Những thành tựu quan trọng tạo đà phát triển quan hệ đối ngoại của Quốc hội
Thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, năm 2012, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã thu được những thành tựu quan trọng.Năm 2012, hòa bình, hợp tác vẫn là xu hướng phát triển chủ đạo trong quan hệ quốc tế nhưng thế giới có nhiều diễn biến phức tạp với những cơ hội và thách thức đan xen. Trong bối cảnh quốc tế nói trên, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã tập trung vào việc tăng cường, củng cố quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước láng giềng, với nghị viện các nước trong khu vực và bạn bè truyền thống, thúc đẩy và mở rộng quan hệ với nghị viện các đối tác có tầm chiến lược. Với phương châm “chủ động, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả”, hoạt động đối ngoại của Quốc hội tiếp tục được mở rộng, phát triển. Phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, phát huy lợi thế vừa “nhà nước”, vừa “nhân dân”, góp phần vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà...
Thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, năm 2012, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã thu được những thành tựu quan trọng.
Năm 2012, hòa bình, hợp tác vẫn là xu hướng phát triển chủ đạo trong quan hệ quốc tế nhưng thế giới có nhiều diễn biến phức tạp với những cơ hội và thách thức đan xen. Trong bối cảnh quốc tế nói trên, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã tập trung vào việc tăng cường, củng cố quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước láng giềng, với nghị viện các nước trong khu vực và bạn bè truyền thống, thúc đẩy và mở rộng quan hệ với nghị viện các đối tác có tầm chiến lược.
Với phương châm “chủ động, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả”, hoạt động đối ngoại của Quốc hội tiếp tục được mở rộng, phát triển. Phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, phát huy lợi thế vừa “nhà nước”, vừa “nhân dân”, góp phần vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước.
Tính đến hết tháng 10/2012, đã có 11 đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội nước ta thăm các nước, có thể kể đến: Đoàn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào (tháng 7/2012); Đoàn công tác của Quốc hội tham dự Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP-7) tại Lào (tháng 10/2012)… Các chuyến thăm này đã góp phần quan trọng củng cố tình đoàn kết đặc biệt, mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Quốc hội và nhân dân hai nước; hỗ trợ Quốc hội Lào nâng cao vị thế trong việc lần đầu tiên tổ chức ASEP – sự kiện quốc tế lớn.
Chủ tịch Quốc hội CHDCND Lào Pany Yathotu đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Chuyến thăm làm việc ở Trung Quốc và dự Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) tại Nhật Bản của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tháng 1/2012 có ý nghĩa quan trọng góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản. Đồng thời, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng vai trò của Nhật Bản là chủ nhà APPF; tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai Quốc hội đi vào chiều sâu trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm Myanmar tháng 4/2012, tạo đà thúc đẩy quan hệ giữa Quốc hội hai nước sau khi Myanmar tổ chức thành công bầu cử Nghị viện, có những biện pháp “mở cửa” với thế giới. Ngay sau đó, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước ta, Chủ tịch Thượng viện Myanmar đã sang thăm chính thức Việt Nam. Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm đã góp phần quan trọng vào việc phát triển quan hệ giữa hai nước.
Ở khu vực Trung Đông và châu Phi, chuyến thăm các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) nhân dịp dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới tại Uganda của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là bước phát triển mới quan trọng trong quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước trong khu vực Trung Đông – Châu Phi hiện rất còn khiêm tốn do khoảng cách địa lý cũng như những bất ổn chính trị tại khu vực này. Chuyến thăm góp phần cụ thể hóa phương châm đa dạng hóa các mối quan hệ của Quốc hội Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Quốc hội UAE nói riêng và các nước khu vực này nói chung.
