Những “sứ giả” mang tổ chức công đoàn đến gần hơn với người lao động
Để ghi nhận, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong hoạt động công đoàn, từ năm 2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập Giải thưởng Nguyễn Văn Linh.
Ở lần xét chọn Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ tư, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn nhận được 55 đề cử, giới thiệu cán bộ công đoàn xuất sắc từ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương.
Trên cơ sở thành tích của các ứng viên, tiêu chí và quy chế giải thưởng, với tinh thần công tâm, khách quan, công khai, Hội đồng xét chọn đã tiến hành xem xét kỹ lưỡng từng hồ sơ, phân loại, thẩm định, đánh giá thành tích của các cá nhân được giới thiệu để quyết định trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ tư tặng 10 cán bộ công đoàn. Trong đó, có 5 cán bộ công đoàn cơ sở, 3 cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 2 cán bộ công đoàn cấp tỉnh, ngành.
Gắn bó với Công ty TNHH Giày ADORA Việt Nam-doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ những ngày đầu thành lập, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Đinh Thị Tâm nhớ lại: Lực lượng lao động đông, dao động trên dưới gần 10 nghìn người, đa số là lao động nữ, công tác nắm bắt tư tưởng, tuyên truyền chính sách, pháp luật cho người lao động được công đoàn cơ sở xác định là ưu tiên hàng đầu. Song đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Chị Đinh Thị Tâm cho biết, thời gian đầu, chị từng nhận được những ánh mắt hoài nghi của phần lớn nữ công nhân lao động dành cho một người có tuổi đời còn trẻ, chưa có kinh nghiệm trong công tác công đoàn. Khi đó, đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn, do giá cả liên tục leo thang trong khi đồng lương không theo kịp giá. Những gánh nặng cơm áo thường nhật cộng với sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế, dẫn đến hành động ngừng việc tập thể.
Nhận diện rõ tình hình, chị Tâm nhanh chóng báo cáo và yêu cầu ban lãnh đạo công ty cần có những động thái kịp thời thể hiện sự chia sẻ và quan tâm đối với người lao động. Một hội nghị đối thoại 3 bên nhanh chóng được tổ chức, để giải quyết nhiều kiến nghị của người lao động, trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ. Kể từ đây, vị thủ lĩnh công đoàn cơ sở trở thành chị “Thanh Tâm” đích thực trong lòng đoàn viên, người lao động tìm đến gửi gắm tâm tư.
Với trách nhiệm của Chủ tịch Công đoàn cơ sở, chị Tâm không ngừng đổi mới các nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, nhất là chú trọng tổ chức các phong trào thi đua, nhằm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động. Chị Tâm cùng với Ban Chấp hành Công đoàn đẩy mạnh thương lượng, đối thoại với doanh nghiệp; đại diện ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi, cao hơn quy định của pháp luật cho người lao động.
Nhận được giải thưởng Nguyễn Văn Linh danh giá từ tổ chức công đoàn, chị Tâm vui mừng vì những cố gắng, nỗ lực của bản thân trong thời gian qua đã được ghi nhận; đồng thời cũng là niềm vinh dự lớn lao, trọng trách để chị tiếp tục có sự bứt phá, tạo điểm nhấn riêng trong hoạt động công đoàn, trở thành cầu nối quan trọng giữa công ty và người lao động thời gian tới.
Trưởng thành từ công nhân trực tiếp sản xuất, trải qua quá trình rèn luyện liên tục, qua nhiều vị trí công tác, đồng chí Nguyễn Tiến Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Dệt may Việt Nam, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Dệt May Huế đã có 35 năm gắn bó với công tác công đoàn, thấu hiểu những khó khăn cũng như tâm tư nguyện vọng của đoàn viên. Thời gian qua, đơn vị có nhiều sáng kiến áp dụng vào thực tiễn, góp phần tích cực thúc đẩy tăng năng suất lao động và thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi cho người lao động. Nổi
bật là các sáng kiến: Đổi mới hoạt động thực hành, thực nghiệp trong công nhân lao động, xây dựng chương trình hành động của công đoàn phối hợp chuyên môn đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động từ đó loại bỏ thao tác thừa của công nhân; đổi mới công tác vận động và xây dựng chính sách phối hợp với chuyên môn bổ sung vào Thỏa ước Lao động tập thể nhiều chính sách cao hơn quy định của pháp luật, mang lại nhiều lợi ích cho người lao động, giúp họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài. Nhờ đó, công ty giữ được nguồn nhân lực tay nghề cao, tiết kiệm được chi phí tuyển dụng, đào tạo.
