Những toan tính đẩy đàm phán hạt nhân với I-ran vào bế tắc
Cơ sở hạt nhân I-xpha-han của I-ran. Ảnh AFP Kể từ tháng 4 đến nay, các cuộc đàm phán giữa I-ran và nhóm P5 1 về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran đã không thể đưa ra thỏa thuận. Các bên buộc phải hạ cấp bằng cuộc gặp giữa các chuyên gia tại Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 7 vừa qua. Một trong những lý do khiến các cuộc đàm phán lâm vào bế tắc là sự toan tính của mỗi bên liên quan vấn đề hạt nhân của I-ran.Chương trình hạt nhân của I-ran đã bị các cường quốc đặt nhiều nghi vấn từ hơn mười năm nay. Cáo buộc I-ran sử dụng chương trình này vào mục đích quân sự với tham vọng sản xuất vũ khí hạt nhân, phương Tây đã liên tục gây sức ép đòi I-ran từ bỏ chương trình làm giàu u-ra-ni. Tuy nhiên, Tê-hê-ran luôn khẳng định quyền sở hữu công nghệ hạt nhân và sử dụng chương trình hạt nhân vào mục đích hòa bình. Các cuộc đàm phán giữa I-ran với các cường quốc đã được tiến hành nhiều năm qua, song vẫn "giậm chân tại chỗ" bởi những mục đích...
Cơ sở hạt nhân I-xpha-han của I-ran. Ảnh AFP |
Chương trình hạt nhân của I-ran đã bị các cường quốc đặt nhiều nghi vấn từ hơn mười năm nay. Cáo buộc I-ran sử dụng chương trình này vào mục đích quân sự với tham vọng sản xuất vũ khí hạt nhân, phương Tây đã liên tục gây sức ép đòi I-ran từ bỏ chương trình làm giàu u-ra-ni. Tuy nhiên, Tê-hê-ran luôn khẳng định quyền sở hữu công nghệ hạt nhân và sử dụng chương trình hạt nhân vào mục đích hòa bình. Các cuộc đàm phán giữa I-ran với các cường quốc đã được tiến hành nhiều năm qua, song vẫn “giậm chân tại chỗ” bởi những mục đích và toan tính riêng của mỗi bên. Ở châu Âu, nhóm đàm phán với I-ran được gọi là E3 3 (gồm ba nước châu Âu là Anh, Pháp, Đức với Mỹ, Nga, Trung Quốc). Những nước còn lại gọi nhóm đàm phán này là P5 1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc- năm nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ với Đức). Thực chất, hai nhóm này là một, song ngay cách gọi thể hiện những mục đích riêng nhằm nhấn mạnh vai trò và vị thế của các nhà đàm phán. Trong nhóm này, các nước châu Âu được coi là chiếc cầu nối giữa đường lối cứng rắn hơn của Mỹ với những nước có quan điểm mềm dẻo hơn là Nga và Trung Quốc, hai nước vẫn được cho là có nhiều lợi ích ở I-ran, quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu dầu mỏ trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của I-ran tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3-7 vừa qua đã bị hạ từ cấp quan chức ngoại giao cao cấp xuống cấp chuyên gia kỹ thuật. Theo các nhà phân tích, việc các bên tổ chức cuộc gặp cấp chuyên gia là thừa nhận “sự thất bại” ở phạm vi rộng hơn. Bởi, vấn đề hạt nhân của I-ran chưa bao giờ là vấn đề của các chuyên gia. Từ đầu cho đến khi chương trình hạt nhân của I-ran thu hút sự quan tâm của quốc tế mười năm trước đây, vấn đề này mang tính chính trị và đòi hỏi một giải pháp chính trị. Hội đồng Bảo an LHQ đã nhiều lần thông qua các biện pháp trừng phạt I-ran nhằm gây sức ép buộc nước này phải từ bỏ chương trình làm giàu u-ra-ni, song vẫn không thể thay đổi tình hình.
