Thứ 2, 25/11/2024 01:58 [(GMT +7)]
Những quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí và vấn đề đặt ra cho các nhà báo
Thứ 3, 21/06/2011 | 08:31:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Vấn đề hàng đầu đặt ra cho những nhà báo cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá là bảo đảm được định hướng, góp phần giữ gìn, ổn định xã hội. Báo chí là một phương tiện có sức mạnh to lớn trong việc hướng dẫn nhận thức, hình thành dư luận xã hội tích cực, đúng đắn trên cơ sở thông tin nhanh chóng, đầy đủ và phong phú về các sự kiện, các vấn đề nảy sinh.
Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức trao thẻ cho các nhà báo |
Báo chí đồng thời là kênh thông tin quan trọng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện và phản ánh những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, giúp các cơ quan lãnh đạo nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong xã hội. Muốn vậy, báo chí cách mạng phải bảo đảm giữ vững và phát huy các nguyên tắc của báo chí. Nguyên tắc hàng đầu của báo chí cách mạng là tính Đảng Cộng sản, nghĩa là mọi hoạt động của báo chí đều phục vụ cho sự nghiệp của Đảng và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra như một vấn đề cốt tử và vẫn đang là một đề tài quan trọng bậc nhất của sự nghiệp đổi mới báo chí vì sự nghiệp công nghiêp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chính trong điều kiện nền kinh tế thị trường và thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí càng cần thiết hơn bao giờ hết. Chất lượng thông tin phải gắn liền với chất lượng chính trị – tư tưởng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bác Hồ nói: “…phải có lập trường chính trị vững chắc, chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”*. Nguyên tắc bảo đảm tính nhân dân, đại chúng và vai trò của báo chí trong đời sống cộng đồng. Nói một cách hình tượng về vai trò của nhân dân, Bác nói: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy ngọn mà quên mất gốc!”*. Làm báo không thể không bảo đảm tính nhân dân, phổ thông, đại chúng. Hồ Chủ tịch dạy người làm báo phải: 1) Phải học cách nói của quần chúng, chớ nói như cách giảng sách; 2) Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu; 3) Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: “ta viết cho ai xem, nói cho ai nghe?”; 4) Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết; 5) Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận”*. Bác thường nhắc nhở những người làm báo phải viết ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với đông đảo quần chúng nhân dân lao động, không nên viết dài dòng, khó hiểu, “tràng giang đại hải”, “dây cà ra dây muống”*. Người căn dặn: “Ta làm cách mạng, ta nói và viết cho quần chúng nhân dân mà mọi người không hiểu ta nói cái gì, sao có thể gọi là cán bộ cách mạng được”*.
Bảo đảm tính chân thực và tính đa dạng, đó là lý do tồn tại của báo chí cách mạng. Người khảng định, tuyên truyền phải đảm bảo nguyên tắc chân thực. Khi nêu gương người tốt việc tốt, Người nhắc nhở phải “Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật, không được bịa ra”*. Mặt khác “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn, chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền”*. Tính đa dạng của báo chí là sự phản ánh cuộc sống một cách toàn diện, sâu sắc, sống động, nhiều chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “…cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi”. Người chỉ rõ: “…mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ…nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng khô khan, làm cho người xem dễ chán”*. Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng có mối quan hệ mật thiết và biện chứng giữa những đòi hỏi về tính Đảng, tính khoa học, tính nhân dân, tính đại chúng, yêu cầu chân thật và đa dạng của báo chí cách mạng.
Tọa đàm “Báo chí với cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” – Ảnh: C.Q |
Muốn làm được như vậy, trước hết phải xây dựng được đội ngũ những người làm báo có lập trường chính trị vững vàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nhà báo: “…phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản“*. Chỉ có như vậy cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng báo chí mới đạt được hiệu quả cao, mới có tính thuyết phục để định hướng tư tưởng và hướng dẫn dư luận xã hội.
Học tập gương Bác Hồ để trở thàmh nhà báo cách mạng, chúng ta cần phải không ngừng khổ công rèn luyện, mài giũa ngòi bút, tự trau dồi và nâng cao cho mình cả về bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và tác phong, đạo đức, lối sống tốt đẹp.
*Trích từ: Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2002
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()