Những tỷ phú trên đồng đất Hưng Yên
Chuối của gia đình anh Phạm Năng Thành chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Kể từ khi Đảng ta khởi xướng sự nghiệp đổi mới năm 1986, nông dân được giao đất canh tác ổn định lâu dài, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy ngành nghề truyền thống theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Từ đó đến nay, hàng nghìn nông dân đã trở thành tỷ phú, nhờ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.Làm giàu từ cây chuốiAnh Phạm Năng Thành, thôn Ninh Tập, xã Đại Tập (Khoái Châu - Hưng Yên), trở thành tỷ phú nhờ chuyển đổi tập quán canh tác ngô truyền thống sang thâm canh chuối tiêu hồng. Đến nay, ở tuổi 33 sau tám năm gắn bó với cây chuối, anh Thành đã phát triển được diện tích chuối tiêu hồng lên hơn 10 ha, sản lượng quả hằng năm hơn 450 tấn, doanh thu gần ba tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 - 1,3 tỷ đồng, tạo việc làm thu nhập ổn định cho 13 đến 15 lao động tại chỗ. Ngoài ra,...
Chuối của gia đình anh Phạm Năng Thành chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. |
Làm giàu từ cây chuối
Anh Phạm Năng Thành, thôn Ninh Tập, xã Đại Tập (Khoái Châu – Hưng Yên), trở thành tỷ phú nhờ chuyển đổi tập quán canh tác ngô truyền thống sang thâm canh chuối tiêu hồng. Đến nay, ở tuổi 33 sau tám năm gắn bó với cây chuối, anh Thành đã phát triển được diện tích chuối tiêu hồng lên hơn 10 ha, sản lượng quả hằng năm hơn 450 tấn, doanh thu gần ba tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 – 1,3 tỷ đồng, tạo việc làm thu nhập ổn định cho 13 đến 15 lao động tại chỗ. Ngoài ra, anh Thành còn là đầu mối mua gom tiêu thụ sản phẩm cho hàng trăm gia đình trồng chuối tại địa phương. Do chất lượng chuối của gia đình anh luôn ổn định, thơm, ngon, có dư vị và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nên anh luôn có được thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng rãi khắp các tỉnh, thành phía bắc. Bí quyết thành công trong sản xuất kinh doanh chuối của gia đình anh là: Mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng lấy ngắn nuôi dài, nâng dần quy mô diện tích và cập nhật kịp thời các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Để tăng thu nhập cho vườn chuối, Thành còn bố trí trồng xen canh các cây họ đậu vào giai đoạn chuối mới trồng chưa giao tán, nhằm giữ được độ ẩm vườn chuối, chống xói mòn, hạn chế cỏ dại và tăng nguồn thu… Thành cho biết, thị trường chuối tiêu hồng trong nước còn khá lớn, nhất là các tỉnh miền trung, đó là chưa
kể xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Dự định trong thời gian tới, anh sẽ thuê thêm ruộng của người dân địa phương, mở rộng diện tích chuối lên 20 – 30 ha và xúc tiến xây dựng thương hiệu chuối tiêu hồng Thành Tuyết – tên vợ chồng anh. Nhưng trở ngại lớn nhất với vợ chồng anh và nhiều nông dân muốn làm ăn lớn hiện nay là: Hạn vốn vay ngân hàng quá ngắn (6 – 12 tháng), lượng vốn cho vay quá nhỏ (khoảng vài chục triệu đồng), trong khi thuê đất của nông dân phải trả ngay tiền mặt một lần cho nhiều năm và diện tích này cũng không thể thế chấp vay vốn. Ngoài ra, người sản xuất còn rất khó tiếp cận với các nguồn vốn vay trung, dài hạn từ ba đến năm năm hoặc các nguồn vay ưu đãi phát triển sản xuất…
Thoát nghèo nhờ nuôi lợn
Anh Hoàng Văn Khai ở thôn Hòa Bình Hạ, xã Tân Tiến (Văn Giang – Hưng Yên) đi lên từ hai bàn tay trắng, sau gần 10 năm bươn chải với nghề chăn nuôi lợn, nay là chủ sở hữu một trang trại VAC quy mô, bài bản với tổng diện tích vườn, ao, chuồng hơn một ha, trong đó diện tích chăn nuôi lợn là chính, bao gồm 3.000 m2 chuồng trại nuôi thường xuyên gần 200 lợn nái sinh sản và 500 con lợn thịt thương phẩm, mỗi năm trang trại xuất bán ra thị trường gần 5 nghìn con lợn giống, hơn 140 tấn lợn thịt, doanh thu hơn 10 tỷ đồng, lợi nhuận: 1,5 – 2 tỷ đồng, thu hút hơn 10 lao động hợp đồng làm việc thường xuyên tại trại với mức lương: 4-5 triệu đồng/người/tháng, bao gồm cả ăn, ở, đi lại. Có được thu nhập cao, ổn định như vậy, là nhờ trang trại của anh Khai luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học: Chuồng trại được xây dựng khép kín, có hệ thống trang thiết bị điện máy ổn định nhiệt độ, độ ẩm và thông gió thường xuyên; toàn bộ chất thải trong quá trình chăn nuôi được xử lý qua hầm khí sinh học Biogas; chuồng