Những thách thức lớn để Nam Phi vượt qua khủng hoảng
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vừa công bố cuộc cải tổ chính phủ lớn chưa từng có, trước sức ép từ người dân chỉ trích phản ứng của chính phủ trong cuộc bạo loạn gần đây. Ðược ví như “cơn đại hồng thủy”, bạo loạn đã tàn phá nền kinh tế Nam Phi và “đất nước Cầu vồng” đang phải nỗ lực vượt qua khủng hoảng.
Cuộc cải tổ chính phủ lớn đầu tiên kể từ sau khi tái đắc cử Tổng thống năm 2019 đã được ông Ramaphosa tiến hành, với việc thay thế gần 1/3 trong tổng số 28 bộ trưởng. Bên cạnh việc bổ nhiệm các tân bộ trưởng, chính phủ mới cũng có thêm 10 thứ trưởng. Tổng thống Ramaphosa cũng bổ nhiệm một ban chuyên gia có nhiệm vụ tăng cường các dịch vụ an ninh. Ngoài vấn đề nhân sự, Tổng thống còn công bố một số thay đổi về cơ cấu tổ chức nhằm bảo đảm tất cả người dân Nam Phi có thể tiếp cận nguồn tài nguyên nước một cách an toàn và bền vững, để các hoạt động tình báo của đất nước hiệu quả hơn trong việc bảo vệ an ninh và toàn vẹn quốc gia.
Tổng thống Ramaphosa chịu áp lực phải cải tổ chính phủ sau khi Ðơn vị điều tra đặc biệt (SIU) phát hiện một số dấu hiệu đáng ngờ trong gói đấu thầu hợp đồng giữa Bộ Y tế và nhà cung cấp dịch vụ Digital Vibes. Vụ bê bối đã khiến cựu Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize phải từ chức. Sự chậm trễ trong việc giải quyết tình trạng bất ổn và bạo loạn đầu tháng 7 vừa qua tại hai tỉnh KwaZulu-Natal và Gauteng đã khiến người dân tăng sức ép, yêu cầu chính phủ thay đổi bộ máy tổ chức. Nhóm bộ trưởng phụ trách an ninh – quốc phòng bị chỉ trích vì thất bại trong việc lường trước, cũng như khống chế cuộc bạo loạn, khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng tỷ rand bị mất do nạn cướp bóc và phá hoại trên diện rộng, nền kinh tế Nam Phi bị tàn phá nặng nề.
Nhà chức trách Nam Phi vẫn đang tiến hành điều tra về hành động bạo lực để buộc những kẻ chủ mưu phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tổng thống Ramaphosa tuyên bố chính phủ sẽ hỗ trợ những gia đình, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của cuộc bạo loạn và cam kết không để tình trạng này tái diễn. Chính phủ tuyên bố chi thêm 67,4 triệu USD cho việc thắt chặt an ninh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, tình trạng bất đồng phe phái, cùng hố sâu ngăn cách giàu – nghèo và tỷ lệ tội phạm được xếp vào loại cao nhất thế giới tiếp tục đặt ra những thách thức lớn cho chính phủ Nam Phi, trong nỗ lực ổn định an ninh và khôi phục vị thế đầu tàu kinh tế châu Phi.
Ý kiến ()