Những triệu phú ở xã nghèo
Từ một xã cù lao nghèo thuần nông, đến nay, nhờ phát triển kinh tế giỏi nhiều hộ dân ở xã cù lao Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã trở thành triệu phú.
Qua cầu sông Cái Nhỏ, con đường tỉnh lộ DT 850 thênh thang, phẳng lỳ chạy qua địa bàn xã dài 30 km, khắp những tuyến đường bê-tông tới các ấp, diện mạo nông thôn mới hiển hiện. Đó là bạt ngàn những vườn cây ăn quả, những bè cá trên sông, những vườn hoa kiểng, những ngôi nhà khang trang, phương tiện giao thông có giá trị…
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả, ông Võ Văn Lang ở ấp Bình Hòa cho biết, nhà ông có mười công đất (10.000 m 2 ), chủ yếu trồng xoài cát Hòa Lộc, chanh, chuối… Thời điểm đang thu hoạch chuối, ông bán với giá 8.000 đồng/kg, có buồng hơn 30 kg. Sau bảy tháng từ lúc trồng đến thu hoạch, vườn chuối nhà ông cũng cho thu hoạch kha khá trong khoản tổng lãi hơn 150 triệu đồng/năm mà ông tính sơ sơ sau khi đã trừ hết chi phí.
“Trước thì lo lũ lụt, nhưng từ năm 2000 đến giờ ổn định đê bao thì không phải lo nữa. Chỉ lo được mùa, mất giá thôi”, ông Lang tâm sự.
Nỗi lo ấy đâu chỉ của riêng ông Lang. Với ông Nguyễn Ngọc Ẩn -người làm Bí thư Chi bộ ấp Bình Hòa năm nhiệm kỳ liên tiếp cũng vậy. Ông Ẩn chịu khó mày mò, đột phá trồng xoài cát, đào ao thả cá, trồng nhãn…
Vì điệp khúc “được mùa, mất giá”, ông phải “xoay” đủ thứ cây, con sao cho hiệu quả. Giờ tuổi đã cao, ông Ẩn chỉ giữ lại tám công để trồng ổi, chanh, nuôi cá, còn lại chia cho anh em trong nhà đất vườn, đất ao để cùng phát triển kinh tế. Thế nhưng, số lãi gia đình ông cũng vào khoảng hơn 100 triệu đồng/năm. “Giá cá cũng bấp bênh lắm, năm nào cao thì vô giá luôn. Năm nay nhà tôi chỉ nuôi một ao thôi (một ao bỏ không), khoảng 150.000 con cá lóc, nhưng giá thấp, chỉ lấy công làm lãi. Trồng ổi đầu tư ban đầu không lớn, tám tháng cho thu hoạch. Chanh cũng vậy, giá lại khá ổn định”, ông Ẩn chia sẻ về hướng làm ăn của gia đình. Thực tế, câu chuyện đầu ra cho sản phẩm nhà nông không phải bây giờ mới đáng lưu tâm, không chỉ là nỗi băn khoăn của những nông dân trồng cây ăn quả, nuôi cá.
Trưa chang chang nắng, bóng người đổ xuống chân mình tròn xoe, chúng tôi cùng ông Tạ Văn Việt (ở ấp Bình Tân) bơi thuyền ra dòng sông Tiền mênh mang nước, đục mờ phù sa. Ông Việt có năm bè (ba bè lớn) nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền đưa chúng tôi ra gần giữa dòng. Ông bảo, nắng quá, những chú cá điêu hồng sắp xuất bè không chịu lên ăn nhiều.
Vào bè nuôi cá nhỏ, ông vừa gõ gõ, tung ít thức ăn sẵn xuống, mặt nước đã đỏ đục, lúc nhúc cá điêu hồng.
Nhìn đàn cá lao xao đớp mồi, ông Việt kể: Năm 2005, sau khi đi tham quan các mô hình nuôi cá bè về, ông bỏ cây ăn quả, đào ao nuôi cá giống.
Thấy thuận tiện, có hiệu quả kinh tế, lại được địa phương khuyến khích, hỗ trợ, ông Việt vừa nuôi cá giống, vừa nuôi cá thịt ngoài sông Tiền. Mỗi năm, ông xuất bán khoảng 35 tấn cá thịt, ít nhất cũng phải 30 tấn, trung bình mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. “Năm nay, xã thành lập hợp tác xã sản xuất cá điêu hồng, kêu gọi bà con vào để dễ dàng ký hợp đồng với công ty chế biến ở An Giang, bảo đảm đầu ra. Bà con chỉ sợ mùa nghịch cá chết nhiều nên đề nghị công ty mua giá cao hơn, chứ giá chính vụ thì có lãi rồi bởi không phải thông qua thương lái, trung gian, không bị ép giá”, ông Việt tâm sự.
Không băn khoăn về “đầu ra” như trái cây và cá, câu chuyện trồng hoa kiểng của bà con ấp Bình Hòa lại mở ra một hướng làm ăn mới, nhiều hy vọng. Năm 2010, sau khi đi tham quan, học hỏi mô hình trồng cây kiểng ở Vĩnh Long, ông Trần Văn Năng đầu tư hơn một tỷ đồng mua mảnh vườn hơn 3.000 m2 , bơm cát, nâng mặt bằng trồng cây kiểng, chủ yếu là mai vàng, nguyệt quế. “Ba năm tôi đã thu hồi đủ vốn rồi, riêng năm đầu bán được 600 triệu đồng, năm rồi lãi hơn 100 triệu đồng, vì được giá tôi mới bán, không thì để lại. Vấn đề là mình có vốn hay không thôi, vì cây kiểng chơi Tết càng để lâu càng có giá”, ông Năng hồ hởi.
Trồng cây kiểng không vất lắm, công việc lai rai, không tốn công sức, chỉ khi chính vụ mới phải thuê lao động công nhật, hiệu quả kinh tế cao, lại không lo nhiều về đầu ra… Thế nên, từ sự mày mò cho hiệu quả của ông Năng, giờ ấp Bình Hòa đã thành lập tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ hoa kiểng với vài chục hội viên, cứ 17 giờ ngày 30 hằng tháng là sinh hoạt, không chỉ trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm “đầu ra” mà còn tương trợ giúp đỡ nhau. Ông Năng khoe, ông tổ trưởng Nguyễn Phát Thạnh có mối ở Đà Nẵng rất lớn, nên không bận tâm nhiều về “đầu ra”, giá cả, vấn đề là làm ăn trước hết phải giữ chữ tín, sau đó là tình nghĩa.
Đem những gì mắt thấy, tai nghe chúng tôi tìm gặp lãnh đạo xã Bình Thạnh và được biết, những năm gần đây, Bình Thạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá mạnh. Trong tổng số 2.590 ha đất sản xuất, giờ chuyển hết sang trồng hoa trái, nuôi thủy sản nhằm phát huy lợi thế đất bãi bồi của địa phương… Thực tế, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế lúc đầu không dễ dàng, cũng vấp phải ý kiến phản đối của bà con. Nhưng nhờ vận động, thuyết phục và sự kiên quyết xây dựng xã chuyên canh cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản cho nên đến nay, Bình Thạnh đã thực hiện xong quy hoạch và phát triển sản xuất, hướng dẫn, vận động nhân dân tham gia, gắn với xây dựng nông thôn mới…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()