Những thách thức nơi đường biên
LSO-Phóng xe chạy trốn với tốc độ cao, huy động đông người để chống đối, tổ chức cướp lại hàng khi bị bắt, sử dụng đội ngũ “chim lợn” theo dõi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu… đó là những thủ đoạn của các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu vào thời điểm này.
Lực lượng quản lý thị trường bắt giữ hàng giả, hàng lậu cài cắm vào xe chở khách để vận chuyển về các tỉnh phía sau |
Vụ việc điển hình gần nhất là vào hồi 15 giờ ngày 25/12/2016, các lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh kiểm tra đột xuất tàu khách chạy tuyến Đồng Đăng – Lạng Sơn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên tàu đang chở một khối lượng lớn hàng hóa do nước ngoài sản xuất, trong đó nghi ngờ có nhiều loại hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về hóa đơn, chứng từ. Vấn đề đáng nói là, trong quá trình lực lượng chức năng kiểm tra, nhiều đối tượng có hành vi gây hấn. Lực lượng chống buôn lậu phải huy động cảnh sát cơ động mới có thể ngăn chặn và bảo vệ được hiện trường. Phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới kiểm tra, niêm phong hàng hóa vi phạm.
Đây chỉ là 1 trong nhiều vụ các đối tượng buôn lậu thực hiện hành vi chống đối nhằm tẩu tán hàng hóa. Có những vụ, đối tượng liều lĩnh trốn chạt truy bắt. Ông Nguyễn Kiên Trung, Đội trưởng Đội Kiểm soát lưu động, Cục Hải quan Lạng Sơn kể: Vào cuối tháng 11/2016, từ nguồn tin báo có đối tượng đang vận chuyển một số lượng hàng cấm là dùi cui điện, dao, kiếm trên xe ô tô, đội đã chuẩn bị kế hoạch ngăn chặn, nhưng khi đối tượng phát hiện lực lượng chức năng đã tăng tốc, phóng với tốc độ cao, mặc dù lực lượng tại Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt đã hạ cần chắn nhưng đối tượng vẫn liều lĩnh phóng thẳng vào; nếu truy đuổi sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nên đội phải “lui quân”. Theo ông Trung, có những vụ đã bắt giữ được hàng, nhưng khi thấy lực lượng chỉ có 5 cán bộ, các đối tượng buôn lậu đã huy động hàng trăm người, phần lớn bà con tại xã biên giới và dân vác hàng thuê, lấy xe máy chặn xe của lực lượng, khiến lực lượng không thể di chuyển, khi huy động thêm lực lượng hỗ trợ thì số lượng hàng lậu giữ lại chẳng còn bao nhiêu. “Những vụ vận chuyển hàng lậu lớn, hàng cấm, các đối tượng rất manh động, bất chấp hậu quả để trốn tránh, tẩu tán hàng, đặc biệt là những đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng cấm như vũ khí, pháo nổ…” – ông Trung cho biết.
Tìm hiểu thực tế, lực lượng chống buôn lậu không chỉ gặp thách thức khi đối đầu trực diện mà còn phải đối phó với hàng loạt “tiểu xảo” của dân buôn lậu. Hiện, lực lượng chống buôn lậu đã lập nhiều chốt, lán tại các đường mòn, nhưng các đối tượng vận chuyển hàng lậu vẫn tìm đường né tránh hoặc vượt qua các chốt chặn này. Các đối tượng sử dụng bộ đàm, điện thoại di động theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Ban đêm hoặc gần sáng, chúng mới chỉ đạo đội quân vác hàng thuê lợi dụng địa hình hiểm trở để vác hàng qua các lưng chừng núi, vòng tránh các lán chốt kiểm soát.
Một thách thức khác đó là, đối tượng buôn lậu lợi dụng các nhà dân ở dọc tuyến biên giới để tập kết hàng. Cụ thể như khu vực thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), thôn Khơ Đa (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng), khu vực này có nhiều nhà dân san sát, trong đó có nhiều nhà là địa điểm tập kết hàng. Vấn đề này, đại úy Hoàng Văn Toàn, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Cốc Nam cho biết: Đây là vấn đề nhức nhối và khó khăn, lực lượng chức năng và các ngành cấp tỉnh cũng đã biết vấn đề này nhưng chưa thể khắc phục và ngăn chặn, vì hầu hết các nhà ở khu vực ấy đều thông nhau nên khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra thì các đối tượng di chuyển ngay hàng lậu đi nơi khác và không thể một lúc khám tất cả được.
Càng cận tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu càng gia tăng, trong đó các mặt hàng tạp hóa, đồ gia dụng, đồ điện tử, quần áo… luôn là những mặt hàng hấp dẫn đối với đối tượng buôn lậu do giá rẻ, chênh lệch khá cao so với thị trường trong nước. Những ngày này, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh lại bước vào một “cuộc chiến” đầy căng thẳng trên suốt chiều dài hơn 200 km đường biên giới.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()