Những tầm nhìn và mối quan tâm lớn tại Đối thoại Shangri-la
Ngày 2/6, Diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á mang tên Đối thoại Shangri-La đã chính thức khai mạc tại khách sạn Shangri-La của Singapore và kéo dài tới hết ngày 4/6. Với chương trình nghị sự dày đặc, Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 thu hút sự tham gia của hơn 550 đại biểu là các quan chức quốc phòng và an ninh cấp cao, nhà sản xuất vũ khí, học giả, nhà nghiên cứu… tới từ hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Trong khuôn khổ Đối thoại năm nay, dự kiến sẽ có 7 phiên họp toàn thể với các chủ đề như xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương cân bằng và ổn định; giải quyết những căng thẳng trong khu vực; trật tự an ninh hàng hải nổi lên ở châu Á…
Ngoài ra, cũng sẽ có 6 phiên thảo luận song song đặc biệt về các vấn đề an ninh, quốc phòng đang nổi lên trong khu vực cũng như vai trò của ASEAN trong định hình cấu trúc an ninh khu vực, cạnh tranh trên không gian mạng…
Chương trình nghị sự dày đặc như vậy cùng nhiều cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại cho thấy châu Á- Thái Bình Dương đang ngày càng thu hút sự chú ý của thế giới. Nhưng mặt khác điều này cũng cho thấy rất nhiều vấn đề đang nổi lên ảnh hưởng tới tình hình an ninh khu vực.
Đó là vấn đề cạnh tranh giữa các nước lớn; tuân thủ luật pháp quốc tế; sử dụng sức mạnh quân sự trong việc xử lý các vấn đề giữa các cường quốc với nhau và giữa các cường quốc với các nước trong khu vực; tranh chấp lãnh thổ; môi trường hay những vấn đề mới về chiến tranh trong tương lai.
Cũng giống như những cuộc họp trước đây, mối quan hệ an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục thu hút sự quan tâm tại Đối thoại lần này. Quan chức quốc phòng hàng đầu 2 nước dự kiến sẽ tiếp tục đưa ra tầm nhìn cạnh tranh về an ninh khu vực.
Nếu như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thúc đẩy “tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, với ASEAN là trung tâm”, thì Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cũng sẽ làm rõ “Sáng kiến An ninh mới của Trung Quốc”, coi đây như một cách tiếp cận để tăng cường an ninh chung ở châu Á và toàn cầu.
Ngay trước thềm Đối thoại, giới quan sát chính trị đã dự đoán về khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa ông Lloyd Austin và ông Lý Thượng Phúc. Tuy nhiên, theo thông tin phía Mỹ đưa ra, hồi đầu tuần này, Bắc Kinh đã bác bỏ khả năng về cuộc gặp giữa quan chức quốc phòng cấp cao hai nước trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La năm nay.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ tạo ra “các chướng ngại vật” làm xói mòn lòng tin và cản trở nỗ lực cải thiện liên lạc giữa hai cường quốc trong khi ông Lý Thượng Phúc vẫn đang nằm trong danh sách trừng phạt của Washington. Nhận định về điều này, ông Lloyd Austin cho biết đây là một sự “đáng tiếc” và ông hoan nghênh mọi cơ hội tiếp xúc với người đồng cấp Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Chong Ja Ian, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, việc không diễn ra cuộc gặp song phương chính thức giữa người đứng đầu Bộ Quốc phòng hai nước trong năm nay cho thấy mối quan hệ “không thoải mái, thậm chí căng thẳng” giữa hai cường quốc.
Trong khi đó ông James Crabtree, Giám đốc điều hành văn phòng châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La chỉ ra rằng, tình thế khó xử giữa Washington và Bắc Kinh “cho thấy những góc nhìn khác nhau về vai trò của truyền thông trong mối quan hệ giữa các cường quốc”.
“Nhìn từ góc độ của Washington, thông tin liên lạc là cần thiết nhất trong một cuộc khủng hoảng nhưng quan điểm của Bắc Kinh ngược lại”. “Trung Quốc coi giao tiếp là điều nên xảy ra khi quan hệ tốt đẹp. Nếu vấn đề nghiêm trọng hơn, việc cắt đứt các kênh liên lạc là cách dễ dàng để thể hiện sự không hài lòng”, vị chuyên gia giải thích.
