Những "toa tàu" bắt đầu chuyển động
Sau "làn sóng" chuyển nhượng sân bay, cảng biển, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư mua quyền khai thác các dự án hạ tầng đường sắt, chủ yếu là nhượng quyền kinh doanh kho bãi, dịch vụ logistics. Những động thái này cho thấy, những "toa tàu" đã bắt đầu chuyển động, ở một ngành vốn nổi tiếng trì trệ, tưởng chừng không bao giờ thay đổi...
Càng khó khăn, càng quyết tâm
Mới đây, Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng đã dành thời gian gặp gỡ bảy nhà đầu tư quan tâm đến các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực đường sắt, trong đó có Tập đoàn Vingroup, Công ty giao nhận và vận chuyển Indo Tran Logistics (ITL), Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Ðằng… Họ đến để tìm cơ hội nhận chuyển quyền khai thác hạ tầng đường sắt, vốn lâu nay ít được các nhà đầu tư mặn mà. Các dự án thuộc thẩm quyền, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (ÐSVN) hoàn toàn có thể chủ động liên kết với các đơn vị ngoài ngành để đầu tư trong khuôn khổ pháp luật. Một số phần việc có thể làm ngay và cũng không cần nhiều thủ tục. Tổng công ty sẽ tiến hành bán quyền khai thác tại một số nhà ga, chủ yếu để phục vụ mục đích logistics là chính, được gọi là cho thuê kết cấu hạ tầng có điều kiện.
Theo quan điểm của Bộ trưởng Ðinh La Thăng, hạ tầng GTVT phải đi trước mở đường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và ngành nghề khác… Vì thế, phải hiện đại hóa đường sắt hiện có, nâng tốc độ tàu, chuẩn bị các điều kiện xây dựng tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, ưu tiên một số tuyến đường sắt trọng điểm,… Ðảng, Chính phủ đã có chủ trương, hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ là những điều kiện tốt để hướng tới xã hội hóa phát triển hạ tầng đồng bộ. Ðường sắt còn khó khăn, nhưng càng khó khăn càng phải quyết tâm. Giờ đã có chủ trương, luật cũng đã rất mở cho phép chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng đường sắt. Làm quyết liệt nhưng phải trên cơ sở đúng chủ trương và tuân thủ pháp luật. Nếu cần thiết, có thể đề xuất thí điểm để người dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm, không thể để chỉ một DN quản lý kinh doanh đường sắt. Phải tạo ra cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải đường sắt, cũng như giữa đường sắt với các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không.
Chủ tịch Hội đồng thành viên ÐSVN Trần Ngọc Thành khẳng định, tổng công ty đã rà soát toàn bộ công lệnh tốc độ trên các tuyến sao cho hợp lý nhất để đạt mục tiêu rút ngắn hành trình chạy tàu. Dự kiến, tuyến Hà Nội – Lào Cai sẽ rút từ 7,5 giờ xuống còn 5 giờ; tuyến Sài Gòn – Nha Trang từ khoảng 4,5 giờ xuống dưới 4 giờ; tuyến Ðồng Ðăng từ 7 giờ còn 5 giờ. Bộ GTVT đã chỉ đạo ÐSVN tập trung đến hết quý II thực hiện xã hội hóa một loạt dự án như ga Yên Viên, Ðồng Ðăng, Sóng Thần. Ngoài ra, nghiên cứu khai thác trở lại tuyến Ðà Lạt – Trại Mát đang để không rất lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực logistics,…
Gỡ vướng cơ chế
Tổng công ty ÐSVN đã đưa ra những căn cứ pháp lý để cho thuê đầu tư hệ thống kho, bãi hàng thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt; điều kiện hợp tác đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống nhà kho, bãi hàng tại các khu ga. Các nhà đầu tư chỉ được đầu tư các hạng mục công trình phục vụ cho vận tải hàng hóa bằng đường sắt và được thu dịch vụ trên cơ sở khung giá Nhà nước và ÐSVN chấp thuận; Tổng công ty thực hiện các tác nghiệp đường sắt, tổ chức điều hành chạy tàu. Trước mắt sẽ thí điểm đối với kho, bãi tại các ga Yên Viên, Sóng Thần và Ðồng Văn. Ðối với các ga hạng 1 như Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Nha Trang, Sóng Thần, Sài Gòn,… có vị trí tại các thành phố lớn, liên quan quy hoạch chi tiết đường sắt và các dự án đường sắt đô thị của địa phương nên cơ chế thu hút đầu tư tư nhân cần phải tháo gỡ nhiều nội dung, vượt ngoài thẩm quyền của tổng công ty.
