Tổng thống đắc cử ở Pê-ru, ông Ô-gian-ta U-ma-la sẽ chính thức nhậm chức ngày 28-7, nhiệm kỳ năm năm. Trước khi nhận trọng trách này, ông đã công bố những chính sách đối nội và đối ngoại theo mô hình tương tự chính quyền của cựu Tổng thống Đa Xin-va ở Bra-xin. Tổng thống đắc cử U-ma-la cùng những người ủng hộ trong niềm vui thắng cử. Ông U-ma-la khẳng định, trọng tâm chính sách kinh tế - xã hội của chính phủ cánh tả là nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước, mở rộng đầu tư công, mở rộng các chính sách phúc lợi, nỗ lực giảm bớt chênh lệch trong thu nhập, tôn trọng tự do của các cộng đồng thổ dân thiểu số bản địa, đẩy mạnh chống tham nhũng, cải thiện tình trạng an ninh trật tự, đấu tranh chống buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức khác. Về chính sách đối ngoại, Tổng thống đắc cử Pê-ru bày tỏ ưu tiên cho quá trình hội nhập Mỹ la-tinh, đặc biệt chú trọng phát triển quan hệ với các nước Nam Mỹ. Ông U-ma-la đã có các chuyến...
Tổng thống đắc cử ở Pê-ru, ông Ô-gian-ta U-ma-la sẽ chính thức nhậm chức ngày 28-7, nhiệm kỳ năm năm. Trước khi nhận trọng trách này, ông đã công bố những chính sách đối nội và đối ngoại theo mô hình tương tự chính quyền của cựu Tổng thống Đa Xin-va ở Bra-xin.
Tổng thống đắc cử U-ma-la cùng những người ủng hộ trong niềm vui thắng cử.
Ông U-ma-la khẳng định, trọng tâm chính sách kinh tế – xã hội của chính phủ cánh tả là nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước, mở rộng đầu tư công, mở rộng các chính sách phúc lợi, nỗ lực giảm bớt chênh lệch trong thu nhập, tôn trọng tự do của các cộng đồng thổ dân thiểu số bản địa, đẩy mạnh chống tham nhũng, cải thiện tình trạng an ninh trật tự, đấu tranh chống buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức khác. Về chính sách đối ngoại, Tổng thống đắc cử Pê-ru bày tỏ ưu tiên cho quá trình hội nhập Mỹ la-tinh, đặc biệt chú trọng phát triển quan hệ với các nước Nam Mỹ. Ông U-ma-la đã có các chuyến thăm tới Mỹ và tám nước Mỹ la-tinh, trong đó nhiều lần thăm Bra-xin; đồng thời có kế hoạch thăm các nước châu Âu trước ngày nhậm chức Tổng thống.
Pê-ru đang là tâm điểm của giới phân tích và dư luận. Việc lực lượng cánh tả được cử tri chọn làm lực lượng cầm quyền có tác động tích cực đối với không những đời sống chính trị và xã hội Pê-ru mà cả khu vực Mỹ la-tinh đang rất sôi động. Tổng Thư ký Hội đồng khoa học xã hội Mỹ la-tinh (CLASCO), nhà báo kỳ cựu Bra-xin E. Xa-đơ nhận xét rằng, sự kiện ông U-ma-la, đại diện lực lượng cánh tả tại Pê-ru được bầu làm Tổng thống mới đã mở ra những triển vọng mới cho đất nước, khôi phục những cải cách và chính sách kinh tế – xã hội tiến bộ của chính phủ dân tộc của Tổng thống Vê-la-xcô An-va-ra-đô cầm quyền từ năm 1968 đến 1975. Chiến thắng của ông U-ma-la đồng nghĩa với việc 'khép lại' chu kỳ kéo dài của ba chính phủ theo xu hướng 'tự do mới' với chủ trương tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bằng việc khai thác và xuất khẩu tài nguyên đất nước như vàng, đồng, kẽm, khí đốt… trong khi lãng quên các chính sách xã hội dẫn tới sự bất bình của cử tri. Chủ trương xây dựng 'mô hình tự do mới' đã 'đảo ngược' những cải cách trước đó. Các chính sách xã hội bị 'bỏ quên', phân hóa xã hội gia tăng. Hậu quả là Tổng thống Phu-hi-mo-ri đã bị kết án 23 năm tù giam. Trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, đảng APRA cầm quyền của Tổng thống Gác-xi-a chỉ được bốn ghế trong 130 ghế của Hạ viện mới.
Chủ trương khai thác và bán tài nguyên đất nước của các chính phủ tự do trong hai mươi năm qua ở Pê-ru đã thu hút rất nhiều công ty xuyên quốc gia vào kinh doanh. Họ mua đất để khai khoáng. Trong khi đó, dư luận Pê-ru cho là 'những cuộc xâm chiếm đất' đã đẩy thổ dân vùng A-ma-dôn vào những hoàn cảnh khó khăn, làm dấy lên làn sóng đấu tranh của người bản địa. Đã xảy ra những cuộc xung đột đẫm máu, nổi bật là vụ xung đột tháng 6-2009 làm 34 người chết. Vụ xung đột buộc Quốc hội nước này thông qua một đạo luật quy định phải tiến hành tham vấn các phong trào của người dân địa phương về các khoản đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng tại khu vực họ sinh sống. Sự bất bình và phản kháng của người dân đối với những nhà đầu tư khai khoáng chỉ dịu bớt sau khi Tổng thống U-ma-la hứa sẽ can thiệp. Tuy nhiên, phong trào phản kháng của người dân có thể bùng phát trở lại nếu 'cuộc chiếm đất' không được ngăn chặn hoặc có sự thỏa thuận của người bản địa.
Pê-ru được cho là một trung tâm sản xuất các loại ma túy mới, thậm chí hoạt động tội phạm này còn mạnh hơn ở Cô-lôm-bi-a. Mỗi năm, khoảng 320 tấn cô-ca-in được sản xuất tại Pê-ru, nhưng chỉ 10% trong số này bị tịch thu. Chống tội phạm ma túy là nội dung chính trong chương trình tranh cử của nhiều ứng cử viên Quốc hội và Tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.
Một số nhà phân tích ở Mỹ la-tinh thậm chí cho rằng, mô hình 'tự do mới' đã làm cho Pê-ru 'mục ruỗng'. Tài nguyên bị kiệt quệ và sử dụng phung phí, trong xã hội nảy sinh thêm những mâu thuẫn. Tham nhũng, tội ác, bất công và những tệ nạn liên quan ma túy đang là những ung nhọt nhức nhối. Đó là những điều cử tri Pê-ru mong muốn được giải quyết và cũng là những thách thức đối với chính phủ cánh tả của ông U-ma-la trong năm năm cầm quyền tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()