Bà La-gác-đơ nhấn mạnh, nền kinh tế toàn cầu vẫn trong quá trình phục hồi không đồng đều. Tỷ lệ thất nghiệp quá cao và nợ chính phủ vẫn đè nặng nhiều nền kinh tế phát triển, trong khi nguy cơ phát triển quá nóng và lạm phát cao đe dọa các nền kinh tế mới nổi, nhất là các nền kinh tế có chỉ số thu nhập thấp. Trong bối cảnh này, mục tiêu của IMF là giúp phục hồi sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tồi tệ. Đồng thời bảo đảm rằng các nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn để cung cấp phúc lợi tốt hơn cho con người. Ba vấn đề đang thách thức IMF và nền kinh tế toàn cầu được các nhà kinh tế IMF gọi là 3C (theo tiếng Anh), đó là : nối kết, tín nhiệm và toàn diện. Để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của IMF, cần tăng cường tính pháp lý và tính đa dạng của tổ chức này. Các nước thành viên IMF cần hoàn tất các cải tổ đã được hoạch định từ năm 2010 nhằm cải thiện vai trò quản trị của IMF và tăng cường vị thế của các nền kinh tế mới nổi cũng như các nền kinh tế có chỉ số thu nhập thấp. Sự đa dạng của IMF không chỉ về giới mà còn về sự can dự, phá vỡ các rào cản để tất cả các bên tham gia có thể ngồi chung một bàn, về địa lý, văn hóa và nền tảng học thuật.
Nhân dịp này, dư luận quốc tế đưa ra những nhận định về vai trò, hoạt động của IMF và ban lãnh đạo mới của tổ chức này. Mạng tin Bưu điện Tài chính của Ca-na-đa cho rằng, ngay trong những tháng đầu, Giám đốc điều hành mới của IMF phải xử lý sáu vấn đề.
Thứ nhất là cuộc khủng hoảng nợ ở các nước Liên hiệp châu Âu (EU). Các nền kinh tế đang nổi lên thúc giục bà La-gác-đơ không nên quá tập trung vào châu Âu, nhưng cần ưu tiên phối hợp EU để bảo đảm rằng Hy Lạp không bị vỡ nợ. Bà La-gác-đơ sẽ phải thuyết phục các nước thành viên IMF rằng việc lại cứu trợ Hy Lạp là quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Bà cũng đang đối diện với khả năng trở lại thị trường khác thuộc khu vực đồng ơ-rô là Bồ Đào Nha theo kế hoạch vào năm 2013.
Thứ hai là những báo cáo về hiệu ứng gián tiếp của chi tiêu công. IMF dự kiến công bố những báo cáo đầu tiên về hiệu ứng gián tiếp của chi tiêu công trong tháng này nhằm xem xét cách thức những chính sách của các nước có tầm quan trọng trong hệ thống tác động lẫn nhau. Báo cáo này bắt đầu từ Mỹ và là một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy sự kiểm soát các nền kinh tế của IMF. Trong những báo cáo này, IMF sẽ đánh giá những nguyên nhân làm tăng vốn của tư nhân đổ vào các thị trường đang nổi lên.
Thứ ba là việc tăng thêm quyền bỏ phiếu cho các nước đang phát triển. Tiến trình lựa chọn điều hành mới cho thấy rõ sự mất cân bằng về quyền bỏ phiếu trong IMF, vốn nghiêng về các nước đang phát triển vẫn kêu gọi có thêm tiếng nói tại IMF. Những cải cách đối với việc bỏ phiếu đã được phê chuẩn năm 2008 và 2010, nhưng các nước đang phát triển cho rằng những cải cách đó là chưa đủ. Bà La-gác-đơ sẽ phải sớm chứng tỏ rằng bà đã lắng nghe yêu cầu của các nước đang phát triển, bắt đầu bằng việc bảo đảm rằng những cải cách được nhất trí năm 2010 sẽ được thực thi. Bà cũng sẽ phải xem xét lại một công thức phức tạp để tính số phiếu của các nước thành viên.
Thứ tư là sức ép lạm phát đang tăng lên. IMF muốn sử dụng sự cố vấn về chính sách của tổ chức này để hỗ trợ chống lạm phát khi kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009. Sức ép lạm phát đang tăng lên, nhất là đối với các nền kinh tế đang nổi. Giá lương thực và nhiên liệu tăng đã tác động mạnh đến những nước nghèo, làm tăng tỷ lệ đói nghèo, suy dinh dưỡng và dẫn đến bất ổn xã hội.
Thứ năm là tình hình Trung Đông và Bắc Phi. IMF chỉ có thể cố vấn cho các chính phủ tại khu vực này về những cải cách và cách thức giải quyết nạn thất nghiệp. Mặc dù IMF tuyên bố luôn sẵn sàng giúp đỡ, nhưng chưa có chính phủ nào yêu cầu IMF hỗ trợ về tài chính. Tháng trước, Ai Cập đã quyết định phản đối một chương trình cho vay của IMF mặc dù lúc đầu đã nhất trí.
Cuối cùng là chương trình của G-20. IMF đóng vai trò trung tâm trong việc phân tích những vấn đề kinh tế mà các nền kinh tế lớn G-20 đang phải đối mặt. Pháp hiện là Chủ tịch luân phiên G-20 và trước đó, với tư cách là Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà La-gác-đơ đã đi đầu trong những nỗ lực nhằm cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Trung Quốc đang thúc đẩy việc các nước chấp nhận đồng nhân dân tệ của nước này và muốn đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ của IMF, hiện gồm có đồng USD, đồng yên, đồng bảng Anh và đồng ơ-rô.
Ý kiến ()