Cũng theo Tiến sĩ Chong Ja Ian, chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành tại Ukraine cũng được dự đoán sẽ tiếp tục là một chủ đề nổi bật tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20. Cuộc xung đột này ở châu Âu đã định hình lại quan điểm và chính sách của nhiều quốc gia trong năm qua và tiếp tục phủ bóng đen lên cuộc tranh luận về các mối quan tâm và chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn của họ.
Những vấn đề an ninh quốc tế đáng chú ý khác bao gồm các cuộc thảo luận về các cấu trúc an ninh đang phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Hiệp ước Aukus giữa Australia, Anh và Mỹ, nhóm Quad gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ cùng việc Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường quan hệ với NATO từ đầu năm 2023.
Các nỗ lực quản lý các chương trình vũ khí và tên lửa ở Triều Tiên và Iran và các cách giải quyết cuộc nội chiến ở Myanmar cùng những tác động lan tỏa của nó cũng được dự đoán là một chủ đề được thảo luận. Tiến sĩ Chong Ja Ian hy vọng các cuộc thảo luận tại Đối thoại Shangri-La sẽ làm sáng tỏ quan điểm của các nước liên quan đến các khuôn khổ an ninh này và cách chúng đóng góp cho sự ổn định khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hôm 1/5 cũng thể hiện quan điểm này khi cho biết diễn đàn này trong nhiều năm “đã cung cấp một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng và an ninh quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương”.
Để chuẩn bị cho Đối thoại Shangri-La lần thứ 20, công tác bảo đảm an ninh, an toàn đã được nước chủ nhà Singapore chuẩn bị chu đáo với việc huy động, tăng cường tối đa các lực lượng để tuần tra, kiểm soát dọc theo các tuyến đường ra, vào nơi tổ chức hội nghị cùng nhiều biện pháp hạn chế về an ninh khác.
Người dân Singapore được khuyến cáo chú ý khi tham gia giao thông quanh khu vực gần khách sạn Shangri-La trong những ngày diễn ra sự kiện quan trọng, nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định, hướng dẫn của cảnh sát tại các chốt kiểm soát.
Mọi hành vi không tuân thủ sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật. Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore (CAAS) cũng sẽ thiết lập Khu vực Hạn chế tạm thời (TRA) tại khu vực khách sạn Shangri-La từ ngày 2/6 – 4/6.
Có thể nói, với dân số chiếm tới 60% thế giới, châu Á – Thái Bình Dương được dự báo là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu trong 30 năm tới. Vì vậy, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhằm gia tăng ảnh hưởng, nâng cao vị thế, uy tín ngày càng quyết liệt, kéo theo các nước phải thay đổi chiến lược nhằm bảo đảm lợi ích tại khu vực quan trọng này.
Một số quốc gia, tổ chức khu vực, nhất là các nước lớn đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, nhằm thực hiện mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo lập cho mình vị thế có lợi trong cục diện khu vực đang định hình. Nhiều thành viên trong NATO, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang mong muốn đóng vai trò tích cực trong các vấn đề an ninh, quốc phòng của khu vực.
Đối thoại Shangri-La năm nay vì vậy còn được xem là cơ hội để các lãnh đạo an ninh châu Âu đưa ra thông điệp then chốt liên quan đến các bước tiếp theo trong cách tiếp cận của họ đối với vấn đề quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi lựa chọn chính sách “hướng Đông” với nhiều hoạt động kinh tế và an ninh tại khu vực có vị trí địa chiến lược ngày càng quan trọng này.
Nhưng rõ ràng, sự quan tâm của các cường quốc bên ngoài dành cho châu Á dù mang lại nhiều cơ hội cho châu lục năng động này song cũng không tránh khỏi nguy cơ tiềm ẩn những rủi ro và thách thức, buộc các nước trong khu vực phải làm việc cùng nhau nhằm gây dựng lòng tin, hợp tác và nỗ lực thực chất vì một châu Á-Thái Bình Dương ổn định và phát triển.
Nguồn:https://cand.com.vn/Quoc-te/nhung-tam-nhin-va-moi-quan-tam-lon-tai-doi-thoai-shangri-la-i695661/
Ý kiến ()