Những thay đổi nhanh chóng ở khu vực Trung Ðông và Bắc Phi
Các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều nước tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong ba tháng qua đang làm thay đổi sâu sắc tình hình tại khu vực này. Có thể nói những diễn biến vừa qua ở Trung Đông và Bắc Phi tác động mạnh nhất từ trước đến nay và đang làm thay đổi tình hình địa - chính trị tại khu vực này.Những nỗ lực của I-xra-en được Mỹ ủng hộ ném bom lực lượng Héc-bô-la và miền nam Li-băng năm 2006 đã không làm thay đổi được tình hình Trung Đông như Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó là Con-đô-lê-da Rai-xơ dự đoán. Trước đó ba năm, năm 2003, cuộc chiến tranh chống nhân dân I-rắc do Mỹ đứng đầu mà Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ nói là đưa nền dân chủ vào thế giới A-rập, cũng không đạt được kết quả. Những thay đổi đang diễn ra ở các nước Trung Đông và Bắc Phi hiện nay bắt nguồn từ chính khu vực này. Các cuộc biểu tình trên đường phố đã khiến Tổng thống Ai Cập H.Mu-ba-rắc phải từ chức, Tổng thống Tuy-ni-di Ben A-li phải rời bỏ đất...
Những nỗ lực của I-xra-en được Mỹ ủng hộ ném bom lực lượng Héc-bô-la và miền nam Li-băng năm 2006 đã không làm thay đổi được tình hình Trung Đông như Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó là Con-đô-lê-da Rai-xơ dự đoán. Trước đó ba năm, năm 2003, cuộc chiến tranh chống nhân dân I-rắc do Mỹ đứng đầu mà Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ nói là đưa nền dân chủ vào thế giới A-rập, cũng không đạt được kết quả. Những thay đổi đang diễn ra ở các nước Trung Đông và Bắc Phi hiện nay bắt nguồn từ chính khu vực này. Các cuộc biểu tình trên đường phố đã khiến Tổng thống Ai Cập H.Mu-ba-rắc phải từ chức, Tổng thống Tuy-ni-di Ben A-li phải rời bỏ đất nước và các nhà lãnh đạo Li-bi và Y-ê-men đang vật lộn để duy trì quyền lực. Nhiều nhà lãnh đạo A-rập đang nỗ lực đối phó những thách thức bằng cách vừa trấn áp những người biểu tình vừa đưa ra những nhượng bộ. Ông Pôn Xa-lem, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Đông cho rằng: 'khu vực Trung Đông và Bắc Phi đang thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc'. Tuy nhiên, sự từ bỏ quyền lực của một số nhà lãnh đạo Trung Đông và Bắc Phi là một việc, sự thiết lập một chính phủ ổn định là việc khác. Thành công của nó sẽ phụ thuộc một phần vào việc các chính phủ được bầu xử lý các vấn đề xã hội và giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế như thế nào. Đó là những vấn đề đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình từ An-giê-ri đến Ô-man.
Nhiều nhà phân tích đặt vấn đề: Sau ba tháng kể từ khi bùng nổ các cuộc biểu tình đầu tiên ở Tuy-ni-di, điều gì sẽ diễn ra ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi? Theo họ, đến nay, những người đứng đầu các nước ở Trung Đông và Bắc Phi đã có ba cách ứng phó đối với các cuộc biểu tình. Tổng thống Ai Cập H.Mu-ba-rắc và Tổng thống Tuy-ni-di Ben A-li đã phải ra đi sau khi các tướng lĩnh không ủng hộ và yêu cầu họ từ bỏ quyền lực. Một số nhà lãnh đạo A-rập, nhất là ở các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), đã nỗ lực ngăn chặn các cuộc biểu tình lan rộng bằng nhiều biện pháp như tăng lương, trợ cấp xã hội và thường kết hợp với những lời hứa tiến hành cải cách chính trị. Một số nhà lãnh đạo A-rập khác đã dùng vũ lực để duy trì quyền lực. Đó là, Tổng thống M.Ca-đa-phi, người nắm giữ quyền lực ở Li-bi từ năm 1969, đã đàn áp những người biểu tình dẫn đến cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng chống chính phủ và quân đội Li-bi. Ở A-rập Xê-út, Ba-ren, Xy-ri và Y-ê-men cũng dùng 'bàn tay sắt' để chống người biểu tình.
