Cùng với những chính sách chung của Nhà nước, những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với nhiều cách làm hay, sáng tạo, từng bước chia sẻ khó khăn, động viên các đối tượng chính sách, các thương binh, bệnh binh nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới, thoát nghèo bền vững, tiến tới làm giàu cho bản thân, đồng đội... Bác Tư chăm sóc cây. Từ ngôi nhà mơ ước...Trong câu chuyện với chúng tôi, vợ chồng bác Nguyễn Văn Hạnh, ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh, bệnh binh và người có công Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), luôn tự hào về sự trưởng thành của những người con. Bác Hạnh tâm sự: "Các cháu nhà tôi đều đã có việc làm ổn định. Con trai lớn tốt nghiệp đại học, làm trên thành phố, con gái là giáo viên ngoại ngữ, đều đã lập gia đình, chúng tôi mãn nguyện lắm". Bác Hạnh là thương binh ở chiến trường Tây Nam Bộ, hỏng hai mắt, cụt hai tay. Trải qua nhiều trung tâm điều dưỡng khắp từ bắc vào nam, bác cứ đinh ninh cuộc đời mình không lối thoát. Nhưng...
Cùng với những chính sách chung của Nhà nước, những năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với nhiều cách làm hay, sáng tạo, từng bước chia sẻ khó khăn, động viên các đối tượng chính sách, các thương binh, bệnh binh nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới, thoát nghèo bền vững, tiến tới làm giàu cho bản thân, đồng đội…
Bác Tư chăm sóc cây.
Từ ngôi nhà mơ ước…
Trong câu chuyện với chúng tôi, vợ chồng bác Nguyễn Văn Hạnh, ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh, bệnh binh và người có công Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu), luôn tự hào về sự trưởng thành của những người con. Bác Hạnh tâm sự: “Các cháu nhà tôi đều đã có việc làm ổn định. Con trai lớn tốt nghiệp đại học, làm trên thành phố, con gái là giáo viên ngoại ngữ, đều đã lập gia đình, chúng tôi mãn nguyện lắm”. Bác Hạnh là thương binh ở chiến trường Tây Nam Bộ, hỏng hai mắt, cụt hai tay. Trải qua nhiều trung tâm điều dưỡng khắp từ bắc vào nam, bác cứ đinh ninh cuộc đời mình không lối thoát. Nhưng những niềm vui, hạnh phúc tích góp theo thời gian cứ dần đến với bác. Đầu tiên là người vợ thủy chung son sắt, biết chia sẻ khó khăn, hoạn nạn, hiểu và thông cảm với sự mất mát của chồng. Rồi đến những đứa con lành lặn, ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó. “Nhưng nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, của trung tâm điều dưỡng thì chúng tôi không thể có được như ngày hôm nay” – bác Hạnh chia sẻ.
Sống ở trung tâm một thời gian, gia đình bác được huyện Long Điền cấp đất, dựng nhà. Căn nhà nhỏ khang trang từng là ước mơ của cả hai vợ chồng giờ đã thành hiện thực. Ngoài tiền trợ cấp hằng tháng của Nhà nước, để có thêm thu nhập chi tiêu nuôi con ăn học, vợ chồng bác chẳng nề hà vất vả. Hết bán bánh mì lại quay qua bán nước giải khát. Thời gian rảnh rỗi, bác vào trung tâm thăm hỏi bạn bè, đồng đội. Cuộc sống giản dị, hạnh phúc đơn sơ nhưng đó là tất cả mong ước của người thương binh Nguyễn Văn Hạnh.
Giám đốc Trung tâm Phùng Đức Hải cho biết, tính đến nay, đã có gần bốn mươi hộ gia đình thương binh, bệnh binh điều dưỡng tại trung tâm được địa phương cấp đất, xây nhà. Hầu hết các hộ này đều tổ chức làm ăn khấm khá, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Phương, hiện Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 26 nghìn trường hợp đang hưởng chính sách dành cho thương binh, liệt sĩ và người có công. Thời gian qua, tỉnh luôn tổ chức thực hiện kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công, giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh, tập trung chỉ đạo các cuộc vận động, lập Quỹ đền ơn, đáp nghĩa. Bên cạnh đó, Bà Rịa – Vũng Tàu còn là địa phương có nhiều chính sách ưu đãi đối với các đối tượng chính sách, đặc biệt trong việc cải thiện nhà ở. Kể từ năm 1995 đến nay, tỉnh đã xây gần 2.000 căn nhà tình nghĩa, trị giá hàng chục tỷ đồng, đầu tư sửa chữa gần 5.000 căn nhà cho các gia đình chính sách. Miễn, giảm tiền sử dụng đất cho gần 1.000 trường hợp. Riêng trong sáu tháng đầu năm 2011, tỉnh đã xét miễn giảm cho 45 trường hợp với tổng số tiền lên đến hơn 8,8 tỷ đồng…
Đến những trang trại trù phú
Không chỉ có cuộc sống ổn định, rất nhiều thương binh, bệnh binh, các hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã biết vượt khó vươn lên, làm giàu cho bản thân và đồng đội. Những cái tên như Nguyễn Văn Sách ở Phước Hưng (Long Điền), Đỗ Văn Say ở Hòa Long (Bà Rịa), Lưu Bá Vinh ở TP Vũng Tàu… là những dẫn chứng cụ thể.
Đến thăm trang trại của bác Đỗ Văn Say (Tư), xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa, chúng tôi thật cảm phục nỗ lực vượt bậc của người thương binh đã bước qua tuổi sáu mươi này. Với diện tích không lớn (chỉ hơn một mẫu- 10 nghìn m2) cho nên các loại cây trồng, vật nuôi trong vườn của bác đều được chọn lựa kỹ. Xoài, mận là những giống chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng; cá trắm, cá rô là những loại dễ nuôi, ít tốn thức ăn và cho năng suất khá; nhất là nhím, vật nuôi có thị trường tiêu thụ mạnh, giá trị kinh tế cao… Nhẩm tính sơ sơ, mỗi năm trang trại mang lại cho gia đình bác nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, bác Tư còn là một trong những hội viên cựu chiến binh năng nổ, luôn tận tình giúp đỡ, hướng dẫn bạn bè, đồng đội, nhất là những thương bệnh binh đồng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống. “Tôi có anh trai là liệt sĩ nên rất hiểu nỗi đau, sự mất mát của những gia đình có người thân hy sinh vì đất nước. Đó chính là động lực để tôi vượt qua khó khăn, sống xứng đáng với phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ”.
Tương tự như bác Tư, bệnh binh Lưu Bá Vinh, phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu, cũng đi lên từ hai bàn tay trắng. Rời vùng đất quê hương Gia Viễn, Ninh Bình, bác đưa cả gia đình vào Bà Rịa – Vũng Tàu lập nghiệp. Bác chọn chăn nuôi làm hướng đi cho mình. Từ 20 m2 chuồng trại với vài ba con lợn, đến nay diện tích chăn nuôi của gia đình bác đã tăng gấp mười lần và trong chuồng lúc nào cũng có từ 50 đến 70 con lợn. Bác và gia đình luôn đi đầu trong những hoạt động xã hội tại địa phương, tham gia tích cực vào các phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, nuôi dạy các con trở thành những công dân có ích của xã hội…
Phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo bền vững, tiến tới làm giàu cho bản thân và xã hội đang là một phong trào thu hút sự tham gia của nhiều thương bệnh binh và các đối tượng chính sách trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu. Nó vừa thể hiện nỗ lực vươn lên của người “thương binh tàn nhưng không phế”, vừa thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho các đối tượng chính sách tại địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()