Những tín hiệu khả quan của kinh tế thế giới
Nga vượt A-rập Xê-út, trở thành nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố báo cáo cho biết, nhịp độ tăng trưởng đang ổn định hơn tại hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Các chỉ số kinh tế từ các đầu tàu kinh tế thế giới như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy, dường như giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng kinh tế đã qua.Trong năm 2012, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone là một trong những mối đe dọa chính đối với triển vọng của kinh tế toàn cầu. Song bất chấp những quan ngại về kinh tế Eurozone, thị trường trái phiếu được coi là nguy hiểm nhất thế giới của khu vực này đã trở thành một trong những thị trường khởi sắc nhất trong năm 2012. Trái phiếu Chính phủ Hy Lạp đã tăng 97% khi cuộc khủng hoảng nợ công dịu bớt. Nhiều thị trường cổ phiếu trên khắp châu Âu đã tăng vượt Mỹ. Thực tế cho thấy, lòng tin của...
Nga vượt A-rập Xê-út, trở thành nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. |
Trong năm 2012, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone là một trong những mối đe dọa chính đối với triển vọng của kinh tế toàn cầu. Song bất chấp những quan ngại về kinh tế Eurozone, thị trường trái phiếu được coi là nguy hiểm nhất thế giới của khu vực này đã trở thành một trong những thị trường khởi sắc nhất trong năm 2012. Trái phiếu Chính phủ Hy Lạp đã tăng 97% khi cuộc khủng hoảng nợ công dịu bớt. Nhiều thị trường cổ phiếu trên khắp châu Âu đã tăng vượt Mỹ. Thực tế cho thấy, lòng tin của thị trường tài chính vào khả năng vượt qua khủng hoảng của khu vực này đang được cải thiện.
Theo OECD, các chỉ số của kinh tế Mỹ và Anh tiếp tục chứng tỏ đà phục hồi vững mạnh hơn, còn triển vọng của Đức và Pháp đang khá lên. Nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục xuất hiện thêm các dấu hiệu tích cực. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, số lượng công nhân nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 12-2012 đã giảm xuống mức thấp và tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc giảm xuống còn 7,7%, mức thấp nhất trong bốn năm qua. Một dấu hiệu tích cực nữa là chỉ số bán lẻ tại thị trường Mỹ trong tháng 11 tăng 0,3% do lượng xe ô-tô, đồ điện tử và hàng hóa giao dịch qua in-tơ-nét đều tăng khá mạnh. Thăm dò của hãng tin Roi-tơ đối với 47 chuyên gia phân tích thị trường dự báo năm 2013 sẽ là năm gặt hái lớn đối với các chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ.
Nước Nga vừa khép lại năm 2012 với khá nhiều thành công. Kinh tế Nga đang phục hồi vững chắc với tỷ lệ tăng trưởng 3,5% trong năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp là 5,4%; lạm phát được duy trì ở mức 6,6%; nền kinh tế đã bớt lệ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Thủ tướng Nga Đ.Mét-vê-đép tuyên bố, trong những năm tới, Chính phủ Nga cần bảo đảm mức tăng GDP hằng năm không dưới 5%. Trong 11 tháng của năm 2012, tiền lương thực tế của người lao động Nga đã tăng 8,8% và đầu tư tăng 8,4%. “Xứ sở Bạch Dương” đã tiếp tục củng cố vị thế nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới của mình. Nga đã vượt A-rập Xê-út về sản lượng khai thác dầu trong tháng 9-2012 để trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Theo số liệu do tờ Thời báo Tài chính (Anh) công bố đầu tháng 1, trong năm 2012, các công ty dầu mỏ của Nga đã đạt mức khai thác dầu cao nhất trong lịch sử với 10,4 triệu thùng/ngày.
Các chuyên gia kinh tế của OECD nhận định rằng, kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Bra-xin cũng phát đi những tín hiệu lạc quan. Theo kết quả thăm dò do hãng AFP thực hiện, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2013. Trong khi đó, tại Nhật Bản, tân Thủ tướng S.A-bê đang cố gắng khắc phục tình trạng kinh tế giảm phát càng sớm càng tốt và khôi phục nền kinh tế trì trệ bằng cách kích cầu trong nước thông qua tăng chi tiêu cho các dự án công. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách bổ sung trị giá 13.100 tỷ yên (147 tỷ USD) nhằm hỗ trợ gói kích thích kinh tế mà nước này mới thông qua, tăng chi tiêu ngân sách cho năm tài chính 2012 lên khoảng 103.000 tỷ yên. Theo đó, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều phiên đi lên và niềm tin của giới đầu tư, người tiêu dùng đang được củng cố.
Những tín hiệu tích cực từ các chỉ số kinh tế cho thấy, hoạt động kinh tế tại Mỹ, Eurozone, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… đều đã nhích lên và vững hơn. Như vậy, kịch bản mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong năm 2012 rằng, kinh tế Mỹ có thể tái suy thoái, Eurozone tan rã, còn kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”, sẽ khó có thể xảy ra trong năm nay. Tuy nhiên, kinh tế thế giới trong năm 2013 vẫn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức do lo ngại kinh tế Eurozone cải thiện chậm, Mỹ vẫn đối mặt các vấn đề tài chính gai góc và một số nền kinh tế mới nổi vẫn chưa duy trì được đà tăng trưởng ổn định.
Theo Nhandan
Ý kiến ()