Những tiềm năng và cơ hội từ nông nghiệp Việt Nam
Ảnh minh hoạ |
Bốn tiềm năng lớn
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về phát triển nông nghiệp nhiệt đới với điều kiện sinh thái đa dạng, số giờ nắng nhiều, nguồn nước dồi dào. Nông dân có kỹ năng, cần cù chịu khó và giá ngày công lao động tương đối thấp.
Trong khi đó, do quá trình tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số và đô thị hóa, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm trong nước tăng lên rõ rệt đối với hầu hết các nông sản, từ các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như lúa gạo, rau quả, thịt lợn đến các sản phẩm có giá trị cao hơn như thịt bò, thủy sản và cả các sản phẩm cao cấp như đồ gỗ nội thất, hoa, cây cảnh, rau quả hữu cơ, dược liệu, sữa… Giai đoạn 2011-2015, thị trường thực phẩm của Việt Nam ngày càng lớn và có tốc độ tăng trưởng cao nhất (15,4%/năm) so với các nước trong khu vực ASEAN (tăng ở mức dưới 10%/năm). Từ nay đến năm 2020, thị trường tiêu dùng thực phẩm của Việt Nam cũng được dự báo tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực.
Hội nhập quốc tế mạnh mẽ và việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, các FTAs giúp Việt Nam phát huy được lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng khối lượng xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2013-2017 đạt 157,07 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm; tính riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm 2017.
Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới. Năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là các sản phẩm chế biến, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.
Sức hút DN chưa đủ mạnh
Tính đến quý II/2018 cả nước có khoảng 7.600 DN nông nghiệp; nếu tính cả DN chế biến nông lâm thủy sản và DN thương mại hàng lương thực thực phẩm, số lượng đã tăng từ 12.113 DN năm 2005 lên 42.000 DN.
Trong vòng 10 năm (2005-2015), tổng vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp của DN tăng gấp 4 lần (từ mức 44.273,1 tỷ đồng lên mức 231.334 tỷ đồng). Quy mô vốn bình quân trong các DN nông nghiệp trong nước năm 2016 là 35,8 tỷ đồng/DN (vốn bình quân DN cả nước là 72,82 tỷ đồng/doanh nghiệp).
Bên cạnh sự tăng lên của các DN nhỏ và vừa trong nông nghiệp, một số DN tập đoàn lớn ngoài lĩnh vực nông lâm thủy sản cũng đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, như tập đoàn Vingroup, MaSan, Himlam, Viettel, FLC, Hoàng Anh Gia Lai, Pan group…
Những đơn vị này cũng áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ mới và đã cho những kết quả ban đầu khá tốt. Với các dự án đầu tư bài bản, các doanh nghiệp đã bước đầu tạo được hiệu ứng lan tỏa, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới, thắp lửa tinh thần khởi nghiệp cho nông dân trở thành doanh nhân trên chính mảnh đất của họ.
Tính toán cho cả giai đoạn đủ dài 2007-2015, hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA), được tính bằng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản của doanh nghiệp nông nghiệp luôn đạt trên 10% so với mức 3,4% của các doanh nghiệp nói chung. Bên cạnh đó, hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE – được tính bằng lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nông nghiệp) đạt bình quân trên 15% trong cả giai đoạn 2007-2015, mức cao nhất trong tất cả các ngành.
Số lao động trong các DN nông nghiệp năm 2017 là hơn 300.000 người (chiếm 2,3% tổng số lao động trong khu vực DN cả nước). Bình quân mỗi DN nông nghiệp sử dụng hơn 30 lao động, cao hơn so với số lao động bình quân trong chung cả nước (28 lao động/DN).
Ảnh minh hoạ |
Mặc dù số lượng DN nông nghiệp tăng lên nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng trên 1%) trong tổng số các DN của cả nước. Nếu tính thêm cả DN chế biến nông lâm thủy sản và doanh nghiệp thương mại các mặt hàng lương thực thực phẩm, số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 8% trong tổng số DN cả nước. Bên cạnh đó, có tới trên 95% số DN nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đang là thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các DN nông nghiệp còn thấp khi có tới 75% DN sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các DN trong nước, đặc biệt là khu vực DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ vẫn loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu 2 – 3 thế hệ.
Năng lực liên kết hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị của DN nông nghiệp; liên kết với các đối tác, tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế còn hạn chế. DN mới chỉ chú trọng đến khâu sản xuất, các khâu chế biến và marketing còn kếu kém. Mối liên kết giữa DN và nông dân hay các tổ chức đại diện cho nông dân (hợp tác xã/tổ hợp tác) thiếu bền vững, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau.
Phát triển theo 3 trục sản phẩm chính
Bộ NN&PTNT xác định các ưu tiên phát triển ngành theo 3 trục sản phẩm chính.
Đối với các sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm; ngành hàng có quy mô thị trường nội địa lớn như thịt lợn, thịt gia cầm sẽ ưu tiên thu hút đầu tư của DN quy mô lớn, đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt, phát triển chuỗi giá trị đồng bộ. Tập trung thu hút đầu tư vào các cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn của các DN, kết nối giữa khu hạt nhân của cụm (gồm trung tâm nghiên cứu khoa học công nghiệp, tài chính, thương mại, logistic) và các vệ tinh gồm các khu/cụm công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cấp tỉnh.
Chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (như các sản phẩm đủ lớn có tổng giá trị xuất khẩu từ 500 triệu USD/năm) sẽ kêu gọi đầu tư từ DN vừa và nhỏ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương.
Chuỗi giá trị đặc sản địa phương được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” là lĩnh vực hoạt động của DN quy mô cực nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đối với các mặt hàng đặc sản của địa phương.
Bộ NN&PTNT xác định ưu tiên các DN đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng vào phát triển vùng sản xuất tập trung trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và thủy sản, chế phẩm sinh học, thuốc thú y chăn nuôi và thủy sản; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, thủy sản.
Các DN cũng được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, dược liệu, tinh chế muối; sản xuất máy, thiết bị, chất phụ gia, phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, máy chế biến thực phẩm; công nghệ giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm, tập trung, công nghiệp; sản xuất hàng thủ công; sản phẩm văn hóa, dân tộc truyền thống.
Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt tại nông thôn; thu gom xử lý chất thải làng nghề; Đầu tư hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, công trình thủy lợi và hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Trong thời gian tới, DN nông nghiệp được coi là lực lượng dẫn dắt các chuỗi giá trị nông nghiệp và tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển kinh tế – xã hội.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN tiếp cận có thời hạn lâu dài với đất đai; khuyến khích mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư tham gia xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật nông nghiệp…
Theo Chinhphu
Ý kiến ()