nuôi luôn được vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng định kỳ; người chăn nuôi vào trại phải mang trang bị bảo đảm vệ sinh lao động; hạn chế người lạ ra vào khu vực chăn nuôi để tránh truyền nhiễm nguồn bệnh các loại… Nhờ vậy, trải qua nhiều kỳ dịch bệnh tại địa phương và trong khu vực, đàn lợn của gia đình anh vẫn an toàn, không bị thất thoát, đạt thu nhập cao. Nhớ lại thời gian trước khởi nghiệp, vợ chồng anh đã phải bươn chải với nhiều nghề trồng trọt, cung ứng thức ăn gia súc và chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng đời sống gia đình vẫn bấp bênh, phải đến năm 2007 được địa phương cho thầu đất lâu dài, xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vợ chồng anh mới mạnh dạn vay vốn ngân hàng và người thân, đầu tư phát triển chăn nuôi lớn, theo hướng an toàn sinh học và liên tục gặt hái được thành công từ đó. Qua kinh nghiệm chăn nuôi trang trại, anh Khai mong muốn, với các trang trại đầu tư chăn nuôi lớn, Nhà nước nên hỗ trợ vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh bằng tiền mặt để người chăn nuôi chủ động thời gian tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm sát thực tế, thay vì triển khai tiêm phòng vắc-xin đồng loạt theo mùa trong khoảng thời gian eo hẹp như hiện nay, ngoài ra vốn vay vẫn luôn là vấn đề nan giải với các gia đình làm kinh tế VAC.
Tỷ phú chế biến miến dong
Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Lại Trạch, xã Yên Phú (Yên Mỹ – Hưng Yên), sinh ra từ một làng quê nghèo khó, đất chật người đông, mỗi nhân khẩu chưa đầy 300 m2 ruộng khoán canh tác từ Nhà nước. Tuy làng có nghề truyền thống chế biến miến dong, nhưng trải qua thời gian dài bao cấp, làng nghề không được phát triển, nhiều người đã bỏ nghề, chuyển nghề. Sau khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp, thị trường thông thương, một số người, trong đó có gia đình anh Hùng đã tổ chức khôi phục làng nghề, nhưng vẫn sản xuất nhỏ lẻ, khó tiêu thụ sản phẩm, bởi công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu bằng thủ công cơ bắp, năng suất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng thấp, sản xuất không có lãi. Không bằng lòng với cuộc sống lam lũ khó khăn, Hùng kiên trì tìm tòi học hỏi, sáng tạo đổi mới quy trình công nghệ, đưa máy móc vào thay thế dần các công đoạn sản xuất thủ công lạc hậu, nâng cao chất lượng miến bằng sử dụng tinh bột dong riềng thuần, chỉ sử dụng hóa chất phụ gia trong danh mục cho phép… Dần dần, sản phẩm miến của anh đã có chỗ đứng trên thị trường. Vào mùa vụ sản xuất, mỗi ngày xưởng miến của gia đình anh thuê mướn: 15 – 20 lao động, ngày công: 200 – 250 nghìn đồng/người/ngày, sản lượng miến làm ra gần 1,3 tấn, doanh thu hơn bốn triệu đồng, lãi thuần 2,2 – 2,5 triệu đồng/ngày. Theo cách làm của anh Hùng nhiều người dân trong làng dần dần khôi phục nghề, đến nay cả làng đã có gần 40 gia đình chuyên nghề chế biến miến dong. Đáng chú ý, nhờ làng nghề khôi phục và phát triển, những gia đình chuyên nghề đã dồn ruộng canh tác cho các hộ nông dân khác thuê, mượn để mở rộng diện tích gieo trồng, làm kinh tế VAC, nâng cao giá trị thu nhập. Không chỉ góp phần làm sống lại làng nghề của địa phương, anh Hùng còn là một thành viên tích cực hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã như: góp 40 triệu đồng cùng bà con lối xóm xây dựng đường bê-tông thôn xóm chuẩn theo tiêu chí quốc gia. Đáng chú ý là, dù đam mê làm giàu, nhưng anh Hùng vẫn dành thời gian thích đáng cho việc giáo dục con cái, nhờ vậy các con anh đều chăm ngoan, học giỏi đỗ đạt cao vào các trường đại học có uy tín trong cả nước…
Từ những tấm gương nông dân làm ăn giỏi nêu trên, có thể thấy, họ đều có chung xuất phát điểm khó khăn, nhưng nhờ dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng sáng tạo các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, họ đã làm giàu thành công tại chính quê hương, tạo việc làm thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông nhàn địa phương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Họ sẽ là những hạt nhân lan tỏa ra cộng đồng, rất cần các cấp chính quyền động viên khuyến khích, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, để những tỷ phú nông dân ngày càng phát huy năng lực, sở trường, cùng cả nước đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()