Những tấm gương điển hình thi đua yêu nước
LSO- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, trong những năm qua, phong trào thi đua (PTTĐ) yêu nước trên toàn tỉnh không ngừng phát triển. Từ các PTTĐ đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc.
Ông Dương Công Chung, Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn:“Đẩy mạnh PTTĐ gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM)”.
Cuối năm 2017, xã Chiến Thắng về đích NTM. Để làm được điều này, cấp ủy, chính quyền đã phát động PTTĐ, kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn phát huy tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua, tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước, doanh nghiệp, huy động sức dân để về đích NTM đúng theo kế hoạch đề ra.
Đối với xã Chiến Thắng, phong trào phát triển đường giao thông nông thôn được xem là nổi bật nhất. Từ năm 2012 đến năm 2017, trung bình mỗi năm, xã sử dụng 300 tấn xi măng của Nhà nước, bà con góp công, góp sức, góp tiền mua vật liệu để xây dựng đường thôn, ngõ xóm, đường nội đồng. Những thôn như: Hồng Phong 4, Bình An…, bà con ý thức rất rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình trong thực hiện phong trào làm đường giao thông nông thôn. Những năm trước, trưởng thôn Hồng Phong 4 không chỉ vận động nhân dân hăng hái làm đường mà còn cầm sổ đỏ để ứng trước tiền mua vật liệu xây dựng; hay thôn Bình An, bà con tự sắm máy trộn bê tông để quá trình làm đường giao thông thuận tiện, chất lượng… Đến nay, tỷ lệ đường bê tông của xã đạt trên 80%.
Bác sĩ Nông Việt Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn:“Không ngừng thi đua, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Hơn 30 năm công tác trong ngành y, tôi luôn gương mẫu tiên phong đi đầu trong công việc, tận tụy với người bệnh, không ngại gian khổ, liên tục tìm tòi, cải tiến ứng dụng vào thực tế lâm sàng để người bệnh được chữa trị, phục vụ tốt nhất.
Với tinh thần, trách nhiệm của một bác sĩ, nhiều năm qua tôi đã nghiên cứu một số đề tài khoa học như: “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị tràn khí màng phổi bằng gây dính màng phổi với polyvidone qua ống dẫn lưu màng phổi”; kỹ thuật cầm máu đối với những bệnh nhân ho ra máu… đem lại hiệu quả cao, tránh tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến trên.
Là Trưởng khoa, tôi luôn khuyến khích, động viên các cán bộ thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”, thực hiện tốt PTTĐ “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ trẻ với phương châm “cầm tay chỉ việc”, qua đó đã kèm cặp, đào tạo được một số bác sĩ trẻ trong khoa thực hiện được hầu hết các kỹ thuật cấp cứu và hồi sức, được lãnh đạo bệnh viện và nhân dân khen ngợi.
Cô giáo Nguyễn Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng:“Không ngại khó, chỉ sợ thiếu nhiệt huyết”.
Năm 2016, tôi được chuyển đến công tác tại Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học (PTDTBTTH) xã Tân Lập với vai trò hiệu trưởng. Thời điểm này, nhà trường gặp vô vàn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, lớp học và phòng làm việc của giáo viên xuống cấp, chất lượng không đảm bảo. Trong hoàn cảnh đó, tôi không nản lòng mà luôn suy nghĩ phải tìm mọi cách để cải thiện cơ sở vật chất cho nhà trường.
Thực hiện PTTĐ “Dạy tốt, học tốt”, tôi đã có nhiều giải pháp và sáng kiến đột phá, đặc biệt là công tác vận động, kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho giáo dục. Sau 2 năm thực hiện dân vận khéo, nhà trường đã xây dựng được 1 phòng đọc, 1 thư viện thân thiện, 2 nhà vệ sinh, sửa chữa 6 phòng học, bê tông 600 m2 sân trường, mở rộng diện tích phòng ăn, nhà xe. Đồng thời trang bị hàng trăm bộ bàn ghế, tủ, ghế đá và các thiết bị vận động thể lực… với tổng trị giá trên 700 triệu đồng. Nhờ đó, từ năm học 2017 – 2018, nhà trường đã có cơ sở vật chất khang trang hơn, không chỉ đảm bảo tốt nhu cầu của người dạy và người học mà còn tạo được cảnh quan môi trường sạch đẹp, giúp học sinh thêm yêu trường, lớp.
Thượng úy Lý Văn Thọ, Đại đội trưởng Đại đội Công binh 17, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:“Tích cực rà phá bom, mìn, vật liệu nổ, mở rộng đất canh tác cho nhân dân”.
Với nhiệm vụ được giao là rà phá bom, mìn, vật liệu nổ (BMVLN) còn sót lại sau chiến tranh theo các chương trình 120, 504 của Chính phủ, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên tuyến biên giới Việt – Trung và các dự án khác trên địa bàn tỉnh, Đại đội Công binh 17 luôn xác định rõ đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và nguy hiểm.
Thực hiện các PTTĐ, trên cương vị là chỉ huy, tôi luôn tổ chức quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, làm tốt công tác huấn luyện, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ chiến sĩ trẻ. Quá trình tổ chức thực hiện, đơn vị cũng gặp khó khăn do khí hậu, thời tiết mưa nắng thất thường, sương mù che phủ nhiều, khu vực có độ dốc cao, cây rừng rậm rạp, điều kiện sinh hoạt của bộ đội hết sức vất vả, chủ yếu phải ở lán trại dựng tạm, cơ sở, vật chất bảo đảm đời sống bộ đội còn thiếu thốn. Mặc dù vậy, tôi và đồng đội vẫn nỗ lực vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả, sau hơn 7 năm thực hiện, tôi đã cùng đồng đội rà phá hàng nghìn quả BMVLN. Tính trung bình mỗi năm làm sạch từ 60 đến 70 ha đất canh tác để bà con có đất sản xuất, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới quốc gia.
NHÓM PV
Ý kiến ()