Các nhà đầu tư đã thể hiện mong muốn đầu tư vào lĩnh vực đường sắt, kiến nghị cơ chế để việc đầu tư xã hội hóa được thuận lợi nhất, đôi bên cùng có lợi và vẫn bảo đảm đúng theo khuôn khổ pháp luật. Các dự án xã hội hóa đường sắt cũng là “mảnh đất màu mỡ” có nhiều tiềm năng phát triển. Ðại diện Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Ðằng khẳng định, công ty mong muốn được đầu tư vào tuyến đường sắt ga Ðà Lạt – Trại Mát khoảng 7 km, không ảnh hưởng tuyến đường sắt bắc – nam, có ý tưởng phục hồi tuyến đường sắt Phan Rang – Tháp Chàm trước đây đã bị tháo bỏ. Trước mắt, đề xuất nghiên cứu đầu tư, khai thác tuyến Ðà Lạt – Trại Mát phục vụ khách du lịch theo phương thức chuyển nhượng quyền khai thác tối đa có thể. Ðại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết: Trong chiến lược của mình, Tân cảng Sài Gòn quan tâm đặc biệt phát triển logistics đường sắt. Trước đây, Tân cảng Sài Gòn cũng có ý định, nhưng vấp phải quá nhiều rào cản.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Sun Group Trần Minh Sơn cho biết: Khảo sát qua các đơn vị lữ hành, Sun Group nhận thấy lượng khách du lịch trong và ngoài nước có nhu cầu đi lại bằng đường sắt rất lớn, nhưng cần phải có những đoàn tàu chất lượng và tiêu chuẩn châu Âu. Vì thế, Sun Group đang tìm hiểu đầu tư vào những đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội – Ðà Nẵng, Sài Gòn – Ðà Nẵng hoặc Hà Nội – Lào Cai với tiêu chuẩn cao. Nếu được cấp phép, tập đoàn sẽ đầu tư những đoàn tàu tiêu chuẩn ngang với Xin-ga-po trong vòng một năm, Bộ GTVT cần tạo điều kiện cho DN về lộ trình và các điểm tránh tàu, rút ngắn thời gian chạy tàu xuống còn dưới 5 giờ. Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, thời gian qua, công ty tập trung đầu tư vào toa xe chất lượng cao chuyển công-ten-nơ và ô-tô, còn thuê sức kéo của ÐSVN để chạy tàu cho hiệu quả, mỗi ngày một đôi tàu tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Ngành đường sắt có sẵn cơ sở vật chất, do vậy, nếu xã hội hóa theo hình thức PPP thì sẽ tạo thuận lợi cho các DN. Bộ GTVT cần xem xét để cho Tổng công ty ÐSVN cung cấp những dịch vụ chung nhất, còn những dịch vụ khách cần phải xã hội hóa.
Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng nhấn mạnh, nhiều DN tham gia đầu tư sẽ tránh được độc quyền trong kinh doanh và người dân mới có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tốt nhất. Tổng công ty ÐSVN là một DN, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phải bình đẳng, không được phép độc quyền. Do vậy, cần phải đổi mới từ thể chế, chính sách Nhà nước quản lý để hạn chế thấp nhất cơ chế xin – cho. Cách quản lý ÐSVN còn lạc hậu, chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn, các DN đã nhìn thấy tiềm năng để bỏ vốn vào đầu tư khai thác. Khi DN kinh doanh hiệu quả, Nhà nước sẽ thu được thuế cao hơn, đồng thời tạo ra cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong lĩnh vực đường sắt và các phương thức vận tải.
Nhà đầu tư Thái-lan muốn đầu tư lĩnh vực đường sắt Gần đây, Tập đoàn Phát triển công cộng Ý – Thái (ITD), hiện đang khai thác gần như toàn bộ hệ thống đường sắt của Thái-lan, đã bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư và khai thác tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức BOT. Tại buổi làm việc với Bộ GTVT cách đây không lâu, Chủ tịch ITD Prem-chai Ka-na-su-ta cho biết, với kinh nghiệm đầu tư dự án tương tự ở Thái-lan và Mi-an-ma, ngoài việc tham gia tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, ITD còn muốn đầu tư một cảng cạn ở khu vực Gia Lâm để tăng hiệu quả khai thác của tuyến đường. Ðồng thời, ITD cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư, khai thác tuyến đường sắt Hạ Long – Móng Cái với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD. |
Bảo đảm “ba lợi ích” khi nhượng quyền khai thác đường sắt Ðể đổi mới ngành đường sắt, Bộ GTVT sẽ phối hợp các bộ ngành liên quan sửa Luật Ðường sắt. Ðường sắt được ví như “xương sống” chạy dọc chiều dài đất nước trong phát triển kinh tế – xã hội, nhưng hiện nay “xương sống” đang ọp ẹp, do vậy việc xã hội hóa đường sắt để phát triển nền kinh tế là điều tất yếu. Luật Ðường sắt đang được nghiên cứu, điều chỉnh. Tuy nhiên, ngay cả Luật Ðường sắt cũ cũng đã rất mở, cho phép nhượng quyền khai thác từ những năm 2005. Cơ chế cũng rất rõ ràng, chủ trương đầu tư theo hình thức nào. Bộ đã đồng ý chủ trương nhượng quyền khai thác cho các DN trên nguyên tắc phải mang lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, sẽ chuyển nhượng toàn bộ quyền khai thác tuyến Hà Nội – Lào Cai cho các nhà đầu tư. NGUYỄN NGỌC ÐÔNG, Thứ trưởng GTVT |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()