Những ưu điểm của thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự
Thủ tục rút gọn được nghiên cứu thấu đáo trong tiến trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) nhằm giải quyết đối với những tranh chấp nhỏ, đơn giản, giúp cho các bên đương sự và các cơ quan chức năng Nhà nước, rộng hơn là xã hội, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền của.
Tiết kiệm công sức, tiền của
Từ thực tiễn xét xử các tranh chấp dân sự: hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động tại tòa án các cấp, nhiều chuyên gia ngành Tòa án, giới luật sư chỉ ra rằng: Có nhiều loại tranh chấp đơn giản, giá trị tranh chấp thấp, các bên đều thống nhất về nội dung tranh chấp và chứng cứ rõ ràng. Hoặc những vụ án không đáp ứng những điều kiện này nhưng các bên đương sự đều thống nhất và có văn bản đề nghị tòa án giải quyết bằng thủ tục rút gọn,… nhưng các tòa án vẫn tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định chung của BLTTDS để giải quyết. Ðiều này làm cho thời gian giải quyết kéo dài, tốn kém tiền bạc của Nhà nước và của đương sự.
Nhiều người ghi nhận tinh thần và tư duy đổi mới trong xây dựng luật, thời điểm năm 1995 chúng ta xây dựng và ban hành Bộ luật Dân sự đầu tiên của Việt Nam với nhận thức chủ đạo “việc dân cốt ở hai bên”. Bà Vũ Thị Minh Hồng, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, phân tích: Theo quy định của pháp luật, “về quy định thẩm quyền tòa án giải quyết việc công nhận sự thỏa thuận về quyền, lợi ích hợp pháp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự”, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc.
Thời gian tới, cho rằng sự cần thiết sửa đổi căn bản BLTTDS nói chung, có đề cập Tòa Giản lược/thủ tục rút gọn nói riêng xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi từ thực tế. Một trong những vấn đề quan tâm của người dân khi yêu cầu tòa án giải quyết vướng mắc theo hướng đơn giản, thì tòa giải quyết thế nào, sẽ nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí không? Mặt khác, tính khả thi của phán quyết đáp ứng yêu cầu cả hai bên không? Quyết định tòa án sẽ có tính hiệu lực tức thì khi kết thúc việc kiện, tại nơi xét xử… Bà Vũ Thị Minh Hồng phản ánh, những loại việc, vấn đề dân sự như thế có rất nhiều trong xã hội đang chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hóa như hiện nay, các thẩm phán không thể và không nên từ chối những vụ việc như vậy.
Không từ chối yêu cầu của dân
Về tiêu chí xác định vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, cần phải quy định cụ thể, chi tiết những điều kiện vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn để bảo đảm quyền lợi cho các bên đương sự, vì khi áp dụng thủ tục rút gọn, bản án, quyết định của tòa án có thể là chung thẩm và có hiệu lực thi hành ngay. Như vậy sẽ phù hợp với thực tiễn pháp lý và tố tụng trong quá trình phát triển đất nước và xu thế hội nhập quốc tế. Thủ tục rút gọn được coi là một ngoại lệ của nguyên tắc hai cấp xét xử và đã được ghi nhận trong Hiến pháp (sửa đổi).
Một số chuyên gia pháp lý phân tích, theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Ðiều 103 Hiến pháp (sửa đổi) thì “Việc xét xử sơ thẩm của TAND có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” và “TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Tuy nhiên, việc xây dựng quy định về thủ tục rút gọn trong TTDS thành một Pháp lệnh riêng biệt, hay thành một phần của BLTTDS (sửa đổi) còn có các quan điểm khác nhau.
Ðại diện nhiều cơ quan luật pháp ở Trung ương và địa phương ủng hộ quan điểm cho rằng, thủ tục rút gọn trong TTDS là một bộ phận hay một ngoại lệ của BLTTDS. Bởi vì, khi chưa có quy định riêng về thủ tục rút gọn (như Pháp lệnh), thì các quy định của BLTTDS được áp dụng để giải quyết chung cho tất cả các loại vụ việc, bao gồm những vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Nhiều loại vụ việc dân sự không nhất thiết phải áp dụng tất cả các thủ tục tố tụng quy định trong BLTTDS mà vẫn có thể giải quyết nhanh hơn và hiệu quả hơn. Ðồng thời, kinh nghiệm lập pháp về thủ tục rút gọn trong TTDS của nhiều nước trên thế giới đều quy định thủ tục rút gọn là một thủ tục đặc thù được quy định trong BLTTDS.
Cho rằng hệ thống và thủ tục xét xử tại tòa án đã đến lúc không thể trì hoãn nhu cầu cần có Tòa Giản lược và thủ tục rút gọn, các chuyên gia pháp luật phản ánh: Khi người dân có xảy ra tranh chấp, bất đồng, mức độ mâu thuẫn không quá lớn, các đương sự đều mong muốn nhờ cậy Tòa án xác nhận một thỏa thuận để tiếp tục duy trì các giao dịch, tránh rủi ro. Tuy nhiên lâu nay, dường như thể chế vẫn “đắn đo”! “Cái gì đang là rào cản của tâm lý này, nếu như không phải vẫn là sự ngự trị của thói quen xét xử như tố tụng hình sự?”. Bà Vũ Thị Minh Hồng đặt câu hỏi. Ðáng lẽ các quy phạm TTDS phải chỉ ra con đường đi của đương sự là tìm cơ quan, tổ chức tài phán nào giúp giải quyết việc liên quan một cách nhanh nhất, ít tốn kém nhất và ít ảnh hưởng hoạt động làm ăn và đời sống sinh hoạt thường nhật của họ. “Chứ không phải vẫn là các quy định về một trình tự tố tụng giống hệt hình sự, đó là thẩm quyền tòa án, những người tiến hành tố tụng, sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, áp dụng các biện pháp ngăn chặn… như các quy định của pháp luật hiện hành”.
Nhấn mạnh thêm sự cần thiết đổi mới pháp luật TTDS trước yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, bà Vũ Thị Minh Hồng nhận xét, mặc dù có nhiều quan điểm thay đổi về nội dung lẫn cấu trúc BLTTDS sửa đổi, bổ sung, tới đây việc xây dựng luật về lĩnh vực này cần thoát khỏi “cái bóng khổng lồ” của tố tụng hình sự truyền thống.
Nhiều vụ việc dân sự các đương sự đã thỏa thuận với nhau về phương án giải quyết tranh chấp dân sự. “Họ muốn có “sự bảo đảm của pháp luật”, nên làm đơn yêu cầu tòa án công nhận, thì tòa án lại không thụ lý, vì cho rằng BLTTDS không quy định tòa án thụ lý về loại việc này”. VŨ THỊ MINH HỒNG (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) |
“Việc sửa đổi BLTTDS lần này cần nghiên cứu mở rộng thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự cho tòa án theo hướng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khi người dân có yêu cầu. Trên nguyên tắc: Tòa án không được từ chối giải quyết yêu cầu của người dân khi không có quy định của pháp luật; và không được đẩy khó khăn cho người dân mà tòa án chọn việc thuận lợi. Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính tư pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý một cách dễ dàng…”. LÊ THỊ THU BA Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()