Những thành tựu trong công tác dân tộc ở Lạng Sơn
LSO- Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, với trên 83% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã nỗ lực phấn đấu, phát huy cao độ nội lực, từng bước khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh kiểm tra vườn ươm giống cây ăn quả hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Ông Triệu Sành Lẩy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Những thành tựu của công tác dân tộc ở Lạng Sơn trong thời kỳ đổi mới tập trung vào 2 chương trình (CT) lớn, đó là CT 135 giai đoạn I từ năm 1999-2005 và CT135 giai đoạn II từ năm 2006-2010. Hiệu quả thể hiện rõ nét trên từng lĩnh vực, làm thay đổi phần lớn diện mạo nông thôn, đặc biệt các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.Trên thực tế cho thấy, trước khi thực hiện CT135, cơ sở...
LSO- Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, với trên 83% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã nỗ lực phấn đấu, phát huy cao độ nội lực, từng bước khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh kiểm tra vườn ươm giống cây ăn quả hỗ trợ cho đồng bào dân tộc
Ông Triệu Sành Lẩy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Những thành tựu của công tác dân tộc ở Lạng Sơn trong thời kỳ đổi mới tập trung vào 2 chương trình (CT) lớn, đó là CT 135 giai đoạn I từ năm 1999-2005 và CT135 giai đoạn II từ năm 2006-2010. Hiệu quả thể hiện rõ nét trên từng lĩnh vực, làm thay đổi phần lớn diện mạo nông thôn, đặc biệt các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.
CT135 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện ở Lạng Sơn với mục tiêu nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã vùng đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước. Qua 7 năm thực hiện CT135 giai đoạn I, Lạng Sơn đã đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng trung tâm cụm xã, quy hoạch bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết, ổn định và phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ cơ sở xã 135. Thông qua đó góp phần thực hiện được các mục tiêu mà CT135 giai đoạn I đề ra, trong đó cụ thể như 80% số hộ thuộc 106 xã 135 có đủ nước sinh hoạt; 100% các cháu trong độ tuổi đến trường; 100% đồng bào dân tộc các xã 135 đã được tiếp thu kinh nghiệm sản xuất, kiến thức khoa học, văn hóa, xã hội, chủ động vận dụng vào đời sống và sản xuất. Riêng đối với mục tiêu phát triển đường giao thông cho xe cơ giới và đường dân sinh đến các trung tâm cụm xã, CT135 giai đoạn I đã đầu tư mở đường góp phần tạo điều kiện cho xe công nông đến được 850/1.162 thôn, bản; xe gắn máy đến được 962/1.162 thôn, bản vùng 135.
Từ những kết quả của CT135 giai đoạn I và thực tế vùng đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt CT135 giai đoạn II từ năm 2006-2010. Với phương châm, các chính sách đến với dân, mọi người dân đều phải được biết và hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chính sách, tỉnh ta đã nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền. Đồng thời chỉ đạo theo tinh thần các hoạt động thực hiện hướng về cơ sở cần cụ thể và hiệu quả hơn. Qua 5 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh có 64.938 hộ nghèo được thụ hưởng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó tập trung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất và mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất. Cùng với đó, đầu tư xây dựng 217 công trình giao thông; gần 24km mương dẫn nước, 18 công trình hồ đập, 12 công trình nước sinh hoạt; 50 công trình điện, 28 công trình trường học… Với những nỗ lực đó, từ năm 2006-2009 đã có 13 xã vươn lên trong phát triển kinh tế – xã hội và được đưa ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Có thể nhận thấy rằng, qua việc thực hiện CT135 giai đoạn I và giai đoạn II, bước đầu đã khơi dậy phong trào phát triển kinh tế – xã hội vùng đặc biệt khó khăn và hình thành ý thức kết hợp giữa các nguồn lực và nội lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Từ đây, bộ mặt nông thôn đã thực sự đổi mới, các công trình như giao thông, thủy lợi, điện, chợ, trung tâm cụm xã, các chương trình hỗ trợ khai hoang, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất… đã kéo theo sự phát triển thương mại, dịch vụ sản xuất, tiêu dùng góp phần nâng cao thu nhập trong nhân dân. Những thành tựu ấy đã ngày càng củng cố niềm tin trong nhân dân, đặc biệt đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa vào các chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong chuỗi thời gian 180 năm xây dựng và phát triển tỉnh Lạng Sơn, những thành tựu của công tác dân tộc thời kỳ đổi mới đã góp phần vào thành công chung trong phát triển kinh tế – xã hội, chính trị, an ninh – quốc phòng của tỉnh. Đặc biệt những thành tựu của công tác dân tộc trở thành một nét nổi bật đánh dấu việc thay đổi diện mạo nông thôn Lạng Sơn, góp phần vào tiến trình xây dựng nông thôn trong thời kỳ đổi mới.
Thanh Huyền
Ý kiến ()