Những trang sách theo cùng năm tháng
Dịch giả, nhà thơ Hoàng Thúy Toàn giới thiệu các tác phẩm văn học Xô-viết.
Giữa vô vàn những ấn bản đặc biệt, những bản sách chất lượng cao được các nhà xuất bản, công ty sách tung ra trong thời gian gần đây, sách văn học Liên Xô trước đây, nhất là các cuốn sách cũ của Nhà xuất bản Cầu Vồng, Nhà xuất bản Tiến Bộ vẫn giành được nhiều tình cảm của bạn đọc bởi chúng gắn bó, nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ nhiều thế hệ. Đây cũng là những bản sách có giá trị đang được những người yêu mến văn học Xô-viết và các nhà sưu tập ở Việt Nam tìm kiếm, sưu tầm.
Các giá trị nhân văn bền vững
Với những ai từng công tác, làm việc tại Liên Xô trước đây và Liên bang Nga bây giờ, kỷ niệm, ký ức về đất nước, con người của thời đó đã và sẽ luôn là một phần cuộc sống của họ. Còn đối với thế hệ trẻ hơn, lứa 7X, 8X chúng tôi, Liên Xô chỉ hiển hiện qua phim ảnh, họa báo và nhất là sách văn học. Trong những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tôi vẫn nhớ mẹ từng mua cho tôi nhiều cuốn sách bìa cứng của Nhà xuất bản Cầu Vồng như: Bác sĩ Ai-bô-lít, Kiến và chim bồ câu, Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kỳ của Bu-ra-ti-nô, Ông già Khốt-ta-bít, Cánh buồm đỏ thắm, Thuyền trưởng đơn vị… ở một hiệu sách trên phố Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội). Đối với tôi và chắc cũng là của nhiều bạn cùng trang lứa, điều hấp dẫn duy nhất mỗi khi được bố, mẹ chở đi chơi là được dừng lại ở hiệu sách đó và nài nỉ bố, mẹ mua cho một cuốn sách mới. Đó có thể là một cuốn sách của Nhà xuất bản Kim Đồng hay Nhà xuất bản Văn học, nhưng những cuốn sách mà tôi ấn tượng hơn cả là sách của Nhà xuất bản Cầu Vồng (Raduga) và Nhà xuất bản Tiến Bộ (Progoti). Sở dĩ như vậy vì trẻ con thì đứa nào cũng thích những bìa sách rực rỡ, nhiều minh họa đẹp và chữ rõ ràng. Sau này, tôi mới biết cả hai nhà xuất bản này đều thuộc Nhà xuất bản Ngoại Văn Moscow chuyên dịch các tác phẩm của Liên Xô sang nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, trong đó có tiếng Việt, để mọi người từ các nước biết hơn về đất nước, con người Liên Xô.
Ở Việt Nam, những cuốn sách của Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tiến Bộ đều chủ yếu nói về văn hóa, con người Liên Xô qua nhiều thế hệ. Hồi nhỏ, thế giới của mụ phù thủy Ba-ba Y-a-ga, chàng ngốc I-van, nàng công chúa Va-xi-li-a, những câu chuyện cổ tích thu hút không chỉ thế hệ 7X của chúng tôi mà còn nhiều thế hệ sau này nữa đều yêu thích. Và như đã nêu trên, điều tuyệt vời nhất trong những cuốn sách được in, phát hành thời Liên Xô là hình ảnh minh họa đẹp, giúp chúng tôi có thể thỏa sức tưởng tượng nhiều điều thú vị về thế giới chung quanh.
Lớn lên, chúng tôi được biết đến nhiều hơn, rộng hơn về văn học Liên Xô qua những tác phẩm của M.Goóc-ki, L.Tôn-xtôi, A.Pu-xkin, Ph.Đốt-tôi-ép-xki, A.Sê-khốp, M.Xô-lô-khốp, C.Pau-tốp-xki, I.Tuốc-ghê-nhép… trên ghế nhà trường và từ chính những tủ sách của gia đình. Đó là giai đoạn mà ai cũng đọc, cũng say mê văn học Xô-viết, rồi sưu tầm, giữ gìn. Nhờ thói quen đọc sách, mua sách từ bố, mẹ tôi mà tôi đã có cơ hội tiếp cận với những tác phẩm văn học như vậy, trước khi tôi ý thức được rằng, tôi cũng phải xây dựng một tủ sách cho riêng mình, cho con mình, nhất là ở thời điểm hội nhập quốc tế sâu rộng đã giúp các nhà xuất bản, các công ty sách nước ta có thể dễ dàng mua bản quyền dịch sách của các nước trên thế giới. Dĩ nhiên, bên cạnh mảng sách của văn học Mỹ, Anh, Pháp, Đức hay Nhật Bản, Trung Quốc… không thể thiếu văn học Xô-viết và bây giờ là văn học Nga. Cũng vì thế mà những cuốn sách được in tại Liên Xô trước đây đã được bạn đọc, giới sưu tầm tìm mua, khi chúng ngày càng trở nên hiếm hơn, nếu không muốn nói là gần như tuyệt bản. Do vậy, trong khoảng vài trăm đầu sách in bằng tiếng Việt của Nhà xuất bản Cầu Vồng, Nhà xuất bản Tiến Bộ hay Nhà xuất bản Mir được cho đã từng phát hành tại Việt Nam, không ai trong các nhà sưu tập có thể khẳng định họ có đủ bộ.