Ở khu vực châu Mỹ, tiếp tục phát triển đà quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Mỹ và Canada, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã thăm làm việc tại Mỹ và Canada (tháng 3/2012). Chuyến thăm nhằm góp phần duy trì kênh đối thoại nghị viện; trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm; đồng thời tìm hiểu kinh nghiệm lập hiến phục vụ việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ở khu vực châu Âu, chuyến thăm Pháp, Bungari (tháng 9/2012) của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo Nhà nước ta sau khi Pháp có Tổng thống và lãnh đạo Quốc hội mới. Chuyến thăm đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với nghị viện các nước này; thể hiện mong muốn xác lập quan hệ đối tác chiến lược với Pháp và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống của ta với Bungari là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Âu.
Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi đoàn của các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội được triển khai tích cực, bám sát mục tiêu, chương trình đối ngoại chung của Quốc hội. Đến nay đã có 35 đoàn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhóm nghị sỹ hữu nghị, đi thăm làm việc tại nghị viện các nước trên thế giới. Những hoạt động này đã thiết thực phục vụ công tác chuyên môn của các cơ quan, tổ chức của Quốc hội, góp phần bổ sung, làm phong phú, sâu sắc thêm kết quả hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Quốc hội; giúp các đại biểu Quốc hội, cán bộ giúp việc của Văn phòng Quốc hội tìm hiểu thêm về kinh nghiệm hoạt động chuyên môn của nghị viện các nước giúp cho công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội.
Năm 2012 không chỉ ghi nhận nhiều hoạt động đối ngoại tích cực của các Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam mà còn đánh dấu nhiều sự kiện, hoạt động của các nước bạn nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng.
Tính đến hết tháng 10/2012, Quốc hội nước ta đã đón 41 đoàn khách quốc tế của Nghị viện/Quốc hội các nước tới thăm, làm việc, trong đó có 11 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội và 3 đoàn cấp phó Chủ tịch Quốc hội.
Ở khu vực Đông Nam Á, Quốc hội ta đã đón Chủ tịch Quốc hội Lào (tháng 4/2012), Chủ tịch Quốc hội Campuchia (tháng 7/2012), Chủ tịch Quốc hội Indonesia (tháng 9/2012) và Chủ tịch Thượng viện Myanmar (tháng 6/2012) thăm chính thức. Các chuyến thăm đạt kết quả tốt đẹp, thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao vai trò của Quốc hội nước ta; được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Chuyến thăm của đoàn đại biểu Thượng viện Myanmar do ông Khin Aung Myint – Chủ tịch Quốc hội (đồng thời là Chủ tịch Thượng viện) Myanmar dẫn đầu tới Việt Nam từ ngày 20-24/6/2012 sau khi Quốc hội Myanmar bầu ra sau hơn 20 năm gián đoạn có ý nghĩa đặc biệt, khai thông cho sự phát triển quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Myanmar trong thời gian tới.
Với khu vực châu Mỹ, Quốc hội ta đã đón đoàn của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thượng viện Chi-lê sang thăm (tháng 3/2012). Đây là đoàn cấp cao nhất của Thượng viện Chi-lê thăm Việt Nam kể từ sau chuyến thăm của cố Chủ tịch Xan-va-đô A-gien-đê năm 1969. Điều này thể hiện sự coi trọng quan hệ Chi-lê và nước ta. Nhân dịp chuyến thăm, Chủ tịch Thượng viện Chi-lê và Chủ tịch Quốc hội ta đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Chi-lê. Chuyến thăm tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Chi-lê nói riêng và các nước Khu vực Mỹ Latinh phát triển lên một tầm cao mới.
Chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Thượng viện Mê-hi-cô tiếp sau chuyến thăm Mê-hi-cô (tháng 11/2012) của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thể hiện sự quan tâm và mong muốn của Nghị viện Mê-hi-cô trong việc tăng cường mối quan hệ truyền thống với Việt Nam.