Các nước như Ma-rốc, An-giê-ri và Gioóc-đa-ni đã đưa những cải cách. Tuy nhiên, dư luận ở những nước này vẫn hoài nghi liệu các nhà cầm quyền có giữ lời hứa và từ bỏ quyền lực thật sự êm thấm hay tìm cách chia rẽ hoặc hăm doạ phe đối lập. Theo Giáo sư Rô-bớt Xpring-bóc thuộc Trường hải quân Mon-tơ-rây, cho đến nay, không có nhà cầm quyền A-rập nào thật sự đưa ra một đề nghị quan trọng về cải cách chính trị đối với người biểu tình. Quốc vương Ma-rốc Mô-ha-mét VI đưa ra cải cách về hiến pháp nhưng hạn chế những cải cách quan trọng. Nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình, tháng 3 vừa qua Quốc vương Mô-ha-mét VI đã thành lập một nhóm gồm 19 thành viên do ông chỉ định để dự thảo những thay đổi về hiến pháp vào tháng 6 tới, theo đó tăng cường quyền lực cho QH và các quan chức địa phương. Tháng 2 vừa qua, Tổng thống An-giê-ri A.Bu-tê-phli-ca đã bãi bỏ tình trạng khẩn cấp kéo dài 19 năm nay và đưa ra những cải cách chính trị không định rõ trong khi không đáp ứng những đòi hỏi về sửa đổi hiến pháp, nhằm hạn chế nhiệm kỳ tổng thống và cho phép thành lập chính đảng mới. Cho đến nay, Quốc vương Gioóc-đa-ni Áp-đu-la vẫn chống lại sức ép về một chế độ quân chủ lập hiến hoặc một chính phủ được bầu, mặc dù hồi tháng 2 vừa qua ông cách chức chính phủ và đề nghị thủ tướng mới của ông, một cựu tướng tình báo, đẩy nhanh cải cách chính trị. Tại nước này, các cuộc biểu tình đòi hiến pháp hạn chế quyền lực của Quốc vương và yêu cầu cải cách tiếp tục diễn ra trên các đường phố.
Theo các nhà phân tích, mặc dù tình hình ở các nước tại Trung Đông và Bắc Phi diễn biến khác nhau nhưng tất cả các nước A-rập đang theo dõi những biến cố ở Ai Cập và Tuy-ni-di, những nước được coi là đang trên 'con đường rải đá' để đi tới một chính phủ có nhiều đại diện hơn tham gia. Tại Ai Cập, giới cầm quyền quân sự đã thiết lập một thời gian biểu chặt chẽ cho việc trở lại chính quyền dân sự, với các cuộc bầu cử QH và tổng thống trong năm nay. Một hiến pháp mới cũng đã nằm trong kế hoạch. Một tỷ lệ chưa từng có 41% cử tri đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 19-3 vừa qua, với 77% số phiếu ủng hộ những điều khoản bổ sung hiến pháp mới. Tại Tuy-ni-di, nơi quân đội vừa tạm thời lùi bước, các cử tri sẽ bầu một QH gồm 200 thành viên vào tháng 7 tới, để QH được bầu sẽ chọn những nhà lãnh đạo lâm thời và soạn thảo một hiến pháp mới trước khi tiến hành các cuộc bầu cử. Theo ông R.Xpring-bóc, những thay đổi nói trên là không dễ dàng ở những nước mà những chế độ cũ dựa vào sự đỡ đầu và trợ cấp tài chính để giành sự ủng hộ. Ông nêu rõ, tổ chức anh em Hồi giáo ở Ai Cập và những người còn lại trong đảng cầm quyền của ông Mu-ba-rắc vẫn nắm quyền kiểm soát nguồn tài chính và tiếp tục chống lại những cam kết của những người muốn thay đổi quyền lực. Theo ông P.Xa-lem, gia đình ông Mu-ba-rắc đã rời khỏi Thủ đô Cai-rô, nhưng đảng của ông vẫn ở đó. Cơ quan an ninh Nhà nước đã bị giải thể, nhưng nhiều cơ sở khác vẫn đóng ở Cai-rô. Trong chính quyền Ai Cập hiện nay vẫn còn những người do ông Mu-ba-rắc chỉ định. Dù ai lên nắm quyền ở Ai Cập cũng phải giải quyết các vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên, nền kinh tế trì trệ, giáo dục thấp kém… Đó là những vấn đề cần thay đổi trước tiên. Tuy-ni-di, nước có số dân mười triệu người, tương đối thuần nhất và được giáo dục tốt, đã gần như loại bỏ chế độ cũ, trong đó có phe phái của ông Ben A-li, đảng phái của ông, Bộ Thông tin và các cơ quan an ninh nhà nước. Nhiều nhà phân tích cho rằng, tình hình ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi đang thay đổi nhanh chóng, với những diễn biến khó lường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()