Những ưu tiên trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Tuy còn có ý kiến khác nhau khi đánh giá về tính hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tính trên quy mô vốn và những ưu thế về sản xuất, kinh doanh so với khu vực kinh tế tư nhân, nhưng phần lớn ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, nếu thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tác động tích cực đến tổng thu nhập nội địa (GDP) và tăng trưởng kinh tế, nhất là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn.
Như đã trở thành thông lệ, hằng năm, vào dịp đầu Xuân mới, Thủ tướng gặp mặt các DNNN. Năm nay, cuộc gặp diễn ra ngày 18-2 vừa qua tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2014 – 2015 do Chính phủ tổ chức.
Theo báo cáo của Chính phủ với Quốc hội ngày 25-11-2013, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2012, cả nước có 846 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng tài sản hơn 2.569 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 1.019 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu đạt hơn 1.709 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 166,9 nghìn tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 221,6 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, năm 2012 – 2013, các doanh nghiệp nhà nước đã đóng góp khoảng 30% thu ngân sách nhà nước và hơn 33% GDP, hơn 80% doanh nghiệp nhà nước có lãi, vốn chủ sở hữu tăng 26% so với năm 2011, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 16,37%, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,52 lần. Tuy nhiên, việc duy trì mục tiêu tăng trưởng nhanh trong thời gian qua đã ảnh hưởng tới các DNNN khi các DNNN tập trung mở rộng sản xuất, đầu tư theo chiều rộng mà chưa chú trọng đầu tư theo chiều sâu, đầu tư quá khả năng cân đối vốn, dẫn đến hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.
“Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với nội dung chính tập trung vào ba mục tiêu là tái cơ cấu về tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp; tái cơ cấu về tài chính và tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp, lao động.
Tái cơ cấu DNNN không phải là liều thuốc trị bách bệnh. Theo lý thuyết kinh tế hiện đại thì không một hình thức sở hữu tự nhiên nào được coi là vạn năng, bất biến và nhất là lại lệ thuộc vào những điều kiện lịch sử cụ thể, lại có thể vượt trội các hình thức sở hữu khác ở mọi quốc gia, mọi ngành và lĩnh vực kinh tế. Vẫn có những mô hình DNNN hoạt động hiệu quả ở nhiều quốc gia. Cơ cấu thị trường và cạnh tranh trong nhiều khía cạnh còn quan trọng hơn bản thân quyền và hình thức sở hữu đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Thí dụ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xã hội, nhất là các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên, có thể phương hại đến người tiêu dùng, thậm chí ngay cả khi hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên, nếu không thiết lập được hệ thống kiểm soát giá thành hàng hóa và dịch vụ phù hợp. Hay như trong một số trường hợp, cổ phần hóa có thể dẫn đến việc chậm trễ hay cắt giảm hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ mới (R&D),…
Trước mắt, cần gắn mục tiêu tái cơ cấu DNNN đơn thuần với mục tiêu tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư tài chính của khu vực tư nhân vào phát triển doanh nghiệp. Nhà nước cũng có thể mở rộng các ngành, lĩnh vực thuộc diện tái cơ cấu như vận tải thủy và hàng không, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất, hóa dầu, in ấn hay thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp có ý nghĩa chiến lược như cảng sông, cảng biển hay sân bay.
Quá trình tái cơ cấu DNNN sẽ làm giảm tỷ trọng tham gia trực tiếp của Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh để thu hút nguồn lực tài chính của khu vực tư nhân đầu tư vào doanh nghiệp, tăng cường quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, vẫn phải bảo đảm ổn định xã hội và kiểm soát tình hình giá cả thị trường, tăng cường ảnh hưởng trực tiếp của Nhà nước đến các ngành và lĩnh vực “nhạy cảm” đối với người dân, tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ (R&D) để tạo ra sự dịch chuyển công nghệ, tiến tới hình thành các doanh nghiệp lớn của quốc gia và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong tái cơ cấu DNNN, cần chú ý đến ảnh hưởng của các “nhóm lợi ích” tới việc quyết định cổ phần hóa, bán, giao, chuyển giao, giải thể, phá sản DNNN và cho dù đôi khi phải có những quyết định có thể phần nào chưa thật sự toàn diện, nhưng tận dụng được cơ hội, thời cơ thuận lợi cho việc bảo toàn và thoái vốn nhà nước. Quá trình tái cơ cấu cũng cần kịp thời khắc phục những trở ngại về thủ tục hành chính có thể dẫn đến làm lỡ các cơ hội cổ phần hóa, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hay niêm yết lần đầu trên thị trường chứng khoán,…
Kế hoạch tái cơ cấu từng doanh nghiệp nhà nước cụ thể tùy theo quy mô của doanh nghiệp, nhưng cần hài hòa với triển vọng dài hạn và khả năng triển khai phù hợp tình hình thực tế. Trong từng công đoạn của quá trình tái cơ cấu, cần chú ý phân tích, dự báo, giảm bớt những rủi ro có thể xảy ra và thực hiện tuần tự các bước quy trình một cách thận trọng. Việc thường xuyên đánh giá kết quả đã đạt được và xác định rõ các bước tiếp theo của quá trình tái cơ cấu theo mục tiêu dài hạn là cơ sở quan trọng bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa hoạt động thoái vốn đầu tư của Nhà nước và nhân rộng các hiệu ứng tích cực của việc thoái vốn nhà nước tại DNNN, làm cho sự đồng thuận của xã hội, của người lao động trong DNNN ngày càng cao.
Việc khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, sớm trình ra Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2014 nhằm thể chế hóa các quy định về đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, xác định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; quy định chặt chẽ về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của DNNN để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và tổ chức giám sát, kiểm tra hoạt động của DNNN là việc làm quan trọng để đưa Hiến pháp (sửa đổi) đi vào cuộc sống.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()