập đoàn máy tính xách tay Đài Loan (Trung Quốc) có giá trị đăng ký hơn 570 triệu USD giai đoạn I và sẽ nâng lên 1 tỷ, 1,5 tỷ USD trong các giai đoạn sau ở Khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên. Khi khởi công xây dựng, ông Tổng giám đốc hứa hẹn, sau năm năm công ty sẽ tiếp nhận giải quyết việc làm cho 10.000 lao động làm việc ba ca ở 12 công ty. Thế nên, Vĩnh Phúc đã lo hết mọi thủ tục hành chính, làm sẵn hạ tầng để bàn giao, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động địa phương tập trung vào lĩnh vực tin học để đón đầu… Kết quả, đã trải qua năm năm, hiện chỉ có duy nhất một công ty đang hoạt động và giải quyết việc làm cho hơn… 100 lao động!
Một điểm “nghẽn” nữa trong quá trình phát triển công nghiệp của Vĩnh Phúc là hiện nay giá thuê đất ở các khu công nghiệp trên địa bàn ở mức 80-100 USD/m2/50 năm. Mức giá này cao hơn nhiều so với các tỉnh cùng khu vực quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… từ 30 đến 50 USD. Có chuyện bất hợp lý này, bởi hiện nay cơ sở hạ tầng khu công nghiệp của tỉnh đều do các DN tiến hành xây dựng, chính vì vậy quyền quyết định giá thuê đất thuộc về DN. Năm 2010, Công ty TNHH công nghệ Cosmos muốn mở rộng sản xuất nhưng với giá 80 USD/m2 đã khiến DN này phải lắc đầu, họ tìm đến Phú Thọ, địa phương không cách quá xa với Vĩnh Phúc, trong khi đường giao thông khá thuận tiện với mức giá chỉ là 40USD/m2 để xây dựng nhà máy. Hiện tại, diện tích của công ty ở Vĩnh Phúc là 8.000m2 và ở Phú Thọ là 51.000m2. Từ năm 2005 đến năm 2008, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xếp trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, nhưng ba năm gần đây (2009 – 2011), chỉ số xếp hạng PCI của tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm đáng kể, trong đó có nguyên nhân tiếp cận đất đai.
Chuyển đổi cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời hiện đại hóa công nghiệp đang trở thành vấn đề cấp bách đối với Vĩnh Phúc. Tỉnh cũng đã nhận thức được vấn đề này từ nhiều năm qua nhưng cần phải có những chính sách kịp thời để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bên cạnh phát triển công nghiệp, cần hướng vào các lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Đồng thời cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính, hạ giá thuê đất nhằm thu hút đầu tư, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế Vĩnh Phúc ổn định và bền vững.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()