Ở khu vực châu Âu, Quốc hội ta đã đón Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch (tháng 3/2012), Chủ tịch Quốc hội Bungari (tháng 4/2012), Chủ tịch Nghị viện vùng Wallonie-Bruxelles của Bỉ (tháng 2/2012) sang thăm chính thức. Điều này thể hiện sự quan tâm và ưu tiên của các nước này cũng như của Liên minh châu Âu nói chung trong phát triển quan hệ với Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đón Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin |
Trong năm 2012, Quốc hội ta đã đón 27 đoàn đại biểu cấp Chủ nhiệm Ủy ban, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, Văn phòng nghị viện, Viện nghiên cứu từ nhiều nghị viện các nước thăm Việt Nam với nhiều mục đích tăng cường quan hệ Quốc hội cũng như trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực, lập pháp, giám sát, khoa học công nghệ, tài chính, ngân sách….Trong bối cảnh vận động bầu cử tại Mỹ năm 2012 diễn ra gay gắt, vẫn có 3 đoàn Nghị sỹ Mỹ (Ủy ban Quân lực Thượng viện, Ủy ban Quy tắc Hạ viện và Ủy ban Quân lực Hạ viện) thăm Việt Nam, thể hiện sự quan tâm và mong muốn của các Nghị sỹ Mỹ trong việc phát triển quan hệ với Quốc hội nước ta và với Việt Nam.
Góp phần vào thành công của kênh đối ngoại song phương, Quốc hội Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia nhiều diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tể quan trọng, thể hiện vai trò đối tác tin cậy, có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam.
Ở khu vực Đông Nam Á, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đã tham dự Đại hội đồng Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 33 tại Indonesia (tháng 9/2012). Đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng thể hiện rõ quan điểm của Việt Năm cùng phấn đấu xây dựng Cộng đồng ASEAN, bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như lợi ích chung của khu vực. Trước đó, đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn làm trưởng đoàn đã tham dự cuộc gặp giữa các nhà Lãnh đạo ASEAN-AIPA (tháng 4/2012) nhằm trao đổi các giải pháp tăng cường phối hợp giữa ASEAN-AIPA. Đoàn ta đã đề xuất nhiều ý kiến được đưa vào kiến nghị chung của Chủ tịch AIPA gửi các nhà Lãnh đạo ASEAN trong họp cấp cao năm 2012 và đoàn Đại biểu Quốc hội nước ta còn tham dự Hội nghị Ban Chấp hành AIPA (tháng 7/2012) đã thể hiện vai trò tích cực của Quốc hội nước ta trong AIPA.
Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương là tổ chức nghị viện khu vực lớn, quy tụ Quốc hội của hầu hết các nước thành viên khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Đoàn Đại biểu Quốc hội nước ta do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đã tham dự Đại hội Đồng APPF -20 ở Nhật Bản tháng 1/2012, thể hiện đóng góp tích cực của Quốc hội nước ta, tham gia giải quyết những vấn đề mang tính thời sự của khu vực và trên thế giới, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế.
Việc Quốc hội nước ta tham dự Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu lần thứ 7 (ASEP-7) tại Lào tháng 10/2012 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đã thực sự góp phần vào thành công của ASEP – 7 về mọi mặt. Với chủ đề “Quan hệ Đối tác Nghị viện Á-Âu vì sự phát triển bền vững”, diễn đàn đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay; xử lý nợ quốc gia để đảm bảo phát triển bền vững; tăng cường sự tham gia của xã hội về quản lý thiên tai, thực sự là những vấn đề mà chúng ta quan tâm và có lợi ích thiết thực.
Bên cạnh đó, Quốc hội nước ta còn tham gia tích cực các hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới. Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 126 tại Uganda (tháng 4/2012) đóng góp vào thành công của Đại hội đồng.
Quốc hội còn tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế như Hội nghị lần thứ 4 giữa Quốc hội 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam với chủ đề “Vai trò của Quốc hội trong việc hỗ trợ khu vực tam giác phát triển”; Hội thảo “Nhóm nữ đại biểu Quốc hội với chiến lược quốc gia bình đẳng giới” và Hội thảo khu vực “Chính sách về đất ở, đất sản xuất cho các đồng bào dân tộc thiểu số”….Các hoạt động này là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước.
Nhìn chung, sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Quốc hội nước ta tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Các hoạt động của Đoàn Việt Nam đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng trong khu vực và trên toàn thế giới.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()