Những trận đánh khủng khiếp được ví như “cối xay thịt” của Hồng quân Liên Xô
Một số trận đánh của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại trở thành những “chiếc cối xay thịt” đúng nghĩa. Trong những thời điểm chiến đấu ác liệt nhất giữa Hồng quân và quân đội Đức Quốc xã, số binh sĩ tử trận tăng lên nhanh chóng.
Sau khi tính toán tỷ lệ tổn thất sinh mạng trên tổng số binh sĩ tham gia một trận đánh, có thể đưa ra được mức tử vong gần bằng trong các trận chiến. Đây là những trường hợp chết trận, chết do bệnh tật hoặc do đói rét, cũng như những trường hợp mất tích. Đáng chú ý, số người chết là một trong những vấn đề gây tranh luận nhiều nhất trong suốt cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Khi các nguồn của Liên Xô và Nga không có số liệu cụ thể về tổn thất sinh mạng, thì phải lấy những con số do các nhà sử học phía Đức đưa ra.
Trận đánh bảo vệ Moskva
Trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trận đánh bảo vệ Moskva là khủng khiếp nhất. Theo một số nguồn tin, Hồng quân Liên Xô đã tổn thất tại đây gần 50,12% tổng số binh sĩ tham gia trận đánh. Ước tính, các lực lượng của Hồng quân Liên Xô hợp lại từ ba mặt trận trên đường tiến vào Moskva gồm có 1.250.000 binh sĩ, trong đó 626.519 người hy sinh và mất tích.
Các chiến sĩ Sư đoàn bộ binh cơ giới Cận vệ số 1 Moskva tấn công kẻ địch trong trận đánh bảo vệ thủ đô Moskva. Nguồn: warspro.ru |
Tổn thất của quân Đức trên đường tiến vào thủ đô của Liên Xô cũng là một trong những tổn thất lớn nhất trong cả cuộc chiến tranh. Tính đến tháng 11-1941, Cụm Tập đoàn quân “Trung tâm” có 1.929.406 binh lính và sĩ quan; tổn thất sinh mạng là gần 460.000 người, chiếm 23,8%. Đánh giá về kết quả trận đánh, Tư lệnh Tập đoàn quân xe tăng số 2 của Đức Quốc xã Heinz Guderian về sau nhận định rằng, “sức lực và tinh thần” của các binh sĩ đơn vị ông ta “đã bị sa sút” ngay trong trận tiến đánh Moskva.
Trận Stalingrad
Trận đánh trên sông Volga đã trở thành thảm kịch lớn cho nhân dân cả hai nước Liên Xô và Đức, khi bị cuốn vào cuộc chiến. Những con số chính xác về tổn thất tại Stalingrad và những vùng giáp ranh có thể chưa hẳn sẽ được công bố vào một lúc nào đó. Tuy nhiên, theo những số liệu hiện có, trong số 1.140.000 binh sĩ tham gia trận đánh, thì có 478.741 người hy sinh, tức là tỷ lệ tử vong lên tới 41,99%.
Đối với quân Đức, trận Stalingrad cũng không phải là “cuộc dạo chơi dễ dàng”. Gần 300.000 binh lính và sĩ quan quân đội Đức Quốc xã đã không thể sống sót trở về sau trận đánh. Tham gia trận này có tổng cộng 987.300 quân của trùm phát xít Hitler. Như vậy, tỷ lệ tử vong của quân Đức trong trận Stalingrad chiếm gần 1/3.
Ngoài ra, còn có những đánh giá khác. Chẳng hạn, nhà sử học theo chủ nghĩa xét lại Boris Sokolov cho rằng, chính quyền Xô viết đã cố tình hạ mức tổn thất sinh mạng xuống ít hơn 3 lần.
“Có thể, con số hơn 2 triệu binh sĩ Liên Xô chết và mất tích trong trận Stalingrad diễn ra từ ngày 17-7-1942 đến 2-2-1943 là gần với thực tế hơn so với số liệu chính thức”, ông Boris Sokolov khẳng định. Nhà nghiên cứu này còn cho rằng, 100.000 dân thường thành phố Stalingrad đã chết vì bom đạn và đói khát.
Chiến dịch Berlin
Vào cuối cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã diễn ra trận đánh giành Berlin. Trong khi tấn công vào thủ đô của nước Đức, Hồng quân Liên Xô đã chịu tổn thất không lớn, với 78.291 người hy sinh, chiếm 3,3% tổng số binh sĩ tham gia chiến dịch (2.350.000 người). Trong khi đó, quân Đức đã phải chịu thất bại thảm hại. Các nhà sử học Liên Xô cho biết, có 1 triệu binh sĩ Đức đã tham gia phòng thủ Berlin, trong đó 400.000 binh sĩ tử trận, tức là tỷ lệ tử vong chiếm 40%.
Báo cáo của Bộ Tư lệnh Liên Xô cho biết, số quân Đức bị tiêu diệt là nhiều nhất. Theo đó, từ ngày 16-4 đến 13-5-1945, quân đội Xô viết trên Mặt trận số 1 Belarus đã tiêu diệt 232.726 binh lính của kẻ địch.
Trận chiến giành Berlin đã được Sách Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là trận đánh lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Trận vòng cung Kursk
Trận đánh đẫm máu tại vòng cung Kursk diễn ra vào mùa hè năm 1943 thực tế đã cướp đi sinh mạng của 1/5 binh lính Hồng quân Liên Xô tại đây. Bộ Tư lệnh Liên Xô đã tập trung tại địa điểm này 1.300.000 quân, còn Đức Quốc xã có 900.000 quân. Tổn thất sinh mạng về phía Liên Xô là 254.470 người (chiếm 19,57%), trong khi phía Đức là 103.600 lính tử trận (chiếm 11,51%).
Trận vòng cung Kursk đã đánh dấu bước ngoặt căn bản trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Sau trận chiến lịch sử này, những tổn thất của Hồng quân Liên Xô trong các trận đánh lớn khác là không vượt quá tổn thất của quân Đức Quốc xã.
Ý kiến ()