Theo anh Nguyễn Thành Vân, một người yêu thích văn học Nga, thỉnh thoảng anh vẫn tìm được một vài cuốn sách tiếng Việt của Nhà xuất bản Cầu Vồng hoặc của Nhà xuất bản Tiến Bộ hay Nhà xuất bản Mir chưa từng thấy trước đây. Điều này có thể được giải thích là chưa ai trong các nhà sưu tập sách Liên Xô có được một danh sách đầy đủ những tác phẩm in bằng tiếng Việt của các nhà xuất bản nêu trên. Tuy bây giờ in-tơ-nét và mạng xã hội phát triển, song nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn thông tin về các ấn phẩm và lịch sử của các nhà xuất bản thời Liên Xô của bạn đọc vẫn không đầy đủ và chính xác. Đã có một số website, fanpage mà bạn yêu sách Liên Xô lập nên, chẳng hạn như trang Sách cũ Liên Xô – Soviet bookstrên Facebook, nhưng phần lớn thông tin mà trang cung cấp cho các thành viên chỉ là danh sách những cuốn sách đã xuất bản của Nhà xuất bản Cầu Vồng, Nhà xuất bản Tiến Bộ hay Nhà xuất bản Mir, những bìa sách và minh họa bên trong, những bình luận hay những kỷ niệm của mỗi người với cuốn sách. Nhiều nhà sưu tập sách Liên Xô cũ cho biết, trước đây, các Nhà xuất bản như Ngoại Văn Moscow được thành lập để in những tác phẩm dành cho bạn đọc ngoài Liên Xô. Họ xuất bản ở nhiều lĩnh vực nhưng tập trung vào mảng chính trị và văn học, rồi sau này Nhà xuất bản Ngoại Văn Moscow trở thành Nhà xuất bản Tiến Bộ. Đến những năm 1970 hay 1980, Nhà xuất bản Cầu Vồng được thành lập để xuất bản sách văn học và cùng thời gian này, Nhà xuất bản Mir tiếp quản mảng sách khoa học, kỹ thuật của Nhà xuất bản Tiến Bộ. Đó là còn chưa kể đến Nhà xuất bản Thông tấn Novosti chuyên về sách khổ nhỏ, chủ yếu có nội dung chính trị, thời sự. Chính vì vậy, các thể loại sách của các nhà xuất bản và ấn phẩm tiếng Việt khá đa dạng, nhiều khi dễ gây lẫn lộn.
Thế mới thấy, việc các nhà sưu tập sách và những người yêu thích văn học Xô-viết bỏ công sức, thời gian và tiền bạc để tìm kiếm những cuốn sách tiếng Việt được in tại Liên Xô quả không dễ dàng nếu không vì tình yêu với sách, với nước Nga và các dân tộc anh em. Và càng khâm phục, trân trọng biết bao trước 2.145 thành viên của trang Sách cũ Liên Xô – Soviet bookshiện nay đã và đang gìn giữ, bảo quản những cuốn sách như vậy. Thậm chí, có những người mua đến hai hay ba quyển cùng một nội dung để có thể trao đổi sách với người khác hoặc dành tặng cho một người bạn mà họ yêu quý. Qua họ, chúng ta mới có thể hiểu rõ và biết được rằng, Liên Xô trước đây và nước Nga bây giờ đã hỗ trợ Việt Nam nhiều đến vậy ở mảng sách văn học. Còn về nội dung thì không có gì phải bàn cãi bởi những cuốn sách mà Liên Xô in cho chúng ta đều cung cấp nhiều tri thức, có tính giáo dục cao và đây là một lý do nữa giải thích vì sao cho đến thời nay, các tác phẩm như: Bác sĩ Ai-bô-lít, Kiến và chim bồ câu, Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kỳ của Bu-ra-ti-nô, Ông già Khốt-ta-bít, Cánh buồm đỏ thắm, Thuyền trưởng đơn vị… vẫn luôn được các bậc cha mẹ tìm mua. Và nếu không phải là sách in tại Liên Xô thì họ cũng sẵn sàng mua những ấn bản được các nhà xuất bản trong nước in lại.
