Những tín hiệu khả quan về đại biểu dân cử
Theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã lập danh sách sơ bộ những người ứng cử. Nhìn chung, số lượng và chất lượng người ứng cử đại biểu QH khóa XIV được lập danh sách sơ bộ so với kỳ bầu cử đại biểu QH năm 2011 đã tăng lên.
Tăng số lượng và chất lượng
Theo số liệu tổng hợp mới đây, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIV được lập danh sách sơ bộ ở cả T.Ư và địa phương là 1.146 người (T.Ư là 197 người; địa phương là 949 người, trong đó có 154 người tự ứng cử ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, tỷ lệ 16,23%, phần lớn tập trung ở thành phố lớn như Hà Nội có 48 người, tỷ lệ 55,17% số người ứng cử ở địa phương; TP Hồ Chí Minh có 48 người, tỷ lệ 53,33% số người ứng cử ở địa phương), đạt tỷ lệ 2,29 người ứng cử trên một đại biểu được bầu.
Số lượng người được lập danh sách sơ bộ đã tăng lên 60 người (cuộc bầu cử năm 2011 có tổng số 1.086 người ứng cử được lập danh sách sơ bộ), số lượng người tự ứng cử tăng lên 71 người (cuộc bầu cử năm 2011 có 86 người tự ứng cử được lập danh sách sơ bộ). Bên cạnh đó, chất lượng người ứng cử cũng tăng lên. Trong số 1.146 người ứng cử được lập danh sách sơ bộ, 531 người có trình độ trên đại học (tỷ lệ 46%, tăng so với kỳ bầu cử năm 2011 chỉ có 35,5%).
Tương tự, số lượng và chất lượng người ứng cử đại biểu HĐND các cấp được lập danh sách sơ bộ cũng tăng lên so với cuộc bầu cử năm 2011. Theo đó, ở cấp tỉnh có 7.552 người được lập danh sách sơ bộ, tăng 1.317 người so với dự kiến tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (hội nghị hiệp thương lần thứ nhất dự kiến là 6.235 người), đạt tỷ lệ 1,92 lần, trong đó có 74 người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, tỷ lệ 0,98% (tại 26 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư); cao hơn so với dự kiến tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (hội nghị hiệp thương lần thứ nhất có 10 tỉnh, thành phố đã dự kiến số lượng người tự ứng cử với tổng số 48 người). Ở cấp huyện, theo thống kê sơ bộ ở 57 trong số 63 tỉnh, thành phố có tổng số người ứng cử sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai được vào danh sách sơ bộ là 41.360 người (trong đó số người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện là 39 người ở 19 tỉnh, thành phố). Ở cấp xã, theo thống kê sơ bộ của 55 trong số 63 tỉnh, thành phố, tổng số người ứng cử sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai được lập danh sách sơ bộ là 452.056 người (trong đó số người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã là 692 người ở 44 tỉnh, thành phố).
Bảo đảm cơ cấu, thành phần
Theo quy định của pháp luật, bên cạnh việc bảo đảm số lượng và chất lượng người ứng cử thì cần bảo đảm cơ cấu, thành phần đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp. Trong danh sách 1.146 người được lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu QH khóa XIV có 420 phụ nữ (tỷ lệ 36,65%); có 240 người ứng cử là người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 20,94%); có 226 người ứng cử là người ngoài Đảng (tỷ lệ 19,72%); có 187 người ứng cử là đại biểu QH khóa XIII tái cử (tỷ lệ 16,32%); có 428 người ứng cử là người trẻ tuổi – dưới 40 tuổi (tỷ lệ 37,35%).
Trong số 7.552 người được lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND ở cấp tỉnh có 2.993 phụ nữ (tỷ lệ 39,63%); có 1.763 người ứng cử là người trẻ tuổi – dưới 35 tuổi (tỷ lệ 23,34%); có 1.090 người ứng cử là người ngoài Đảng (tỷ lệ 14,45%); có 1.365 người ứng cử là người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 18,07%). Ở cấp huyện, trong số 41.360 người được lập danh sách sơ bộ những người ứng cử có 16.360 phụ nữ (tỷ lệ 39,56%); có 13.025 người là người trẻ tuổi – dưới 35 tuổi (tỷ lệ 31,49%); có 5.631 người là người ngoài Đảng (tỷ lệ 13,61%); có 8.000 người là người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 19,34%). Ở cấp xã, trong tổng số 452.056 người được lập danh sách sơ bộ những người ứng cử có 170.450 phụ nữ (tỷ lệ 37,71%); có 162.038 người trẻ tuổi – dưới 35 tuổi (tỷ lệ 35,84%); có 135.396 người ngoài Đảng (tỷ lệ 29,95%); có 107.647 người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 23,81%).
Nhìn vào những con số này, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào số lượng, chất lượng người ứng cử cũng như việc bảo đảm cơ cấu, thành phần đại biểu của cơ quan dân cử theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã đang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp, cũng như lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người tự ứng cử (nếu có). Sau đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử.
Ở cấp tỉnh, người ứng cử được lập danh sách sơ bộ có trình độ trên đại học chiếm tỷ lệ 20,51%; số người có trình độ đại học chiếm tỷ lệ 49,17%. Ở cấp huyện, người ứng cử được lập danh sách sơ bộ có trình độ trên đại học chiếm tỷ lệ 6,05%; số người có trình độ đại học chiếm tỷ lệ 54,05%. Ở cấp xã, người ứng cử được lập danh sách sơ bộ có trình độ trên đại học chiếm tỷ lệ 0,31%; số người có trình độ đại học chiếm tỷ lệ 20,13%.
Theo Nhandan
Ý kiến ()