Những trang trại nhỏ ở vùng đồi núi Ninh Bình
Phát triển kinh tế miền núi là chiến lược trước mắt và lâu dài của đất nước ta, trong đó các trang trại nhỏ do hộ gia đình quản lý sẽ giải quyết được thế chủ động trong canh tác và chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế miền núi. Đây cũng chính là bài học được rút ra từ những trang trại nhỏ ở vùng đồi núi Ninh Bình.
Đổi thay ở Bản Lóng
Từ thị trấn Gia Viễn về huyện lỵ Nho Quan chỉ 12 km nhưng lại phải qua hai cái cầu: Cầu Đế và cầu Nho Quan. Khi đến Cầu Đế, một nhánh của sông Hoàng Long, tàu thuyền ngược đi Chi Nê (Hòa Bình) chở đầy gạo, muối, nước mắm, vật liệu xây dựng,… tàu thuyền xuôi Ninh Bình, Phủ Lý chở đầy lâm sản: gỗ, măng, chuối, dứa, mộc nhĩ…
Từ thị trấn miền núi Nho Quan, xe chúng tôi vất vả lắm mới đến được trụ sở UBND xã Thạch Bình. Một xã có chiều dài đến 17 km và chiều rộng có nơi đến 5 km. Riêng ba thôn vùng cao của xã là: Quảng Mào, Đầm Rừng, Bãi Lóng dài cũng phải đến 4 km và rộng đến 3 km và ba mặt bắc, tây, đông đều tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình. Hầu hết dân cư ở đây đều là người dân tộc Mường. Thật khó tưởng tượng chỉ cách đây khoảng hơn mười năm thôi, hầu như ở đây chỉ toàn hộ nghèo, có đến 80% số hộ thiếu ăn đến bảy tháng trong năm và 20% số hộ đói quanh năm.
Tôi tẩn mẩn hỏi bà con: Tại sao thôn lại có tên là bản Bãi Lóng vì rõ ràng đây là vùng rừng, làm gì có sông mà có bờ, có bãi. Cụ Quách Đình Niên, một người già trong bản giải thích: “Đây trước kia là bãi chuối rừng, quanh năm ngày tháng dân ở đây làm gì có gạo ăn, chủ yếu là sắn, khoai cùng củ mài, củ nâu. Rất nhiều người lúc đói quá không có gì ăn phải chặt cây chuối rừng, lấy ruột ăn sống hoặc nấu ăn. Và ngay cả bây giờ, nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, nhất là nạn mê tín dị đoan: người chết ít nhất để trong nhà ba ngày, ma chay rất nặng nề, ốm đau hầu như không dùng thuốc mà chủ yếu chỉ dựa vào thầy cúng và gần như 100% số dân ở đây đều mù chữ.
Sở dĩ trước kia sản xuất không phát triển là do cơ chế hợp tác xã cũ. Bây giờ khoán rồi, người nông dân chủ động sản xuất trên một số ruộng đất khoán của họ. Nếu như trước đây họ chỉ quen cấy các giống lúa cũ, năng suất thấp, có lúc chỉ đạt từ 30 đến 50 kg/sào, thì nay đã có: ải mai hương, thất quế tảo, ải 32, hòa thạch, chiêm đen…, năng suất nhiều thửa đạt từ hai đến ba tạ/sào/vụ, bình quân đạt 160 kg/sào/vụ. Lạc giống Tr203 đã đạt mức kỷ lục 100 kg/sào/vụ, đậu xanh giống 044 của Đài Loan (Trung Quốc) đạt từ 50 đến 60 kg/sào/vụ. Vụ mùa vừa qua, nhiều gia đình thắng lớn vừa lúa, vừa lạc.
Những triệu phú của bản
Với 100 hộ dân và hơn1.000 dân, riêng đất canh tác hơn 200 ha, là thế mạnh của ba bản vùng cao này. Giờ đây cả ba bản vùng cao đã có đến 50% số hộ khá giả, 30% số hộ trung bình, chỉ còn lại 20% số hộ nghèo và không còn hộ đói.
5 năm trở lại đây, dựa vào thế đất rộng, Thạch Bình nói chung và ba bản vùng cao nói riêng đang phát triển khá mạnh việc xây dựng các trang trại nhỏ. Các hộ gia đình nhận một số diện tích đồi gò nhất định: Có thể là cả một quả đồi, hoặc nửa quả đồi, hay là cả một vùng thung lũng giữa hai quả đồi để trồng cây lấy gỗ, chủ yếu là bạch đàn, keo tai tượng và trồng cây ăn quả, đồng thời kết hợp với chăn nuôi. Thí dụ: trang trại của anh Lưu Văn Chênh, thương binh hạng 2/4, rộng 12 ha, anh trồng hơn 10 nghìn cây lấy gỗ, một ha nhãn 200 cây, còn cả một rừng na, chuối. Đồng thời, anh nuôi chín con bò, 48 con dê nái, chưa kể gà, bồ câu, lợn…
Thu nhập từ các trang trại nhỏ đang từng ngày được nhân lên, hiện nay, thu nhập của các gia đình đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nhưng khoảng mười năm nữa, với số lượng hàng nghìn cây lấy gỗ, mỗi hộ đến độ thu hoạch với giá mỗi cây khoảng 100 nghìn đồng thì tài sản của các hộ gia đình sẽ là rất lớn.
Do việc trồng rừng và các trang trại đồi gò phát triển tốt, cho nên dự án trồng rừng, trang trại của Hoàng gia Thái-lan đã góp phần hỗ trợ cho Thạch Bình phát triển. Tổ chức này cũng đã góp kinh phí để xây dựng cho xã một trường THCS, giúp cho ba bản vùng cao xây dựng sáu phòng học để các cháu lớp 1, 2, 3 được học tại bản, chỉ đến lớp 4, lớp 5 mới về học tại trường tiểu học.
Rõ ràng là việc phát triển sản xuất và trang trại đồi gò đã làm cho đời sống của bà con các dân tộc ở đây có sự tiến bộ rõ rệt. Các hộ dân đang dần thoát đói nghèo và từng bước trở nên giàu có.
Mô hình sản xuất thì đã ổn định, tuy nhiên Thạch Bình lại gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Do giao thông đi lại khó khăn, cho nên việc vận chuyển hàng hóa đến nơi có nhu cầu đang là trở ngại lớn, vì vậy giá cả ở đây không tương xứng giá trị và công sức người nông dân đã bỏ ra. Thí dụ: Lạc nhân chỉ 5.000 đồng/kg, nhãn giữa vụ chỉ 5.000-7.000 đồng/kg, dê thịt chỉ 8.000 đồng/kg…, trong khi tại những nơi có nhu cầu thì giá thường cao gấp từ hai đến ba lần, điều này ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả sản xuất. Hơn nữa, hiện nay 11 trong số 14 thôn của xã Thạch Bình đã có điện, nhưng ba bản vùng cao vẫn chưa có.
Vì vậy, cùng với những chuyển động tích cực trong sản xuất, song cũng bồn chồn, suy nghĩ về những cái chưa làm được, nhất là về văn hóa-xã hội của vùng cao, nếu được giải quyết thấu đáo, chắc chắn không chỉ thúc đẩy kinh tế miền núi phát triển, mà an ninh – quốc phòng cũng được giữ vững.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()