Cả đời gắn bó văn học Xô-viết
So với nhiều thành viên của trang Sách cũ Liên Xô – Soviet books, dịch giả, nhà thơ Hoàng Thúy Toàn có thể không có một bộ sưu tập chuyên về những cuốn sách in bằng tiếng Việt của Nhà xuất bản Cầu Vồng hay Nhà xuất bản Tiến Bộ nhưng ông lại là người chuyên dịch về văn học Xô-viết, cũng như sưu tầm tài liệu nói về mối quan hệ giữa văn học Xô-viết với văn học Việt Nam một cách toàn diện, bài bản nhất. Thậm chí, ông đã xây dựng hẳn một bảo tàng hay đúng hơn là một nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam. Nơi đây không chỉ trưng bày những tư liệu, sách báo, bản thảo, thư từ, kỷ vật của ông trong công việc dịch thuật, trao đổi văn hóa liên quan văn học Xô-viết mà còn tất cả những gì liên quan giữa văn học Việt Nam và văn học Xô-viết trước đây và văn học Nga ngày nay.
Hiện tại, Nhà lưu niệm Văn học Nga của dịch giả, nhà thơ Hoàng Thúy Toàn ở tại phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh quê hương ông. Tôi đã nghĩ ngay đến ông khi có ý định tìm hiểu về văn học Xô-viết nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là ở tuổi 82, ông vẫn có thể đi xe máy từ nhà đến Bến xe Long Biên, rồi lên xe buýt dẫn tôi từ Hà Nội về Phù Lưu chỉ để giới thiệu nhà lưu niệm. Dịch giả Thúy Toàn nói rằng, tham quan nhà lưu niệm thì dễ thôi nhưng để hiểu nội dung từng bức ảnh, từng bài báo, xuất xứ của từng cuốn sách, vật lưu niệm thì cần có ông giải thích mới rõ ràng. Quả thực, không có ông, tôi đâu biết chủ đề trưng bày của tầng 1 là “Những trang tình nghĩa” với các nội dung: “Bác Hồ với nước Nga”, “Đề tài nước Nga trong văn học Việt Nam” và “Đề tài Việt Nam trong sáng tác của các tác giả Nga”; tầng 2 là “Văn học Nga ở Việt Nam”… Cũng qua ông, tôi mới hiểu những trang viết của báo chí Xô-viết viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tác phẩm của Người được dịch sang tiếng Nga từ những năm 1950 đến nay và mới biết được văn học Xô-viết xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam là khi nào.
Ấn tượng không kém là dịch giả Thúy Toàn có cả những bộ sưu tập về văn học Nga qua các con tem, qua những chiếc huy hiệu, qua những đồng tiền kỷ niệm và qua những cuốn sách mi-ni mà ông đã dày công sưu tầm từ quãng thời gian học ở Liên Xô những năm 1960 cho đến sau này.
Với một người đã dành hết cả cuộc đời cho công việc dịch thuật, giới thiệu văn học Xô-viết, văn học Nga cho bạn đọc Việt Nam và ngược lại, giới thiệu văn học Việt Nam cho công chúng Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay, những gì trưng bày trong hai tầng nhà lưu niệm từ tháng 5-2015 đến nay chưa đủ nói hết quy mô đồ sộ của số tư liệu, sách báo mà dịch giả Thúy Toàn đã lưu giữ 60 năm qua. Bởi ông vẫn đi đi về về giữa ngôi nhà nhỏ trên đường Đội Cấn (Hà Nội) và Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh) hằng tuần, nếu không để gặp gỡ bạn yêu sách, đồng nghiệp thì cũng để mang từng cuốn sách mới có, cũ có về cất giữ trong kho. Tôi đã hiểu rằng, dù không nói ra, ông rất muốn xây dựng một nhà lưu niệm lớn hơn trên chính mảnh đất hương hỏa của gia đình ở số 84 phố Phù Lưu, thay vì vẫn đang phải mượn căn nhà của địa phương cách đó không xa, không phải dành riêng cho bản thân ông mà cho quê hương, để đưa nơi đây thành một địa chỉ văn hóa cho những ai yêu thích văn hóa Nga, văn học Nga, tiếp nối truyền thống quê hương, nơi đã sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, văn học nổi tiếng của đất nước.
Hiện nay, dịch giả Hoàng Thúy Toàn vẫn ấp ủ dự án đưa văn học Nga đến với bạn đọc nhiều hơn sau khi sự hợp tác giữa Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga với Nhà xuất bản Lokid Premium của Nga từ năm 2012 bị ngưng lại gần đây. Cũng dễ hiểu bởi giữa vô vàn những bản dịch của văn học Anh, Mỹ, Pháp hay châu Âu, châu Á, ông luôn mong muốn văn học Nga sẽ có một chỗ đứng trong lòng bạn yêu sách Việt Nam vì những giá trị nhân văn bền vững, vì tình yêu và tâm huyết mà ông cũng như bạn bè đã dành cho Liên Xô trước đây và nước Nga, con người Nga ngày nay.
Ý kiến ()