Trong Chương trình “1 triệu sáng kiến, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, công ty có hơn 2 nghìn sáng kiến tham gia, là đơn vị đứng thứ 3 trong toàn hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam, được Tổng Liên đoàn Lao động tặng Bằng khen.
Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Tiến Hậu cùng ban lãnh đạo công đoàn công ty chủ động xây dựng các phương án tìm các nguồn hàng bảo đảm, ưu đãi về giá cho đoàn viên, người lao động; thành lập cửa hàng tiện ích cung cấp sản phẩm với giá ưu đãi và phục vụ ăn sáng cho công nhân; tổ chức sinh nhật tháng; thưởng các đợt du lịch nghỉ mát trong và ngoài nước đối với những đoàn viên, người lao động đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua 2 năm liên tục…
Đồng chí Nguyễn Tiến Hậu cho rằng, cán bộ công đoàn cần lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và cố gắng xử lý từng mong muốn nhỏ nhất của đoàn viên, người lao động để từ đó có những hoạt động thiết thực, thực chất vì người lao động. Vấn đề cần quan tâm nữa là tổ chức công đoàn và chủ sử dụng lao động cần phải có cùng chí hướng trong công tác quan tâm, chăm lo “vốn quý” của doanh nghiệp. Ông Hậu cho biết: Tôi tâm nguyện sẽ luôn tìm tòi để có những đột phá trong công tác chăm lo, đưa ra được nhiều chính sách, chế độ cao hơn quy định của pháp luật nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên, người lao động.
Ngoài hai cá nhân tiêu biểu nêu trên, tám gương mặt cán bộ xuất sắc tiêu biểu khác rất đáng trân trọng và ghi nhận những nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp công đoàn như: Trưởng ban Công đoàn Công an nhân dân Công Thanh Thảo-người được ví như “bông hồng thép” của công đoàn trong khối lực lượng vũ trang; Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Viễn thông MobiFone Bùi Sơn Nam có 17 sáng kiến góp phần khẳng định vị thế của công đoàn trong doanh nghiệp; Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh Cao Hồng Hà thành công với các sáng kiến “Tặng sổ tiết kiệm cho đoàn viên, người lao động”; Công trình “Điểm phúc lợi đoàn viên”; Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Chí Hùng (tỉnh Bình Dương) Nguyễn Thị Ngọc Hà lại truyền cảm hứng, tạo động lực cho người lao động khi vận động người sử dụng lao động chi thêm 50% kinh phí để chăm lo đoàn viên, người lao động; Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Bê tông Ly tâm Thủ Đức-Long An Ngô Trường Huy đã đề xuất, vận động doanh nghiệp xây dựng khu nhà lưu trú miễn phí, thư viện, khu nhà nghỉ ngơi giữa ca cho công nhân…
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định: 10 gương mặt cán bộ công đoàn xuất sắc tiêu biểu được tôn vinh lần này tuy khác nhau về tuổi đời, vị trí công tác, thời gian gắn bó với tổ chức công đoàn, cũng như lĩnh vực, địa bàn hoạt động nhưng đều có một điểm chung, đó là sự gắn bó máu thịt, lo nỗi lo của đoàn viên, vui niềm vui của người lao động, được đồng nghiệp và người lao động tin yêu, lãnh đạo các cấp tin cậy, ủng hộ.
Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm với hoạt động công đoàn, với tinh thần không ngừng đổi mới, tìm tòi, sáng tạo, thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, họ đã đem hình ảnh của tổ chức công đoàn đến gần hơn với đoàn viên, người lao động.
Ý kiến ()