Những quy định nổi bật về lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Trong năm 2022, nhiều chính sách pháp luật, quy định mới về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã có hiệu lực và dần đi vào cuộc sống.
Lao động đi làm việc theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật IM Japan tại Nhật Bản (Ảnh minh họa: Colab). |
Để chính sách mới dần đi vào cuộc sống
Ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 69/2020/QH14 – Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Luật chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.
Luật nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các luật được Quốc hội ban hành gần đây. Đồng thời, Luật bảo đảm hội nhập quốc tế, hướng đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế và nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể. Đó là hàng loạt các văn bản dưới đây:
Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật số 69/2020/QH14, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 17/1/2022.
Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, có hiệu lực từ ngày 21/2/2022.
Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết một số điều của Luật, có hiệu lực từ ngày 1/2/2022.
Thông tư số 20/2021/TT-BLĐTBXH quy định về Hệ thống cơ sở dữ liệu, có hiệu lực từ ngày 1/2/2022.
5 điểm mới cần lưu ý
Số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời gian gần đây (Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước) |
Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những điểm mới như sau.
Thứ nhất, Luật bổ sung về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, các chính sách được bổ sung nhằm bảo đảm cơ chế hỗ trợ của Nhà nước trong cả quá trình trước, trong và sau khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về.
Cụ thể, Luật khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Luật cũng bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong hoạt động tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng; có các biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới;
Luật hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ của người lao động.
Thứ hai, Luật bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, một số hành vi bị nghiêm cấm trong Luật gồm có:
Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi khác trái pháp luật;
Phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật; thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật này; áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác ngoài ký quỹ và bảo lãnh quy định tại Luật này.
Thứ ba, mở rộng đối tượng áp dụng của Luật và bổ sung quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh có thể đăng ký trực tuyến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để được hỗ trợ và hưởng quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Luật bổ sung quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động khi bị ngược đãi, đe dọa; bổ sung quyền được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện;
Luật bổ sung quy định cụ thể và nguyên tắc xác định mức trần tiền dịch vụ doanh nghiệp được phép thu của người lao động.
Luật bổ sung cơ chế để hỗ trợ người lao động tiếp cận, đóng góp, thực hiện các thủ tục và nhận hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trong thời gian làm việc ở nước ngoài thay vì cơ chế mang tính chất bồi hoàn và phải làm thủ tục khi đã về nước như hiện nay.
Thứ tư, Luật nâng cao điều kiện hoạt động dịch vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, Luật bổ sung một số điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với doanh nghiệp; bổ sung một số trường hợp doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi giấy phép như: nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép là giả mạo; không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 24 tháng liên tục; bổ sung điều kiện đối với người đứng đầu chi nhánh được giao nhiệm vụ; không quy định giới hạn số lượng chi nhánh mà doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Luật cũng bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động nhằm tạo điều kiện và cho phép doanh nghiệp được chủ động chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động nhưng gắn với điều kiện cụ thể để hạn chế tình trạng đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề… tràn lan, tránh lãng phí xã hội.
Quy định của Luật nêu rõ, doanh nghiệp dịch vụ phải chi trả toàn bộ thù lao theo Hợp đồng môi giới đối với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và không được yêu cầu người lao động hoàn trả một phần khoản tiền này; Bổ sung quy định cụ thể và nguyên tắc thu tiền dịch vụ, mức trần tiền dịch vụ doanh nghiệp được phép thu của người lao động.
Thứ năm, bổ sung quy định về việc xây dựng, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và rút ngắn thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính.
Luật bổ sung trách nhiệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật và chia sẻ cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thủ tục đổi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định trong Luật hiện hành đã được bãi bỏ tại Luật số 69/2020/QH14. Các thủ tục khác đã được đơn giản hóa và rút ngắn thời hạn giải quyết như thủ tục cấp, cấp lại Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và thủ tục đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động.
Ý kiến ()