Những tiết lộ đầu tiên về chủ nhà World Cup 2010
Do được bao bọc bởi Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương nên khí hậu của Nam Phi rất ôn hòa. Nó trái ngược hẳn với quan niệm của nhiều người về một đất nước thuộc châu Phi có khí hậu nóng và khô bậc nhất thế giới. Còn các trận đấu của World Cup 2010 sẽ diễn ra vào mùa Đông thay vì mùa Hè như nhiều kỳ World Cup trước đây. Chỉ chừng ấy thôi đã đủ để nói về sự đặc biệt của giải bóng đá danh giá và hấp dẫn nhất hành tinh sắp diễn ra lần đầu tiên trên lục địa Đen.
World Cup của cả châu Phi
Trải qua những năm tháng đen tối dưới thời chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, ngày nay, đất nước Nam Phi đã có những bước tiến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nam Phi còn được biết đến với cái tên “Quốc gia cầu vồng”, vì đây là đất nước đa chủng tộc mang nhiều dấu ấn văn hóa, ngôn ngữ rất phong phú và đặc sắc.
World Cup 2010, World Cup của cả châu Phi. |
Và cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, con người ở đây rất đam mê thể thao, đặc biệt là bóng đá. Thậm chí, không ít người coi bóng đá như một thứ tôn giáo để nguyện cầu. Thế nên, đáp ứng nhu cầu của người dân, trong quá khứ, Nam Phi đã từng đăng cai và tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn như Giải vô địch bóng bầu dục thế giới, Giải vô địch bóng đá châu Phi, Giải vô địch Crickê thế giới (Cricket), Giải bóng đá liên lục địa (Confederations Cup)…
Tuy nhiên, chặng đường để Nam Phi đưa World Cup 2010 về với châu Phi gặp rất nhiều chông gai. Bởi sau thất bại trước Đức giành quyền đăng cai World Cup 2006, tưởng rằng Nam Phi sẽ bỏ cuộc. Nhưng cùng với sự ủng hộ nhiệt thành của Cựu Tổng thống Nelson Mandela, cựu Tổng thống Thabo Mbeki, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac và huyền thoại bóng đá người Cameroon Roger Milla, Nam Phi đã làm được cái điều mà cả châu Phi hằng mong đợi.
Ngày 15/5/2004 có lẽ đã đi sâu vào miền ký ức không thể quên của người dân Nam Phi, ngày mà Chủ tịch FIFA Sepp Blatter trịnh trọng tuyên bố quyền đăng cai World Cup 2010 thuộc về Nam Phi. Từ Thủ đô Cape Town đến Pretoria, từ Johannesburg đến De Aar, người dân đã đổ ra đường ăn mừng như thể ĐTQG của họ vừa vô địch World Cup.
Cựu Tổng thống Nelson Mandela có công rất lớn trong việc đưa World Cup 2010 về với châu Phi. |
Trong niềm vui vô bờ bến, cựu Tổng thống Thabo Mbeki tuyên bố Nam Phi sẽ làm hết sức mình để biến World Cup 2010 thành “World Cup của cả châu Phi”. Và đó cũng là hàm ý của slogan World Cup 2010: “Ke Nako. Celebrate Africa's Humanity”. (Tạm dịch: Đã đến lúc say cùng vũ điệu châu Phi).
Công tác chuẩn bị
Trên tinh thần ấy, suốt 6 năm qua, dù gặp không ít khó khăn, nước chủ nhà của giải đấu danh giá nhất hành tinh đã làm hết mình để xây dựng hệ thống các sân vận động, tăng cường công tác truyền thông, an ninh, cải thiện cơ sở hạ tầng,… Họ đã và đang muốn tạo ra những tiền đề tốt nhất cho kỳ World Cup lần thứ 19 được diễn ra suôn sẻ.
Năm ngoái, Nam Phi đã tổ chức thành công giải đấu Confederations Cup với chức vô địch thuộc về Brazil. Còn ĐTQG của họ đã đưa đến một lối chơi rực lửa và tinh thần chiến đấu cho đến phút cuối cùng. Nhưng điều quan trọng nhất nằm ở tinh thần cỗ vũ của khán giả nước chủ nhà. Trong tiếng “tù và” vuvuzela và trên đầu đội những chiếc mũ Makarapas ngộ nghĩnh đầy màu sắc, họ đã mang đến cho thế giới những vũ điệu vô cùng sôi động trên khán đài.
Họ sẽ mang đến cho giải đấu những vũ điệu sôi động và lạ mắt. |
Sau một năm, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Các SVĐ chính đã được trang hoàng. Còn địa điểm tổ chức Lễ khai mạc và trận Chung kết, sân Soccer City với sức chứa 91.141 chỗ ngồi cũng vừa được cắt băng khánh thành hôm 22/5. Dự kiến, trong vòng 3h đồng hồ, Lễ khai mạc World Cup 2010 sẽ đưa đến cho người xem một lễ hội tràn ngập tràn ngập màu sắc, ánh sáng, âm nhạc và những điệu nhảy bốc lửa mang đậm phong cách châu Phi.
Trong khi đó, theo ước tính, sẽ có khoảng 15.000 tình nguyện viên thuộc quân đội Nam Phi kết hợp cùng 44.000 nhân viên an ninh bảo đảm cho World Cup 2010 diễn ra trong yên bình. Bên cạnh đó, nước chủ nhà còn tổ chức các tòa án lưu động để xét xử những người có hành động phá hoại World Cup 2010.
Không chỉ có vậy, để đảm bảo nhu cầu đi lại cho các du khách và cổ động viên, Nam Phi sẽ sử dụng 1.100 xe buýt loại cỡ lớn, 800 loại xe buýt cỡ nhỏ, gần 500 toa tàu và các phương tiện giao thông công cộng khác.
Một kỳ World Cup mang đậm tính nhân văn
Cũng giống như nhiều quốc gia châu Phi khác, sự chênh lệch về giàu nghèo vẫn còn hiển hiện rất rõ ở Nam Phi. Bên cạnh đó, đại dịch AIDS, dù đã được khống chế và tuyên truyền phá bỏ trong nhiều năm qua, song vẫn đang là nỗi ám ảnh lớn đối với người dân Nam Phi. Còn tính rộng ra trên toàn châu Phi, hiện đang có khoảng 5,7 triệu người bị nhiễm HIV.
Hãy cùng chung tay đẩy lùi đại dịch AIDS ở châu Phi. |
Bởi vậy, Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter hi vọng rằng kỳ World Cup lần đầu tiên được tổ chức ở lục địa Đen sẽ là cơ hội tốt để tuyên truyền và chống lại nạn nghèo đói cùng căn bệnh thế kỷ HIV. Nhân vật quyền lực nhất của FIFA nêu ra khẩu hiệu: “Không cần phải chơi bóng… nếu bạn không làm một chút gì có ý nghĩa cho sức khoẻ của cộng đồng.”
Trên ý nghĩa đó mới thấy, sau những trận cầu nẩy lửa, những tranh cãi không bao giờ có hồi kết, và sau những cảm giác sung sướng tột độ trên đỉnh vinh quang để nhận ra rằng, bóng đá với ý nghĩa đích thực của nó luôn khiến con người ta phải hướng đến những điều cao cả, đến giá trị chân – thiện – mỹ trong dòng chảy khắc nghiệt của cuộc sống.
Thế nên, dù bạn là ai, có giống hay khác về quốc tịch hay màu da, đến Nam Phi hay không đến Nam Phi, thì hãy cùng chung tay vì một World Cup của bạn, của tôi và của chúng ta.
Ý kiến ()