Đối với Mỹ, nước đơn phương áp đặt các lệnh cấm vận I-ran, coi các “đòn” trừng phạt là biện pháp tạm thời nhằm tránh khả năng phải xảy ra một cuộc chiến với I-ran. Trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà trắng ở giai đoạn quan trọng, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma không muốn đẩy tình hình I-ran lên đỉnh điểm. Sa lầy ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, nền kinh tế Mỹ đối mặt nhiều khó khăn, lựa chọn cuộc chiến tranh mới sẽ không phải là thời điểm thích hợp đối với Lầu năm góc. Hơn nữa, áp đặt các lệnh trừng phạt còn giúp Mỹ điều chỉnh các mối quan hệ phục vụ lợi ích riêng. Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, các công ty giao dịch tài chính với Ngân hàng trung ương I-ran sẽ không có quyền tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ. Lệnh trừng phạt này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các nước nhập khẩu dầu mỏ I-ran. Bởi vậy, các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Oa-sinh-tơn vấp phải sự phản đối từ những nước đó. Sự phụ thuộc của nhiều nước vào nguồn dầu mỏ I-ran buộc Mỹ phải có một số ngoại lệ với danh sách dài khoảng 20 nước được miễn trừ trừng phạt do nhập khẩu dầu mỏ của I-ran. Trước sự điều chỉnh này, nhà phân tích độc lập S.Ga-ri tại Ca-li-pho-ni-a (Mỹ) cho rằng, luật pháp Mỹ đã tạo cho nước này khả năng thực hiện quyền tối thượng đối với các nước trên thế giới, phục vụ những lợi ích riêng của Mỹ. Theo nhà phân tích này, I-ran không phải là mối đe dọa đối với thế giới như phương Tây vẫn thổi phồng, mà những mối đe dọa chính từ phía Mỹ, đó là hành động can dự vào lĩnh vực thương mại tự do giữa các nước độc lập, gây mất ổn định nền thương mại toàn cầu. Đây cũng là lý do Trung Quốc và Nga đã phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ chống I-ran.
Liên hiệp châu Âu (EU) lần đầu thông qua lệnh cấm vận đối với ngành dầu mỏ I-ran hồi tháng 1 và lần tiếp theo hôm 25-6. Theo đó, các thành viên EU sẽ bị cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm hóa dầu của I-ran. Các công ty của EU hiện bảo hiểm cho 90% số tàu chở dầu trên thế giới, cũng sẽ ngừng cung cấp bảo hiểm cho các tàu chở dầu của I-ran đến bất kỳ nước nào trên thế giới. Tuy nhiên, nhằm cho phép các nước thành viên EU tìm nguồn cung mới thay thế lượng dầu nhập khẩu từ I-ran, lệnh trừng phạt của EU đối với ngành dầu mỏ I-ran đến ngày 1-7 vừa qua mới có hiệu lực. Việc hoãn thực thi trong nửa năm cho thấy EU lo ngại nguy cơ các nước châu Âu phải đối mặt giá dầu tăng cao. Điều này có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề trong các thị trường tài chính và làm tồi tệ hơn các nền kinh tế châu Âu vốn đang ngập trong núi nợ. Hy Lạp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha là những nước nhập khẩu dầu mỏ từ I-ran lớn nhất trong EU. Trong bối cảnh nền kinh tế các nước này lún sâu trong cuộc khủng hoảng nợ, cấm vận dầu mỏ của EU đối với I-ran sẽ ảnh hưởng nguồn cung dầu mỏ của các nước này và có thể gây khủng hoảng năng lượng.
Việc phương Tây thực hiện trừng phạt I-ran đã lộ rõ những toan tính của họ. Trong khi đó, chấm dứt cấm vận lại là một điều kiện cơ bản của I-ran trong các cuộc đàm phán. Bởi vậy, không có gì bất ngờ khi các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của I-ran thất bại. Bộ Ngoại giao I-ran cáo buộc, phương Tây muốn kéo dài các cuộc đàm phán vì thực chất họ muốn “câu giờ” bởi những lợi ích liên quan. Sự nhùng nhằng trong đàm phán giữa các bên đã được nhiều nhà phân tích mổ xẻ với nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, những diễn biến hiện nay cho thấy, vấn đề hạt nhân của I-ran vẫn sẽ được Mỹ và EU đưa ra để mặc cả nhằm phục vụ những tính toán riêng của họ đối với quốc gia giàu dầu mỏ và có vị trí chiến lược ở vùng Vịnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()