Những thách thức khi thanh toán online bằng tài khoản viễn thông
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, trước mắt cho ít nhất cho một doanh nghiệp viễn thông thí điểm.
Đây là tin vui cho hàng chục triệu người dân Việt Nam nói chung và các nhà mạng. Bởi khi dịch vụ được triển khai, việc mua sắm, mua vé máy bay, đi chợ, du lịch… của người dân sẽ rất tiện lợi vì chỉ cần một chiếc điện thoại di động và không cần phải mang theo tiền mặt.
Xu hướng tất yếu
Thanh toán điện tử bằng tài khoản điện thoại (Mobile Money) đang là xu thế trên toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển. Việc thanh toán này đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ cho hàng triệu hộ gia đình, giảm thói quen dùng tiền mặt trong giao dịch hàng ngày. Đây cũng là một mô hình hứa hẹn sẽ thành công nhất là với những người không có tài khoản ngân hàng.
Trung Quốc là một trong những quốc gia phát triển mạnh thanh toán điện tử trong những năm gần đây. Hiện quốc gia này có tới 84% giao dịch là qua thanh toán điện tử. Tập đoàn Alibaba kiếm được hàng chục tỷ USD mỗi năm nhờ hình thức thanh toán này.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ thí điểm Mobile Money, cho phép người dùng điện thoại chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông. Bộ trưởng cho rằng, việc này sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, và việc này sẽ kích thích kinh tế của Việt Nam tăng trưởng.
Theo giới chuyên gia, việc thanh toán qua tài khoản điện thoại này được xem là cơ hội cho các nhà mạng, doanh nghiệp nội dung số phát triển mạnh mẽ sau một thời gian dài bị “giới hạn,” đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư vào lĩnh vực Fintech (financial technology – công nghệ trong tài chính) vốn được cho là rất tiềm năng tại các nước đang phát triển như Việt Nam.
Hiện các tài khoản viễn thông chỉ được dùng để thanh toán các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng viễn thông. Do đó, nếu có thể sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ thì chúng ta có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh lĩnh vực thanh toán điện tử này.
Trả lời phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho hay, đây thực sự là cơ hội rất lớn và Viettel đã sẵn sàng.
Lý giải, ông Kiên cho biết, hiện nay lượng người có tài khoản ngân hàng thấp. Đặc biệt, ở vùng nông thôn đâu đó chỉ khoảng 30-40% người dân có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, độ phủ của viễn thông lại tới gần 100% dân số. Mặt khác, các ngân hàng, trung gian thanh toán, ví điện tử hiện nay đang tập trung vào thành thị. Thậm chí, ở một số nơi khó khăn, người dân chưa hề có khái niệm thanh toán điện tử.
Ngoài ra, ví điện tử và ngân hàng điện tử thường tập trung vào smartphone, trong khi những người có smartphone tại Việt Nam chỉ khoảng 40% dân số. Thậm chí, người có smartphone nhưng có sử dụng 3G/4G và có tài khoản tại Google, Apple để tải được ứng dụng chỉ khoảng 20-30% dân số. Như vậy, ông Kiên cho rằng còn khoảng 70-80% dân số chưa được tiếp cận với thanh toán điện tử qua mobile.
“Nếu như áp dụng thanh toán bằng tài khoản viễn thông có nghĩa là gần 100% dân số có thể ngay lập tức chi tiêu những món vô cùng nhỏ lẻ hàng ngày như đi uống café, ăn sáng, trà đá…,” ông Kiên nói.
Lãnh đạo Viettel Telecom cũng chia sẻ, vừa qua đơn vị này có thí điểm với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về dừng đỗ ôtô, thì ngay cả những người có điều kiện vẫn chủ yếu dùng tài khoản điện thoại để chi trả (trên 90%) trong khi họ vẫn có tài khoản ngân hàng, smartphone. Điều này cho thấy tính tiện, nhanh và tính sẵn sàng cho câu chuyện sử dụng điện thoại để mà thanh toán.
Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa được kỳ vọng là cú hích cho ngành thanh toán điện tử Việt Nam.
Mobile Money sẽ phải đối mặt với những gì?
Sự phát triển của thanh toán điện tử nói chung và thanh toán di động nói riêng tính đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam là tương đối tích cực. Tuy nhiên, thanh toán di động cũng đặt ra không ít thách thức liên quan đến khuôn khổ khổ pháp lý, sự an toàn trong giao dịch, bảo mật thông tin, giao dịch giữa các nước, tội phạm công nghệ cao và chủ quyền số của mỗi quốc gia.
Rất nhiều chuyên gia cho rằng, hình thức thanh toán này là một kẽ hở để các loại tội phạm có thể để giao dịch bất chính hay tấn công vào chính các nhà cung cấp dịch vụ.
Nói về khó khăn khi triển khai dịch vụ Mobile Money, ông Phạm Trung Kiên Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho hay đó là phải phát triển tới nhiều dịch vụ. Nếu nói dùng điện thoại để thanh toán mọi nơi thì có nghĩa là từng cửa hàng tạp hóa, bãi đỗ xe, quán café, trà đá… cũng có thể thanh toán được. Do đó, việc phát triển hàng triệu điểm thanh toán là một bài toán đặt ra cho nhà mạng. Ngoài ra, công tác truyền thông, đào tạo thói quen mới cho người dùng cũng rất quan trọng.
Trước lo ngại về những giao dịch bất thường có thể xảy ra khi sử dụng dịch vụ này, ông Kiên cho biết khi triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử, các đơn vị đều phải có các biện pháp theo dõi các giao dịch bất thường, quản trị rủi ro, triển khai các giải pháp an ninh bảo mật nhiều lớp để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng cho rằng, sử dụng Mobile Money trong thanh toán rất có lợi và là xu hướng không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mức độ an toàn trên điện thoại di động hiện nay rất thấp. Điện thoại thông minh đang trở nên quá phổ thông, người dùng không chú trọng quá mức việc bảo mật chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra mất an toàn trong việc triển khai.
“Điện thoại di động là một thứ gắn liền với xu hướng. Và tôi tin tội phạm công nghệ sẽ tiếp tục tiến hóa để lợi dụng cho việc vi phạm pháp luật,” ông Liên nhấn mạnh./.
Theo Hiệp hội di động toàn cầu (Global System Mobile Associations – GSMA), Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hoá đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động,… và những dịch vụ tương tự.
Ý kiến ()